13/07/2019 09:38 GMT+7

Những phụ nữ đang tắm

LARISSA PHAM (The Paris Review) - CHIÊU VĂN (dịch và Việt hóa)
LARISSA PHAM (The Paris Review) - CHIÊU VĂN (dịch và Việt hóa)

TTO - Cửa phòng ngủ của tôi khi tôi còn nhỏ không có khóa, nên tôi thường ở rất lâu trong nhà tắm. Ai mà chẳng cần sự riêng tư, nhưng khó có ai cần sự riêng tư như một cô bé đang tới tuổi trưởng thành.

Những phụ nữ đang tắm - Ảnh 1.

Người phụ nữ tắm, Mary Cassatt, 1891 - Ảnh: Wikipedia

Dù trên danh nghĩa, tôi dùng chung phòng tắm với cậu em nhỏ, tôi đã xác lập đó là lãnh thổ của tôi. Tôi ở trong đó nhiều giờ đồng hồ để đọc sách, nép người vào giữa bồn tắm và cánh cửa nhà tắm. Trong trí nhớ của tôi, đó là một nơi ẩm thấp, lúc nào cũng ấm áp, ướt át - nhưng tôi chưa bao giờ ở lâu trong bồn tắm.

Nếu tôi không đọc sách hay uất hận với cha mẹ sau một cuộc cãi cọ, thì tôi cũng thực hành nghi thức đẹp đẽ mà vô duyên của những cô bé tới tuổi trưởng thành - ép hai bầu ngực nhỏ bé của tôi lại, cố làm sao cho một khe ngực diệu kỳ hiện ra trong gương; tẩy lông chân bằng bộ tẩy lông mà tôi đã bí mật nhét vào xe đẩy mua sắm của gia đình; hay nhuộm hồng đuôi tóc.

Thuốc nhuộm tóc vấy bẩn một nửa chiếc khăn tắm của tôi; máu những lần tới tháng làm bẩn nốt phần còn lại.

Trong phòng tắm - phòng tắm của tôi - tôi đứng ngồi uể oải, tôi khóc, tôi ngồi bập bênh ở rìa bồn tắm không có nước, hai ngón tay miệt mài nhắn tin cho bạn tôi.

Mùa hè năm ngoái, bạn cùng phòng của tôi đưa về nhà bức tranh in một phụ nữ đứng trong phòng tắm. Cô ấy tìm được bức tranh giá 5 đôla từ một khu chợ bán đồ cũ ở Hamptons và mua vì chiếc khung tranh màu xanh lam kiểu Hà Lan, nhưng tôi thích sự thanh lịch tỏa ra từ bức hình - một bản sao tranh in từ bản khắc ngòi khô và màu axit của Mary Cassatt, Người phụ nữ tắm, năm 1891.

Trong tranh, một phụ nữ cúi người trên chiếc chậu, một tay nhúng vào nước, tay kia để nơi trán.

Cô ấy để trần từ eo trở lên; chiếc váy quấn lại quanh eo, những đường kẻ dọc cuốn hút, gần như là trừu tượng, và hình dáng của nó nổi bật vì những màu sắc như vẽ bằng phấn - lục nhạt, trắng tuyết, hồng như ánh mặt trời.

Trên sàn nhà là một bình nước có cắm hoa, và mặt đất cùng màu với lá và hoa trên chiếc bình: màu xám ấm áp trên nền xanh dương sáng sủa. Bức tranh rất giản dị - chúng ta chỉ thấy tấm lưng trần mịn màng của người phụ nữ, hình ảnh bầu ngực mờ nhạt - và tâm trạng của bức tranh thật gần gũi, như thể ta tình cờ nhìn lén vào không gian riêng tư của cô.

Dù nhân vật của Cassatt đứng đối diện tấm gương, ta không nhìn thấy mặt cô.

Biểu cảm của cô được che giấu trong không gian riêng tư, không thể thấy được giữa cơ thể cô và tấm gương. Tôi thích điều này nhất - hình ảnh cô được nhân đôi bởi tấm gương và hai lần được che giấu khỏi ánh mắt chúng ta. Hình chữ nhật giữa mặt cô ấy và hình ảnh phản chiếu trong gương trở thành không gian của những khả năng vô tận.

Tranh khắc ngòi khô của Cassatt là một kỹ thuật đời sau của tranh khắc gỗ ukiyo-e (phù thế hội, tức tranh của kẻ nổi trôi trong thế gian) Nhật Bản thời Edo.

Nổi lên như một thể loại vào thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 18, tranh ukiyo-e được "những kẻ giang hồ" ưa thích - những giai cấp thấp ham lạc thú hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế ở Edo (giờ là Tokyo) khi nó trở thành kinh đô mới. 

Tranh khắc gỗ ukiyo-e thường mô tả phong cảnh, phụ nữ đẹp, và những cảnh từ lịch sử và truyện dân gian; cũng có một trường phái riêng tranh khiêu dâm, shunga (xuân cung).

Những phụ nữ đang tắm - Ảnh 2.

Tranh litô mô tả một phụ nữ trong nhà tắm trong loạt tranh Elles của Henri de ToulouseLautrec, 1896 - Ảnh: Pinteres

Ngày càng phát triển, những bức tranh ukiyo-e từng được giới giang hồ ưa thích chuyển sang mô tả chính hoạt động của giới này trong những khung cảnh hưởng lạc, xa hoa, cũng như những cảnh trầm lặng, đậm chất thi ca hơn của đời sống thường nhật - cảnh phụ nữ tắm, mặc quần áo, hay đang đắp phấn chẳng hạn.

Có đặc điểm là những đường viền sắc nét với rất nhiều màu sắc, vẽ rút ngắn đầy kịch tính, bố cục không đối xứng làm phẳng bức tranh ra trên khuôn, những bức họa ukiyo-e rất ăn khách với giai tầng thương nhân, là những lựa chọn rẻ tiền để trang trí nhà cửa và là quà lưu niệm giá phải chăng cho du khách.

Năm 1890, một triển lãm ở Trường Mỹ thuật Paris, do tay buôn nghệ thuật Siegfried Bing tổ chức, đã tập hợp được hàng trăm bản in ukiyo-e từ các họa sĩ như Utagawa Hiroshige và Katsushika Hokusai.

Các bản in ukiyo-e và đồ mỹ nghệ Nhật Bản đã tới châu Âu suốt những năm 1800, chủ yếu qua tay các thương nhân Hà Lan và Nhật Bản lần đầu tiên có gian hàng ở hội chợ thế giới vào năm 1867, tạo cảm hứng cho một trào lưu nghệ thuật ở phương Tây tên gọi nghệ thuật Nhật Bản.

Nhưng buổi triển lãm nay đã thành huyền thoại của Bing đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đối thoại văn hóa và sáng tạo giữa Nhật Bản và châu Âu.

Nhiều họa sĩ - bao gồm Edgar Degas và Camille Pissarro - tới xem triển lãm, và tác động của nó sẽ hiện rõ qua tác phẩm của những họa sĩ trường phái ấn tượng trong nhiều thập niên tiếp đó. Chính ở Trường Mỹ thuật Paris, Mary Cassatt bị mê hoặc bởi những bản khắc gỗ ukiyo-e, đặc biệt là những khung cảnh trong nhà của Kitagawa Utamaro.

Mỹ học của ukiyo-e thật rõ ràng trong bức Người phụ nữ tắm, một trong loạt mười bức khắc in mà Cassatt làm riêng để vinh danh Utamaro trong vài tháng sau khi bà tới xem triển lãm.

Dù Cassatt dùng bút khắc ngòi khô và màu axit thay vì in bản gỗ, sự tinh tế của đường nét, dòng thác lũ giản dị những màu sắc, và các mô thức trôi nổi của tấm hình - những đường kẻ dọc trên chiếc váy; lá và hoa ở phần nền - nói lên ảnh hưởng của những bức tranh mà bà đã xem.

Cách Cassatt mô tả không gian trong nhà phân biệt tác phẩm của bà với những họa sĩ trường phái ấn tượng khác, lúc bấy giờ chủ yếu là nam giới. Các họa sĩ trường phái ấn tượng thích thú việc mô tả cuộc sống thường nhật - sau cánh gà ở các buổi opera chẳng hạn, hay đời sống ban đêm, như trong tác phẩm của Henri de Toulouse-Lautrec, một họa sĩ khác chịu ảnh hưởng của trào lưu Nhật Bản.

Nhưng Paris những năm 1880 không hẳn là môi trường thân thiện với một phụ nữ lang thang một mình, và Cassatt tìm chất liệu phong phú cho đề tài của bà ở không gian mà phụ nữ kiểm soát: trong nhà.

Là một nhân vật lịch sử, Cassatt đại diện cho kiểu độc lập nữ quyền thời kỳ đầu - một phụ nữ chọn sự nghiệp hội họa thay vì làm mẹ, lấy chất liệu đề tài là cuộc sống xung quanh và mô tả các nhân vật của bà có mục đích rõ ràng, bất chấp vai trò hạn chế mà họ được trông đợi phải đảm đương trong xã hội thời bấy giờ.

Những phụ nữ đang tắm - Ảnh 3.

Phụ nữ gội đầu, tranh của Hashiguchi Goyo, 1920 - Ảnh: ukiyo-e.org

Giờ thì bức Người phụ nữ tắm của Mary Cassatt đang treo trong phòng tắm của tôi, trên bức tường cạnh bồn rửa. Giờ tôi đã có một phòng ngủ có khóa, nhưng tôi vẫn ở rất lâu trong nhà tắm. Rửa mặt vào buổi tối, tay tôi nhúng vào nước sủi bọt xà phòng tới tận khuỷu; nặn mụn trứng cá ở cằm; nhìn thật gần gương tìm những tì vết trên mặt.

Có những buổi sáng tôi kéo một vệt chì kẻ mắt qua mí; tuần nào cũng đắp mặt nạ Hàn Quốc. Mùa hè - và tôi biết lẽ ra tôi phải làm quanh năm - tôi bôi kem chống nắng lên khuôn mặt da nhờn của mình, cho tới khi nó khô lại thành một lớp óng ánh, mượt như nhung. Nhưng thường xuyên nhất, tôi thấy mình thật sự ở trong nhà tắm mà chẳng làm gì cả. Tôi chỉ đơn giản đứng đó, ngắm nghía khuôn mặt mình.

Phòng tắm là một không gian riêng tư; nó cũng là một không gian chuyển tiếp. Đó là nơi phụ nữ bước vào để trở thành - để làm sạch cơ thể và để tạo ra cái tôi mà thế giới bên ngoài trông đợi họ. Tôi mềm lòng trước cô gái tôi đã là trong quá khứ, mười bốn, mười lăm, rồi mười sáu; tôi nghĩ về người phụ nữ mà cô ấy khát khao được trở thành - nhổ, tẩy và cạo lông trên cơ thể, áo ngực độn.

Giờ thì tôi tử tế hơn với thân thể mình, nhưng vẫn trân trọng không gian trầm lắng mà bá đạo của phòng tắm. Cảm giác như đó là một không gian mà chúng tôi có thể trở lại để được non nớt như ngày nào.

Khi tôi đứng một mình trong phòng tắm, dù là phòng tắm của tôi, ở một khách sạn, quán bar, hay nhà của người yêu, nhìn mình trong gương và rửa tay, tôi không thể nói đó là vì sự phù phiếm, mà là do tò mò: Làm sao tôi lại tới đây? Tôi đã trở thành thế này thế nào?

Người mẫu của Cassatt khiêm nhường quay lưng lại với chúng ta. Chiếc váy của cô đã cởi ra tới hông; nó rơi lòa xòa xuống eo, biến hạ thể cô thành một hình dáng trừu tượng.

Cơ thể cô được chia thành hai bố cục riêng biệt, khiến Người phụ nữ tắm trở thành mô tả hoàn hảo cho tính chuyển tiếp của không gian nhà tắm.

Cô đứng đó, nửa người để trần - giữa hai trạng thái, giữa lúc chuyển tiếp của ngày, giữa căn phòng này và căn phòng kia. Cô quay lưng về phía chúng ta, không chút đề phòng, nhưng cô an toàn ở đó, trong căn phòng tắm riêng tư, gợi cảm của cô.

Những phụ nữ đang tắm - Ảnh 4.

Nhà tắm, tranh của Pierre Bonnard, 1925 - Ảnh: Tate

Henri de Toulouse-Lautrec, người cùng thời với Cassatt, và là một họa sĩ trường phái ấn tượng nổi tiếng hơn nhiều, đã làm một loạt tranh litô tên là Elles, vào năm 1896, nhiều khả năng cũng lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ ukiyo-e (và có thể từ cả tác phẩm của Cassatt nữa). Loạt tranh mô tả cảnh đời sống trong nhà và sự thân mật của những phụ nữ làm việc trong một nhà thổ ở Paris, mà ông thường xuyên vẽ.

Elles cũng có một bức litô phụ nữ đang tắm. Bố cục giống tranh của Cassatt, người mẫu quay lưng về người xem, một tay đặt trên thành chậu nước. Giống người mẫu của Cassatt, người phụ nữ đang tắm của Toulouse-Lautrec để trần từ hông trở lên.

Nhưng mô tả của Toulouse-Lautrec tỏ ra thích thú với hình thể người mẫu - ông làm mờ đi cơ bắp cánh tay đang nắm chậu nước; ta có thể cảm thấy sức nặng khi cô nghiêng người về phía trước. Không giống tấm lưng mịn màng, lý tưởng trong Người phụ nữ tắm của Cassatt, người mẫu của Toulouse-Lautrec có những nếp nhăn trên da; ngực cô nặng trĩu.

Trong khi người mẫu của Cassatt biến mất vào nội tại của mình, người mẫu của Toulouse-Lautrec được bộc lộ ra cho người xem, dù khuôn mặt cô được giấu đi, bầu ngực cô lại phản chiếu trong gương.

Cách thể hiện của Toulouse-Lautrec nhấn mạnh khía cạnh thể chất của việc tắm. Người phụ nữ này là dân lao động, một phụ nữ của thế giới thực. Dù Toulouse-Lautrec khiến cơ thể trần trụi của cô trở nên gợi cảm, ông cũng nhấn mạnh vào sức vóc của cô - tôi cứ nghĩ mãi về cách bàn tay trái của cô nắm chặt lấy thành chậu, ngón tay quắp lại.

Khi vẽ như thế, phòng tắm trở thành một kiểu không gian khác: một nơi của nhục dục và sự thực dụng. Có lẽ trải nghiệm thời trẻ của tôi gần với phòng tắm của Toulouse-Lautrec hơn là của Cassatt - bạo lực của lưỡi dao cạo, sự nhiệt tình khi tôi nặn mụn trên mặt, thậm chí là máu vấy ra trên băng vệ sinh mà tôi ném vào thùng rác mỗi tháng.

Người phụ nữ tắm của Toulouse-Lautrec không trôi giạt trong không gian của mình như trong tranh Cassatt. Cô ấy đứng vững ở đó, cô ấy sở hữu căn phòng.

Vào năm 1920, ba mươi năm sau bức tranh bút khắc của Cassatt trong phong trào shin-hanga (tân bản họa, tức "tranh mới"), một cuộc hồi sinh của tranh ukiyo-e giờ đã là truyền thống cũ, họa sĩ Hashiguchi Goyo đã làm ra bức Phụ nữ gội đầu. Bức này chỉ được in nhiều thập niên sau đó, khi nhà họa sĩ đã qua đời, vào năm 1950.

Sự nghiệp của Goyo ngắn ngủi vì bệnh tật, và việc ông khăng khăng là chỉ được in tranh ông bằng những bản in chất lượng cao khiến cho không còn lại nhiều bản gốc tác phẩm của ông. Tranh của ông có đặc điểm là sự gợi cảm tinh tế nơi người mẫu - những người phụ nữ của ông có làn da mềm mại, cơ thể tự nhiên, bố cục cơ thể rất hấp dẫn với khán giả hiện đại.

Người phụ nữ tắm của Goyo hoàn toàn khỏa thân, quay mặt về phía người xem, biểu cảm tư lự, trầm tĩnh.

Những phụ nữ đang tắm - Ảnh 5.

Những biên giới mềm, Rachel Rickert, 2019 - Ảnh: parisreview.com

Tranh khắc gỗ của Goyo mời gọi chúng ta tán thưởng những người mẫu, thích thú với hình thể và đôi mắt họ. Người phụ nữ đang gội đầu có thể không trao đổi ánh mắt với ta - cô không đối mặt với người xem - nhưng cô cũng không e thẹn.

Bối cảnh của Goyo cũng là để làm nổi bật hơn hình thể trần trụi gợi cảm đó. Tính chất chuyển tiếp không gian riêng tư/không gian chung trong tranh của Cassatt và Toulouse-Lautrec nhường chỗ cho một không gian hoàn toàn ở bên trong nhà tắm - cửa đóng, quần áo gấp lại để trên sàn.

Là người xem, chúng ta có thể lựa chọn nhìn chằm chằm vào cơ thể đẹp đẽ đó một cách thèm khát, hay có thể bước vào phòng tắm như một người bạn tri giao.

Còn tranh của Pierre Bonnard, vẽ cùng thời với Goyo, và có cảm hứng từ trào lưu Nhật Bản (giống như nhiều người cùng thời với ông ở nhóm Les Nabis), cũng mô tả không gian bên trong. Những phòng tắm của Bonnard có màu sắc mờ ảo, là những không gian hậu ấn tượng - trong bức Nhà tắm, năm 1925, một phụ nữ nằm ngửa gần như thẳng ra trong bồn tắm, da cô lấp lánh màu xanh dương, vàng kem và hồng, óng ánh dưới làn nước.

Những người phụ nữ tắm của Bonnard - người mẫu là người yêu ông (và sau này là vợ) Marthe de Meligny - uể oải, cơ thể mềm mại, gợi cảm của họ được chiếu sáng từ sau và được vẽ với những nhát cọ như vuốt ve.

Tác phẩm của Bonnard ấn tượng vì khả năng phân bổ cung bậc của màu sắc - ông sử dụng hàng chục gam màu khác nhau để tạo ra hình thể, khiến những bức tranh của ông là một trải nghiệm về giác quan thật sâu sắc.

Vài tháng trước, bạn tôi Anna gửi cho tôi bức ảnh một bức tranh nhỏ, gần gũi của họa sĩ Rachel Rickert. Rickert, một họa sĩ đương đại làm việc ở Brooklyn, vẽ những hình người trong các bối cảnh trong nhà, thân mật, nhấn mạnh vào cử chỉ và các nghi thức.

Trong bức Những biên giới mềm (2019), giờ treo ở Gallery Danse/Corey tại Manhattan, một phụ nữ đứng trong bồn tắm, tay giơ khỏi đầu khi cô đang cởi chiếc áo phông nửa trong suốt ra. 

Người phụ nữ đứng dạng chân, với sức nặng cơ bắp giống người mẫu của Toulouse-Lautrec, cơ thể cô lấp lánh ánh sáng - chiếu rõ bầu ngực lộ ra, và phần eo lóng lánh. Ta có thể hình dung ra một bầu trời xanh phía trên, một ngọn đèn huỳnh quang, một cánh cửa sổ.

Người phụ nữ tắm thế kỷ 21 của Rickert đang bộc lộ cơ thể mình - mắt người xem nhìn thẳng vào phần thân cô gái, được vẽ với những nhát cọ tự tin, ánh sáng tỏa khắp thân thể cô. Trong mô tả của Rickert, có sự độc lập của chủ nghĩa nữ quyền kiểu Cassatt và sức mạnh thể chất kiểu Toulouse-Lautrec, sự gợi cảm cởi mở kiểu Goyo và thứ màu sắc đầy cảm xúc của Bonnard.

Phòng tắm của cô cũng là một không gian trung gian - bức tranh bị chia đôi bởi tấm màn, vừa bộc lộ vừa che chắn. Giống như người phụ nữ tắm của Cassatt, mặt cô được giấu đi; dù người xem được mời gọi nhìn vào cơ thể cô, chiếc áo phông, kéo qua đầu, bảo vệ cho thế giới nội tại riêng tư của cô.

Múa đương đại - cái đẹp sống động Múa đương đại - cái đẹp sống động

TTO - Hai đêm múa đương đại của Hanoi Dance Fest 2019 (ngày 28 và 30-6, tại nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội) đầy ắp khán giả, những tràng pháo tay dài, những tiếng hú sau mỗi tiết mục trình diễn cho thấy sức hút của nghệ thuật múa này.

LARISSA PHAM (The Paris Review) - CHIÊU VĂN (dịch và Việt hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên