Cụ thể qua các chương trình truyền hình thực tế đang phát sóng.
Phóng to |
Thông qua những trải nghiệm khác biệt của người dẫn chương trình hoặc người tham gia hoạt động thực tế trong quãng thời gian quy định, khán giả có những hiểu biết thú vị về đời sống xã hội hiện đại.
Ngày khác thường
Có lẽ những phóng viên, biên tập viên thực hiện chương trình Sống khác (phát vào thứ tư hằng tuần trên kênh VTV6, Ðài truyền hình Việt Nam) là những người hiểu rõ nhất về sự khác thường này với các nhân vật của họ. Sống khác đưa các bạn trẻ ở nhiều vị trí xã hội khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau đến với một “cuộc sống khác” trong một khoảng thời gian quy định.
Ấn tượng nhất với khán giả truyền hình có lẽ là hình ảnh của những cậu ấm cô chiêu quen ăn sung mặc sướng đã phải nhập vai hoàn toàn để cảm nhận một cuộc sống khó khăn, phải làm lụng vất vả để có miếng ăn, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình.
Chương trình mở rộng với tất cả khán giả muốn tham gia; chỉ một điều kiện duy nhất là giới hạn độ tuổi của nhân vật trải nghiệm từ 16 đến dưới 25. Những người đăng ký trải nghiệm được chọn sẽ tham gia “sống khác” trong một thời gian ngắn và hoàn toàn bất ngờ, không biết mình sẽ gặp phải thử thách gì. Những trải nghiệm sống khác này đã giúp nhiều bạn trẻ khẳng định và khám phá chính bản thân mình một cách rõ nét. Nguyễn Thế Hùng (biên tập viên chương trình Sống khác) |
Có một ý tưởng gần với Sống khác nhưng lại hướng đến đối tượng người chơi là nghệ sĩ, Lữ khách 24h (phát sóng trên HTV9, Ðài truyền hình TP.HCM) đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả thông qua những thử thách mà các nghệ sĩ tham gia chương trình trải qua. Các nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình đã có những trải nghiệm không thể quên với nhiều nghề nghiệp: làm kẹo kéo chỉ, đạp xích lô, kinh doanh cân điện tử, tắm heo, hái chanh, dệt chiếu cói...
Nhạc sĩ trẻ Kỳ Phương chia sẻ anh chưa từng thấy chương trình nào “hành hạ nghệ sĩ” đến như vậy, nhưng anh không hề hối tiếc khi tham gia vì những bài học lớn lao mà mình đã nhận được.
Diễn viên Quý Bình gặp thử thách hái và phân loại đủ 5kg chanh cảm thán: “Cứ nghĩ hái chanh và phân loại chanh là rất dễ dàng nhưng hóa ra không phải. Tham gia chương trình rồi tôi mới thấy trân trọng hơn công việc của người nông dân và thấu hiểu sự cực nhọc của họ”.
Những ngày khác thường này đã giúp nhiều bạn trẻ trải nghiệm, thấu hiểu và chia sẻ với nhiều người trong xã hội, và nhận thức rằng không nghề nào tầm thường, vì mỗi nghề nghiệp có một đặc trưng và luôn đòi hỏi những cố gắng riêng.
Hiểu để sẻ chia
Tiếu lâm bách nghệ lên sóng chưa lâu nhưng đã tìm được sự đồng cảm của nhiều khán giả màn ảnh nhỏ Ðài truyền hình TP.HCM với sự góp mặt duyên dáng của diễn viên hài Hoài Linh. Khán giả Phạm Ngọc Hiệp bình luận trên blog của mình:
“...Nghệ sĩ Hoài Linh đã khéo léo đưa người xem vào những đặc trưng của những nghề nghiệp tưởng chừng “không là gì” trong xã hội bây giờ. Khi giới thiệu một nghề nghiệp nào, anh đã tìm đến với người làm nghề, hóa thân vào chính vai người làm nghề đó, đem đến cho người xem những cảm xúc rất thật về các nghề chương trình muốn giới thiệu”. Những chương trình đã lên sóng của Tiếu lâm bách nghệ giới thiệu những chân dung nghề nghiệp đường phố rất đa dạng ở Việt Nam hiện nay: từ nghề bán hủ tiếu gõ, làm tò he đến nghề hớt tóc dạo, làm lồng đèn, làm chổi, chùi bóng lư đồng... Cứ như thế, đời sống thị dân, nhất là thị dân nghèo tại các đô thị lớn, hiện lên trong chương trình với tiếng cười sảng khoái, lòng yêu đời, yêu nghề rất đáng trân trọng.
Tương tự nhưng có phần “nghiêm túc” hơn và mang tính định hướng nghề nghiệp hơn cho giới trẻ là chương trình thực tế Lựa chọn của tôi (phát sóng trên VTV6, Ðài truyền hình Việt Nam). Lựa chọn của tôi có đối tượng người tham dự là sinh viên, họ sẽ có cơ hội hóa thân vào những nghề nghiệp gần với chuyên môn của mình như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, bác sĩ thú y, quản giáo... hoặc có khi là những nghề như nhân viên tiếp thị sản phẩm, ảo thuật gia, lính cứu hộ...
Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Bệnh viện Trưng Vương, nhận xét: “Những chương trình như Lựa chọn của tôi giúp tôi hiểu biết rộng hơn về nghề nghiệp trong xã hội hiện đại, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tốt hơn nhờ những kiến thức đó”.
Không có nghề nào là tầm thường nếu người ta dùng nghề ấy để mưu sinh lương thiện. Những chương trình truyền hình thực tế về nghề nghiệp đã giúp khán giả một lần nữa khẳng định điều ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận