30/09/2016 11:00 GMT+7

Những vận động viên “2 trong 1”

K.XUÂN - H.ĐĂNG
K.XUÂN - H.ĐĂNG

TT - VĐV đấu võ xuất thân là dân... chèo thuyền, VĐV bóng chuyền đi thi... rượt bắt... Những câu chuyện lạ lùng như vậy xuất hiện không ít ở nhiều đoàn thể thao tham dự Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG5) 2016.

VĐV Văn Ngọc Tú thi đấu môn kurash ở ABG5. Ảnh: NAM KHÁNH

Việc ABG5 có nhiều môn thi đấu còn khá xa lạ, ít phổ biến như kabaddi, kurash, jujitsu, sambo... khiến nhiều đoàn thể thao như Thái Lan, Philippines, VN... phải huy động những VĐV ở các môn thể thao khác thi đấu trái với sở trường.

Dân bóng chuyền chơi... rượt bắt

Ngộ nghĩnh nhất là kabaddi, môn thể thao xuất phát từ trò chơi dân gian ở Ấn Độ. Và có lẽ trừ ở Ấn Độ, hiếm có quốc gia nào lại có VĐV chuyên nghiệp cho môn này. Kabaddi chia làm nhiều hiệp, mỗi hiệp 4 VĐV chia làm 2 nhóm của đội này sẽ phải đối đầu với 1 VĐV của đội kia. Một nhóm VĐV cần phải bắt được đối phương trước khi nhóm còn lại bị đối phương chạm phải.

HLV Nguyễn Hữu Đính của đội kabaddi VN cho biết môn thể thao này giống với trò chơi dân gian “Ù” của VN, còn với những môn thể thao chuyên nghiệp thì lại giống môn vật. “Động tác vật của kabaddi khá giống với môn vật ở phần bắp chân. Vì vậy nên chúng tôi cũng chọn người tham dự từ đội tuyển vật. Đội chỉ mới thành lập được 3 tháng”.

So với VN, Thái Lan có cách thức tuyển quân cho kabaddi còn “sáng tạo” hơn khi một số thành viên trong đội kabaddi của họ vốn là cựu VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp. Kwangkunthot Krittaya (27 tuổi), cô gái có thâm niên chơi kabaddi hơn 10 năm nay, cho biết thường xuyên sắm vai VĐV “2 trong 1” tại Thái Lan. Tất nhiên bóng chuyền vẫn là sở trường của Krittaya, còn kabaddi chỉ đến khi có giải mới hội quân và tập luyện vài tháng trước khi thi đấu.

“Ban đầu, các HLV nói với tôi rằng kỹ thuật nhoài người bắt đối thủ trong kabaddi khá tương tự với bóng chuyền. Khi chơi thử tôi cũng có cảm nhận tương tự, hơn nữa cánh tay khỏe giúp tôi chơi môn này cũng có chút lợi thế. Tôi đã giải nghệ bóng chuyền nên kabaddi giúp tôi có lại cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia. Dù vậy, kabaddi có lẽ không thể phát triển ở Thái Lan được, chỉ đến giải mới thi đấu cho vui thôi” - Krittaya nói.

Thua vì... quên luật

Lạ lùng hơn đội kabaddi xuất thân từ bóng chuyền của Thái Lan là đội kurash của Philippines. Kurash là một môn võ vật xuất phát từ vùng Trung Á, vì vậy không lạ khi nhiều VĐV vật hay judo được tuyển chọn thi đấu môn này. Lloyd Catipon, VĐV đấu hạng cân 66kg, cho biết môn kurash gợi nhớ đến thời thơ ấu thường chơi đấu vật trên các bãi biển của anh tại Philippines, đất nước có rất nhiều hòn đảo.

Nhưng trong đội kurash Philippines có cả một VĐV xuất thân từ môn chèo thuyền rồng, đó là Jenielon Mosqueda. Khi lần đầu đến với kurash, Mosqueda được bảo rằng phần lưng chắc chắn, vững vàng mà cô tập luyện được từ việc chèo thuyền sẽ có ích với môn này. “Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là khả năng chịu được nắng gắt của tôi” - Mosqueda đùa. Thi đấu giữa trưa trên bãi biển nên VĐV kurash phải chống chọi với thời tiết rất khắc nghiệt, lúc thì nắng gắt lúc lại mưa dầm như những VĐV chèo thuyền.

Do tập môn thể thao mới chưa được lâu nên thành tích của Catipon hay Mosqueda đều không tốt, khó lòng thắng nổi các đối thủ đến từ vùng Trung Á hoặc Tây Á. Nhưng ngay cả với những người đã tập kurash khá lâu, thi thoảng họ cũng gặp khó vì... quên luật thi đấu. Chẳng hạn VĐV Văn Ngọc Tú, người từng giành đến 3 HCV kurash tại các kỳ ABG và Đại hội thể thao châu Á trong nhà suốt 10 năm qua, lại bất ngờ thất trận trước đàn em Hoàng Thị Tình ở giải lần này.

Văn Ngọc Tú chia sẻ: “Đội kurash của tôi là các VĐV judo được đưa vào Đà Nẵng tập huấn khoảng 2 tháng cho ABG5. Sau khi trở về từ Olympic Rio, tôi mới bắt tay vào tập kurash. Dù đã có kinh nghiệm ba lần đi thi kurash châu Á, nhưng đôi lúc tôi cũng quên mất kỹ thuật và luật lệ trong những thời điểm nhất định của trận đấu”.

Trước đây khi ABG mới ra đời, chủ nhà các quốc gia đăng cai thường cử HLV các môn thi mới sang những nước khác để phổ biến luật lệ và hướng dẫn VĐV tập luyện. Mục đích của họ là phổ biến môn thể thao của nước chủ nhà và thuyết phục các đoàn thể thao cử VĐV tham dự môn thi đó tại đại hội. Các VĐV này vì thế cũng đi thi “thời vụ” rồi lại trở về với môn thể thao chính của mình.

Jujitsu có tương lai ở VN

Ngoài Văn Ngọc Tú, đội tuyển judo quốc gia còn cung cấp VĐV cho hai đội tuyển kurash và sambo của đoàn VN dự ABG5. Trong khi đó, các võ sĩ jujitsu của VN đều xuất thân từ đội karate. So với những môn thể thao khác chỉ được xác nhận “tham dự cho vui”, jujitsu được xem xét nghiêm túc về tương lai tại VN, HLV Nguyễn Đức Hoàng của đội jujitsu cho biết.

K.XUÂN - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên