12/03/2016 10:38 GMT+7

​Ninh Thuận: Sông khô, hồ cạn

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Do tác động của hiện tượng El Nino, từ năm 2015 đến nay, nắng nóng đã khiến người dân Ninh Thuận quay quắt vì hạn hán.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã phải ban hành quyết định công bố thiên tai (nắng hạn) vụ Đông Xuân 2015 – 2016 xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Hiện tượng El Nino xuất hiện tại tỉnh Ninh Thuận từ cuối năm 2014, đến năm 2015 diễn biến tiếp tục gay gắt hơn với nhiều đợt nắng nóng kéo dài, mưa cũng xuất hiện ít hơn bình thường so với các năm trước và kết thúc sớm. Tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài sang năm 2016, khiến cho lượng nước trên các hồ, đập, sông, suối trên địa bàn tỉnh thiếu hụt, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Hiện nay, các sông, hồ ở Ninh Thuận đã cạn trơ đáy. Để mưu sinh, người dân Ninh Thuận phải “tự cứu lấy mình” bằng cách đầu tư khoan giếng để tìm các nguồn nước dưới lòng đất. Điển hình là ở khu vực hồ Ông Kinh, huyện Ninh Hải. Tại hồ Ông Kinh, nếu như những năm trước đây, nhân dân khoan giếng chỉ từ 4-5 mét là có nước thì hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn xã phải khoan đến 40-50 mét vẫn không có nước.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho biết: tổng số giếng khoan hiện có trên địa bàn xã đã trên 500 cái nhưng đa số không có nước, gây thiệt hại bình quân từ 10-20 triệu đồng/giếng khoan. Theo thống kê, mỗi hộ khoan ít nhất 2 lỗ giếng nhưng tỷ lệ có nước chỉ đạt khoảng 30-40%. Trước tình hình trên, địa phương đã kiến nghị UBND huyện đề nghị huyện và các sở, ngành liên quan khảo sát nguồn nước ngầm nhằm giúp bà con “định vị” chính xác khi khoan giếng khoan để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có.

Để giúp người dân vượt qua cơn đại hạn, cách tốt nhất là tìm được nguồn nước. Và để đảm bảo có nguồn nước, đặc biệt là khai thác nguồn nước dưới đất để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con nông dân, các địa phương cần nắm chắc tình hình, khu vực nào thiếu nước, cần khoan giếng ở vị trí nào thì liên hệ với Sở TN&MT để được tư vấn về mặt chuyên môn. Nếu khu vực đó không có nước hoặc nước bị nhiễm mặn thì ngành sẽ khuyến cáo để người dân biết, không tiến hành đào ao hay khoan giếng, tránh tốn chi phí đầu tư của bà con, đồng thời sử dụng nguồn nước dưới đất một cách hiệu quả nhất...

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả để cùng với tỉnh giải quyết cho được vấn đề nước cho tỉnh. Vấn đề đặt ra không chỉ là đầu tư hồ, đập mà quan trọng hơn là kết nối, điều tiết, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn nước không chỉ trong phạm vi tỉnh mà là mang tính chất vùng và thậm chí là toàn quốc.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hạn hán Ninh Thuận