24/07/2011 04:44 GMT+7

Niềm đam mê "cào cào" bay

THANH HUYỀN
THANH HUYỀN

TT - Sau cú lắc tay lái gọn ghẽ, chiếc môtô đột ngột đổi hướng 90 độ, kết hợp với động tác nghiêng người mềm mại như một chú mèo của Pierre, hai bánh của “xế cào” đã nằm ngay ngắn trên một đường thẳng... Phong thái nhẹ nhàng của Pierre-Yves Catry (19) đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

TT - Sau cú lắc tay lái gọn ghẽ, chiếc môtô đột ngột đổi hướng 90 độ, kết hợp với động tác nghiêng người mềm mại như một chú mèo của Pierre, hai bánh của “xế cào” đã nằm ngay ngắn trên một đường thẳng... Phong thái nhẹ nhàng của Pierre-Yves Catry (19) đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

Khói bụi mờ mịt khu vực đường đua, đất đai văng tung tóe sau mỗi lần “xế cào” (môtô cào cào) vít ga. Theo ông Nguyễn Ngọc Hoan - phó ban chuyên môn môtô địa hình Liên đoàn Môtô - xe dạp VN, đường đua thử nghiệm lần này (diễn ra tại khu du lịch sinh thái Vườn Xoài Đồng Nai ngày 17-7 với sự tham dự của 36 tay đua trong nước và người nước ngoài sinh sống tại VN) có độ khó tương đương 3/10 những cuộc đua trên thế giới.

Tuy điểm “jump” (những khúc cua hay mô bay) chỉ dài khoảng 20m so với 50m nên không cho phép những tay đua lão luyện thể hiện hết khả năng, dù vậy khán giả cũng có thể cảm nhận được sự hấp dẫn của motocross (MX, môtô địa hình trong sân).

Để có mặt ở các cuộc đua, các tay đua phải trải qua quá trình tập luyện gian nan. Lẫn trong đám đông khán giả là Greg Witek - một “tín đồ” của MX - đang tựa vào đôi nạng. Đang làm việc tại Phan Thiết, Greg từng chơi nhiều môn thể thao mạo hiểm như downhill, BMX (xe đạp địa hình, tương tự MX)... Hai tháng trước, khi đang thực hiện một kỹ thuật mới, anh bị té gãy xương đùi và giập xương bàn chân trái. Nhìn cái chân còn sưng húp của mình, Greg khẳng định: lành sẽ chơi tiếp...

MX đòi hỏi các tay đua có thể lực và thần kinh cực tốt. Với độ dài 1.000m của một vòng đua, nếu không chuẩn bị chu đáo, chỉ qua ba vòng có thể thấy nhiều tay đua mệt đến không còn “bay” nổi. Greg cho biết nếu không tập luyện, ở những vòng cuối nhịp tim đập rất nhanh và đôi tay mỏi cứng đờ, không còn cảm giác khiến tay đua rất dễ phạm lỗi. Do “xế cào” thường rất cao (trừ loại Trial) nên phải làm những chiếc bục đặt bên cạnh xe cho các VĐV leo lên yên dễ dàng. Nhưng theo các tay đua, tầm vóc không phải là điều cản trở với MX.

Mê “xế cào” gần 20 năm, nhưng chiều cao không cho phép Nguyễn Trung Châu (một trong bốn người chơi đầu tiên của Hội Con cào cào, Q.3) ngồi trên yên đạp cho nổ máy. Mỗi lần khởi động, anh phải đứng bên này đạp nổ rồi chạy vòng sang bên kia vào số, nhấn ga, cứ thế chạy theo phóng lên yên. Nhưng khi cưỡi lên khối sắt kềnh càng ấy, anh lại thoăn thoắt như một chú sóc. Còn Trương Thy Thương mỗi lần rạp người xuống để đẩy xe về vị trí, chiếc xe hầu như che mất anh. Nếu không tận mắt nhìn thấy, người xem sẽ không thể hình dung anh là tác giả của những pha đẹp mắt trên không.

Sở thích chơi “xế cào” thường bị cho là của những kẻ “điên rồ”. Nhưng thật sự đó là nghệ thuật điều khiển xe được vun đắp qua quá trình khổ luyện, lòng quả cảm và sự kết hợp tố chất khéo léo bẩm sinh của người tập. Bước vào tập luyện người chơi sẽ phải học sự phối hợp nhuần nhuyễn chân và tay để cùng lúc sử dụng côn hay thắng, tăng giảm ga, số... Đi một bánh là kỹ năng cơ bản nhất của “xế cào” để có thể “bay”.

Đềpa cũng phải học vì không ít tay đua đã “ngã ngựa” bởi xe bốc đầu ngay tại vạch xuất phát. MX có nhiều kỹ thuật như thắng, tăng giảm tốc, cua, bay, thăng bằng trên không, nhấc đầu, tiếp đất... những kỹ thuật đó liên tục điều chỉnh để có thể thực hiện trên nhiều địa hình khác nhau. Bởi vậy “cào cào” luôn mang lại cho người chơi cảm giác thú vị mới mẻ.

Thành Huy nhớ lại ngày mới tập. Lúc đó chỉ có bốn anh em mày mò với nhau ngoài ruộng. Không có kỹ thuật nên cứ gặp bờ ruộng là Huy “quất” thẳng bánh trước vào, người và xe lộn hai ba vòng. Sau một buổi tập, về đến nhà ai nấy mệt nhoài, ê ẩm, cầm bát cơm mà tay run run. Tuy nhiên, với Huy cũng như nhiều tay đua khác, đó là một cách xả stress tuyệt vời.

Kết thúc cuộc đua thử nghiệm, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những khán giả đang háo hức, tay đua Pierre một lần nữa trình diễn tài nghệ của mình. Cuộc đua bán chuyên ngày 2-9 và giải chuyên nghiệp dự định tổ chức vào tháng 12 sẽ hứa hẹn nhiều hấp dẫn hơn nữa khi những “tuyệt kỹ” của các tay đua được phô diễn hết. Ông Đoàn Kim Phách, tổng thư ký Liên đoàn Môtô - xe đạp VN, cho biết: “Thành công của cuộc đua này là cơ sở để tiếp tục tổ chức giải đua chính thức với việc sẽ mời các đội nước ngoài tham dự, từ đó giúp nâng cao trình độ cho VĐV.”

THANH HUYỀN

Là CLB môtô địa hình đầu tiên ở VN. Từ bốn thành viên ban đầu năm 2004, đến nay hội đã có 86 hội viên. Ông Nguyễn Ngọc Hoan - hội trưởng CLB và là phó chủ tịch CLB Môtô địa hình VN - cho biết: “Hoạt động tập luyện của hội tuân theo tiêu chí an toàn và sự thiện cảm của cộng đồng. Sau nhiều năm hoạt động, đến nay môtô địa hình đã được chính thức công nhận là một hoạt động thể thao”.

Dòng xe dirt bike - địa hình ở VN được gọi chung là “cào cào” với động cơ hai thì và bốn thì từ 50cc (dành cho trẻ em) cho đến 450cc với nhiều loại khác nhau để đua trong sân (MX - MX); loại đa dụng có thể đi được trên nhiều địa hình khác nhau từ đồng bằng, đồi núi, sa mạc hay trên cả đường phố (off road, enduro, supermoto); loại vượt chướng ngại vật (Trial).

Do xe có phuộc trước quá khổ đặc trưng khiến đầu xe nhỏng lên, cùng với yên xe đôn cao bởi hai phuộc nhún càng làm dáng xe giống như con cào cào. Riêng loại MX được tinh giản tối đa (không đèn, đề, kiếng, chống xe...) phù hợp với tiêu chí gọn nhẹ, thuận tiện để đua trong sân nên xe không thể đi trên đường phố. Tất cả các loại “cào cào” trên đều được sử dụng trong cuộc đua MX ở vườn xoài.

THANH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên