05/07/2016 10:05 GMT+7

Những vết thương không dễ lành

CÔNG NHẬT - KIM ANH (congnhat@tuoitre.com.vn)
CÔNG NHẬT - KIM ANH (congnhat@tuoitre.com.vn)

TTO - Việc của cha mẹ là "việc của người lớn". Nhưng nhiều bạn trẻ sau đó đã phải gánh chịu muôn vàn nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.

“Tôi từng mang tên N.T.Hoài Hận suốt hơn 20 năm. Từ nhỏ, đám bạn cùng trường thường thắc mắc, chỉ trỏ và ném những ánh nhìn kỳ quặc vào tôi chỉ vì cái tên của tôi quá “kinh khủng”

Chị Hoài Hân

 

Khi đề cập đến chuyện này, một số “nạn nhân” đã đồng ý mở lòng cùng Nhịp sống trẻ sau thời gian dài suy nghĩ, với mong muốn sẽ không còn những trường hợp tương tự diễn ra.

Tôi tên Hoài Hận

“Tôi từng mang tên N.T.Hoài Hận suốt hơn 20 năm. Từ nhỏ, đám bạn cùng trường thường thắc mắc, chỉ trỏ và ném những ánh nhìn kỳ quặc vào tôi chỉ vì cái tên của tôi quá “kinh khủng”. Thực ra cái tên đã nói lên tất cả số phận, hoàn cảnh của tôi.

Năm 18 tuổi, tôi đem chuyện cái tên để hỏi cha một cách nghiêm túc. Ông ngắn gọn: “Tao hận mẹ mày nên mày có tên đó” và những thông tin từ hàng xóm mà giờ không muốn nhắc lại” - chị N.T.Hoài Hân (26 tuổi, quê Gia Lai) nói.

Chị giận vì mẹ bỏ rơi mình và giận vì sao cha lại đặt cho chị cái tên quá sức tưởng tượng với một đứa con gái như vậy.

Cái tên trên khiến chị luôn mặc cảm với mọi người xung quanh. Ngày tốt nghiệp cao đẳng và ngồi viết lá đơn tìm việc, chị hụt hẫng nhận ra cái tên của mình. May mà một người bạn thân sau khi tìm hiểu khắp nơi thì biết chị có thể đổi tên.

“Sau đó tôi đã xin xóa đi dấu nặng để thành tên Hoài Hân. Tôi hiện đã có việc làm ổn định, đồng nghiệp hiện nay không hề biết về cái tên và quá khứ của tôi”, chị kể.

Tương tự, cuộc đời của chị Linh Đỗ (nhà văn) cũng trải qua nhiều sóng gió từ lúc mới chào đời.

“Tôi lớn lên không có cha nên mẹ trút tất cả những buồn bực từ cuộc sống mưu sinh vất vả lên thể xác và tâm hồn non nớt của đứa con. Tôi hứng mưa đòn roi và trăm ngàn lời chì chiết mỗi ngày. Đánh đập con trẻ là thói quen của các bậc cha mẹ quê tôi, nên chẳng ai can thiệp khi một đứa trẻ bị chính người thân bạo hành”, chị nhớ lại.

10 tuổi, thấy nhà là địa ngục, chị tìm đủ mọi cách để tự tử như lao đầu xuống giếng, uống thuốc ngủ, để điện giật... nhưng “chẳng biết may hay xui khi vẫn sống”.

15 tuổi. Chị lao ra ngoài xã hội kiếm sống. 10 năm sau, chị đã trốn từ Bắc vào Nam. “Khi trưởng thành, được sách vở và xã hội giáo huấn không ngừng về phận làm con nên tôi luôn cố gắng hiếu thuận.

Ngoài ra, người ta thường nói “sinh con ra mới hiểu lòng cha mẹ”. Nhưng dù giờ đã trở thành một người mẹ và cố hết sức thì những vết thương năm xưa vẫn hằn sâu trong tim”, chị khẳng định.

“Ám ảnh” với người xung quanh

Không chỉ “lỗi lầm” từ bậc sinh thành, sự “quan tâm quá mức” của một bộ phận xã hội cũng khiến nhiều “nạn nhân” - lúc đó vẫn còn non nớt tuổi đời, trải nghiệm sống - thêm “sống dở chết dở”, mất dần nơi bám víu.

Đã 17 năm trôi qua nhưng V.Hùng (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) vẫn nhớ như in mọi thứ đã diễn ra với gia đình khi anh còn là cậu học sinh lớp 10 Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM). Trước đó, cuộc sống của anh khá êm ấm vì gia cảnh khá giả, anh có thành tích học tập tốt vì muốn biến ước mơ làm kiến trúc sư trở thành sự thật.

“Thời điểm đó, lắm khi tôi thoáng buồn vì cha mẹ ít trò chuyện cùng mình, hai người đều về nhà rất trễ nên hiếm khi chị em tôi được thấy mặt họ”, anh trải lòng. Đến một ngày anh đi học về và thấy trong nhà rất đông người, cha ngồi im không nói gì mặc rất nhiều người vây quanh chửi rủa, đòi xiết nhà, xiết đồ...

Về sau, anh được biết mẹ của mình đã ôm số tiền “giật hụi” hơn 1 tỉ đồng bỏ trốn cùng một người khác.

Lớp 11 anh đi học mà tâm trạng rối bời, học phí trường công lúc đó chỉ vài chục ngàn đồng/tháng nhưng mỗi khi đến hạn, nó như “ác mộng” với anh vì không đủ can đảm ngửa tay xin cha, người lúc đó dần trở nên cộc tính, hở tí là nhậu và chửi rủa con cái.

“Mỗi khi về nhà, thấy hàng xóm ai đó nhìn hay xầm xì xung quanh, tôi luôn có cảm tưởng họ đang nói xấu về mình, gia đình mình. Nghe nói vụ của mẹ tôi bị lên báo nên thấy ai cầm tờ báo, tôi cũng tưởng họ đang đọc về chuyện nhà mình.

Những đứa bạn hàng xóm trước đó thường í ới rủ đi bơi, đi học thêm chung... dần cũng ít qua lại. Một số cô chú láng giềng đôi khi hỏi thăm bâng quơ mà như xát muối vào lòng thằng nhóc mới 16 tuổi” - anh Hùng kể.

Lúc đó, tôi không biết lý do thật sự mẹ tôi đột ngột biến mất nhưng tôi vẫn giận mẹ. Về nhà thì không khí lúc nào cũng ngột ngạt nên thời gian đó tôi thường ngồi lì ở quán nước gần trường.

“Có những lần thấy mấy đứa bạn chung lớp rôm rả đạp xe ngang qua, tôi định kêu tụi nó vào để tâm sự... nhưng rồi tôi sợ mình sẽ chẳng biết bắt đầu từ đâu, chẳng lẽ lại đem chuyện không vui của gia đình kể hết? Tôi giận nhưng vẫn rất thương và nhớ mẹ, không muốn mình góp phần khiến bà trở thành kẻ xấu trong mắt người khác. Tôi tự cô lập mình trước chúng bạn”, anh cho biết.

Không chia sẻ được với ai nên mỗi ngày qua là một ngày đằng đẵng. Sức học anh tuột dốc hẳn, anh chỉ đủ điểm đậu tốt nghiệp và sau đó vừa đi nhảy cho các vũ đoàn vừa làm phục vụ một số quán ăn để kiếm tiền trang trải cho bản thân, gác lại giấc mơ trở thành kiến trúc sư.

“Tôi mong xã hội bớt tàn nhẫn với người khác, nhất là với trẻ vị thành niên. Khi gia đình có chuyện, chúng tôi đã bị tổn thương quá nhiều, giờ lại phải chịu đựng thêm những phán xét, “bia miệng” từ người ngoài thì chuyện đó là quá sức chịu đựng. Ngày đó nếu không thương bà, thương cha... thì tôi đã dễ dàng sa ngã vì thiếu tiền, trẻ, thiếu người sẻ chia mà bạn xấu thì đầy...

Đôi khi tôi nghẹn ngào vì sao bức tranh gia đình êm ấm - một mơ ước rất bình thường với nhiều người - lại xa tầm tay với của mình. Tôi không còn tin vào hôn nhân”, V.Hùng giải thích về việc đã 33 tuổi nhưng hiện vẫn “đi đi, về về” một mình.

(Còn tiếp)

CÔNG NHẬT - KIM ANH (congnhat@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên