Phóng to |
Đá gối lên nhau trông hệt như những con hải cẩu đen bóng tựa nhau nghỉ trên bãi biển - Ảnh: Tr.V.Hà |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhiều ý kiến còn nói cao nguyên đá chỉ là chứng tích địa lý nếu như con người không nhìn từ hai góc: sự lãng mạn và những căn cứ khoa học nghiêm túc.
Để có những căn cứ về cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc, các nhà khoa học của Viện Khoa học & công nghệ VN, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), những người luôn ấp ủ hi vọng khơi dậy tiềm năng của cao nguyên đá này đã phải hàng chục lần từ Hà Nội đi Hà Giang. Họ lặn lội giữa những rừng đá, vách núi hiểm trở để nghiên cứu tuổi đá, dấu tích hình thành các kỷ nguyên và quá trình hóa thạch...
Giá như đá hóa thành vàng
Trên 90% diện tích là núi đá vôi, một lãnh đạo huyện Đồng Văn kể với chúng tôi về ước ao thầm lặng và cũng hoang đường nhất của người Đồng Văn: "Giá như đá hóa thành vàng". Nếu thế thì người Đồng Văn giàu to. Nhưng thực tại thì màu xám của đá chỉ nói lên nỗi nghèo khổ của người dân. Đồng Văn chỉ vỏn vẹn 14.000ha đất canh tác, nằm xen kẽ giữa những rừng đá vôi. Nhưng đất canh tác cũng cằn cỗi, chỉ có thể trồng được ngô và thứ rau cải đặc trưng của đồng bào người Mông.
Mỗi năm, người dân Đồng Văn có đến 6-7 tháng khát nước. Người ta phải chia nhau từng gáo nước nhỏ sót lại trong những hang động. Sống được trên cao nguyên đá là một chứng minh đầy thuyết phục về bản năng sống mãnh liệt của con người.
Đến Đồng Văn vào cuối mùa khô, trên đường đi vào Tả Phìn, chúng tôi thấy rất nhiều người dân phá đá đem bán. Không trồng được rau màu trên đá thì lấy đá để đổi ngô, gạo kiếm sống. Có những triền núi đá dài hàng kilômet bị phá lởm chởm. Cao nguyên đá đang xuất hiện hàng trăm "công trường" sôi động. Tại xã Lũng Pù (Mèo Vạc) còn có vách đá hình con gấu khổng lồ nhưng do người dân đẽo dần đem bán, đá gấu đã bị phá gần hết. Sự can thiệp của con người trong cuộc mưu sinh vô tình tàn phá những giá trị của cao nguyên đá.
Ông Nguyễn Đình Dích - phó chủ tịch huyện Đồng Văn - cho biết huyện đã chính thức có qui định cấm khai thác đá. Nhưng ở nơi này, nơi khác vẫn không cản được người dân khai thác. Vấn đề ở chỗ những người dân ở Đồng Văn không thể biết họ đang sống trên vùng di sản nhiều giá trị. Đứng ở góc độ dân sinh, đá không hóa vàng nhưng có thể cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn cho người dân.
Theo chân các nhà địa chất
Phóng to |
Một em bé Đồng Văn cùng cuộc sống luôn gắn liền với... đá - Ảnh: Tr.V.Hà |
Tại núi Tù Sản, cách trung tâm thị trấn Đồng Văn 2km về phía đông có đỉnh núi cao 1.475m, cấu tạo chủ yếu từ đá vôi. Từ đỉnh Tù Sản có thể chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của hẻm vực Nho Quế, cảnh quan karst của Đồng Văn, vẻ đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc trên nền thiên nhiên đá vôi.
Đèo Mã Pì Lèng nằm trên tuyến đường Đồng Văn - Mèo Vạc, vào những ngày sương mù cho người ta cái cảm giác như đi trên con đường toàn mây bồng bềnh. Nhưng vào ngày nắng, từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng, có thể thấy dòng Nho Quế xanh biếc lắt lẻo dưới những vách đá vôi. Ông Nguyễn Hữu Hùng - phó chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng VN, người từng tham gia các đợt khám phá cao nguyên đá vôi - cho biết từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng các nhà chuyên môn có thể nhìn thấy những đứt gãy và chuyển dịch địa tầng lớn trong vỏ quả đất. Còn người không am hiểu nhiều về kiến thức địa chất cũng có thể cảm nhận được sức mạnh lớn lao trong "bước đi của thiên nhiên".
Không thể nói là không lãng mạn khi các nhà địa chất đã tìm thấy và đặt cho nhiều địa danh của cao nguyên đá những cái tên đầy hấp dẫn: rừng đá ở Lũng Táo, vườn hoa đá ở Khâu Vai (Mèo Vạc), vườn thú đá Lũng Pù, bãi hải cẩu Vân Chải...
Theo TS Phạm Văn Lực, Viện Khoa học & công nghệ VN, hiện mạng lưới công viên (vườn) địa chất toàn cầu trên thế giới có 55 công viên thuộc 17 thành viên của UNESCO. Trong đó Trung Quốc có 20 công viên. Một công viên địa chất quốc gia muốn tham gia mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu cần phải có các tiêu chí: kích thước, việc sắp xếp quản lý và sự tham gia của địa phương, phát triển kinh tế, đào tạo, bảo vệ và bảo tồn, mạng lưới toàn cầu. Xét theo các tiêu chí thì hoàn toàn có thể xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn thành công viên địa chất quốc gia để tiến tới tham gia mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu. |
Nằm trên tuyến đường Yên Minh - Phố Cáo, TS Đặng Văn Bào (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) đã phát hiện bãi đá lạ với các sản phẩm phong hóa karst không có hình dạng đá tai mèo sắc nhọn như ở nơi khác, mà tạo thành lớp lớp các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông hệt đàn hải cẩu hàng nghìn con đen bóng tựa vào nhau nghỉ trên bãi biển bình yên.
Còn ở khu vực được đặt tên "vườn thú đá” nằm trên đường Mèo Vạc - Lũng Pù, TS Vũ Cao Minh nói rằng các tháp đá, chỏm đá có hình thù kỳ dị dễ làm người xem hình dung về dáng dấp của các loài thú. "Vườn hoa đá” ở Khâu Vai (Mèo Vạc) do TS Phạm Văn Lực (giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên VN, Viện Khoa học & công nghệ VN) phát hiện, karst cũng phát triển sâu vào các lớp đá vôi cùng tác động của khí hậu đặc thù tạo nên những chóp đá có dạng hình bông hoa, nụ hoa. Riêng "rừng đá” ở khu vực Lũng Táo được các nhà nghiên cứu tìm thấy là lớp lớp đá vôi đã trở nên sắc nhọn, cứng, đâm tua tủa.
Bên phải đường đèo Mã Pì Lèng, từ đỉnh cao gần 1.500m thuộc xã Pải Lủng (Mèo Vạc), TS Tạ Hòa Phương - khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - đã phát hiện một ngọn núi được cấu tạo từ đá vôi, thân hình tháp, mũi nhọn hình kim. Tháp kim này nằm ngay bên hẻm vực Nho Quế uy nghi. Theo các nhà nghiên cứu của Viện Địa chất VN, tháp kim Pải Lủng là cảnh quan hiếm có ở cả VN và thế giới.
Khu vực cao nguyên đá ở Đồng Văn hình thành khá nhiều vách đá. Trong đó vách đá Tù Sản cao 640m, dưới sâu là dòng Nho Quế, còn trên đỉnh là rừng đá tai mèo. Theo TS Vũ Cao Minh, đây là vách đá vôi cao nhất thế giới. Cột cờ Lũng Cú (điểm cực bắc) tại xã Lũng Cú, Đồng Văn được đặt trên núi đá vôi hệ tầng Chang Pung, loại đá hình thành sớm nhất, cách đây 545 triệu năm, cổ nhất trên cao nguyên Đồng Văn.
Tìm cho đá một tên hiệu
Trong khi các nhà khoa học còn ngồi bàn thì cao nguyên đá vẫn đang bị tàn phá do sự thiếu hiểu biết của người dân. Phải báo động đỏ, phải tìm những giải pháp cấp thiết để bảo tồn... Nhưng e rằng lời kêu gọi sẽ không được chú ý khi có quá nhiều người vẫn ít được biết về giá trị của cao nguyên đá. TS Đặng Văn Bào, ĐH Khoa học tự nhiên, nhận xét: "Nếu không có sự chỉ dẫn về giá trị của tự nhiên, không có qui hoạch đúng đắn thì cao nguyên đá mãi vẫn chỉ là đá. Nói một cách khác, giá trị của các khối đá đang cần được nâng lên ở một tầm cao hơn".
Kết quả của các đợt khảo sát trong các lĩnh vực hẹp về cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc đã dẫn các nhà khoa học đến cùng một điểm chung: phải tìm cho di sản cao nguyên đá một tên hiệu. Nhưng đó là cả một hành trình dài...
Theo TS Lê Thị Minh Lý, phó cục trưởng Cục Di sản VN, phải bắt đầu công việc bằng việc xây dựng phương pháp tiếp cận tổng thể nghiên cứu, bảo tồn đối với vùng cao nguyên đá. Trong đó chú ý kết hợp những di sản thiên nhiên với di sản văn hóa, di sản phi vật thể vốn là lợi thế của nơi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận