TS.BS. Quách Trọng Đức - Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết về các rối loạn tiêu hóa thường gặp:
Đau bụng: Đau bụng không phải lúc nào cũng là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa vì ngoài ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa, trong ổ bụng còn có các cơ quan nội tạng khác. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng như: Đau có liên quan đến bữa ăn (khi đói hoặc khi quá no); đau đi kèm với các rối loạn về thói quen đi đại tiện và tính chất phân (tiêu chảy, phân nát, táo bón), cơn đau giảm đi rõ rệt khi trung tiện… thì thường nguyên nhân là do đường tiêu hóa.
Ợ chua và trớ thức ăn: Đây là biểu hiện điển hình của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Triệu chứng điển hình nhất gợi ý bệnh là cảm giác nóng rát vùng sau xương ức, nặng thêm khi nằm ngửa hoặc ngồi cúi ra trước và thường xảy ra sau các bữa ăn (đặc biệt là khi ăn quá no, ăn chua, cay, bữa ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu bia…). Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra biểu hiện đau ngực tương tự như bệnh tim, ho mạn tính, hen suyễn, viêm thanh quản, bào mòn men răng, về lâu dài có khả năng gây ra các biến chứng như loét, hẹp thực quản và ung thư thực quản.
Tiêu chảy: Là tình trạng đi tiêu phân lỏng, trên 2 lần trong một ngày với lượng phân trên 200g/ngày. Cần phân biệt giả tiêu chảy là đi cầu nhiều lần nhưng mỗi lần đi chỉ được chút ít đi kèm với triệu chứng buốt mót. Tiêu không tự chủ là bệnh nhân không tự kiểm soát được tình trạng thoát phân.
Nguyên nhân tiêu chảy cấp thường gặp:- Nhiễm trùng (vi trùng, virus, kí sinh trùng: Giun đũa, móc, lươn, amibe…).- Nhiễm độc chất: Độc tố vi khuẩn do ngộ độc thức ăn hoặc do hóa chất độc như chì, thủy ngân…- Chế độ ăn uống, dùng thuốc (bia rượu, dị ứng thức ăn, tác dụng phụ của một số thuốc).- Khác: Viêm ruột thừa, viêm túi thừa…
Táo bón: Là tình trạng đi tiêu khó, phải rặn nhiều; giảm số lần đi tiêu hơn bình thường (<3 lần/tuần); phân cứng, cảm giác đi tiêu không hết.
Trừ những bệnh lý thực thể hoặc những rối loạn tiêu hóa do bệnh lý của các cơ quan khác, để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa cơ năng, chúng ta cần phải:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, ăn nhiều chất xơ.- Không dùng kháng sinh bừa bãi.- Duy trì thói quen đi tiêu đều đặn mỗi ngày.- Tích cực luyện tập, vận động.- Tạo một tinh thần lạc quan, yêu đời, tránh căng thẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận