Trích đoạn phim Vợ chồng A Phủ
Gần 50 năm theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, nghệ sĩ Trần Phương đã cống hiến ở cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn, để lại nhiều tác phẩm tạo dấu mốc quan trọng với nền nghệ thuật nước nhà.
Nghệ sĩ Trần Phương tên thật là Trần Đức Phương, sinh năm 1930, quê tỉnh Thái Nguyên. Năm 16 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong giai đoạn này, ông học viết văn, chèo, tham gia đóng kịch trong quân đội.
Nghệ sĩ Trần Phương thời trẻ
Đến năm 1952, lúc đó ông 22 tuổi, là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân, được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1955, Trần Phương trở thành diễn viên Xưởng phim truyện Việt Nam (sau là Hãng Phim truyện Việt Nam). Ông sở hữu gương mặt điển trai, đôi mắt sáng và nụ cười hiền lành.
Năm 1959, ông tham gia đóng bộ phim đầu tiên Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài. Vai diễn này đã giúp Trần Phương trở thành một trong những gương mặt nổi bật của xưởng phim ngày ấy.
Trần Phương trong Vợ chồng A Phủ
Để đóng vai diễn A Phủ, Trần Phương đã phải sinh sống, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào người Mông, góp có kinh nghiệm thực tế đưa vào phim.
Từ năm 1962 đến năm 1967, ông tiếp tục tham gia nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh VN như Chị Tư Hậu, Tiền tuyến gọi, Biển gọi, Ngày lễ Thánh, Truyện vợ chồng anh Lực...
Trong phim Chị Tư Hậu, Trần Phương sánh vai cùng nữ diễn viên Trà Giang. Phim nói về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Pháp, được chuyển thể từ tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái.
Trần Phương và Trà Giang trong phim Chị Tư Hậu
Bộ phim Tiền tuyến gọi do Phạm Kỳ Nam đạo diễn, là bộ phim được đánh giá cao, với sự tham gia của Trần Phương, đã đoạt giải thưởng Apsara Vàng cho kịch bản tại Liên hoan phim Quốc tế và Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2.
Còn trong phim Truyện vợ chồng Anh Lực, Trần Phương vào vai Lực. Câu chuyện xoay quanh tài xây dựng cuộc sống mới ở Miền Bắc trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu và lạc hậu.
Trích đoạn ‘Vợ chồng anh Lực’
Sau nhiều vai diễn tạo dấu ấn, Trần Phương quyết định thử sức với vai trò đạo diễn. Ban đầu, ông làm phó đạo diễn phim Chuyến xe bão táp và Những người đã gặp, sau đó chuyển sang làm đạo diễn các bộ phim như: Mưa rơi trên thành phố, Dưới chân núi trắng.
Năm 1980, bộ phim Tội lỗi cuối cùng đã gây "cơn sốt" vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc. Tội lỗi cuối cùng là phim đầu tiên do Trần Phương đạo diễn. Phim nói về hành trình của một cô gái giang hồ thành người phụ nữ lương thiện. Thông điệp nhân văn cùng diễn xuất của dàn diễn viên giúp đạo diễn Trần Phương giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V.
Từ năm 1981 đến năm 1989, đạo diễn Trần Phương tiếp tục thực hiện những bộ phim khác: Hi vọng cuối cùng (1981), Đứng trước biển (1985), Hoàng Hoa Thám (1987), Dòng sông hoa trắng (1989)...
Bìa DVD phim Tội lỗi cuối cùng
Thập niên 1990, đạo diễn Trần Phương thực hiện nhiều bộ phim mang về doanh thu cao như: Vụ án Hồ Con Rùa, Dòng thác, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về...
Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Phim Hy vọng cuối cùng do Trần Phương làm đạo diễn
Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim Hi vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.
Phim SBC do Trần Phương làm đạo diễn - Ảnh tư liệu
Với nhiều nghệ sĩ, Trần Phương là người thầy, người cha và là một người nghệ sĩ lớn. Ông đã hướng dẫn, dìu dắt biết bao lớp thế hệ diễn viên vào nghề một cách ân cần và chân thành. Sự ra đi của ông là niềm tiếc thương cho nhiều người, là sự tổn thất cho nghệ thuật nước nhà.
NSND Trần Phương bên bạn bè, người thân - Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Trần Phương (giữa) cùng các nghệ sĩ đã gắn bó mật thiết trong sự nghiệp của ông
Tang lễ của nghệ sĩ Trần Phương sẽ được cử hành tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (125 Phùng Hưng, Hà Nội).
Lễ viếng từ 14h30-15h30 ngày 30-8.
Sau đó, sẽ được hỏa táng tại Đài Hóa thân hoàn vũ Văn Điển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận