30/01/2011 19:35 GMT+7

Những nguyên nhân gây viêm loét miệng lưỡi

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)
ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

TTO - * Hiện nay, tôi đang bị bệnh viêm loét miệng lưỡi. Tôi mắc bệnh này đã 2 năm, nhưng thường xuyên bị tái phát, trung bình mỗi tháng bị một lần, mỗi lần mắc bệnh uống thuốc khoảng 1 tuấn rồi hết.

Nhưng hiện nay, tôi bị viêm loét đã kéo dài 1 tháng rồi vẫn chưa hết, và kèm theo sốt nóng lạnh. Nên cho tôi hỏi cách điều trị và nên khám ở đâu, bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn không?(Lâm Tấn Phát)

- Trả lời của phòng mạch online:

- Bệnh viêm loét miệng tái phát trong dân gian còn gọi là bệnh nhiệt miệng là một bệnh lý được biểu hiện bởi những vết loét tròn, nông, có màu vàng, xung quanh viền đỏ hơn niêm mạc lành xung quanh, kích thước từ vài mimimét cho đến hơn một centimét, xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, môi hoặc nướu răng.

Các vết loét này làm cho người bệnh khó chịu do rất đau gây khó ăn, khó nuốt và khó nói. Bệnh không kèm theo sốt, nổi hạch, viêm kết mạc mắt, viêm khớp hoặc viêm loét ở những nơi khác như niêm mạc sinh dục

Nguyên nhân của bệnh cho đến nay vẫn chưa tìm được một cách rõ ràng. Đa số cho rằng do suy giảm miễn dịch. Theo nhiều nghiên cứu người ta thấy có một số yếu tố làm khởi phát bệnh hoặc làm bệnh tái phát như:

Thứ nhất là chấn thương niêm mạc miệng phần lớn là do răng giả, các khung niềng răng, hoặc do cắn phải niêm mạc miệng trong lúc ăn.

Thứ hai là các giai đọan bị stress, lo nghĩ, làm việc nhiều.

Thứ ba là một số thực phẩm như sô-cô-la, cà phê, đậu phụng, dâu, pho-mát...

Thứ tư là thay đổi hóc-môn như sử dụng thuốc ngừa thai hoặc trong chu kỳ kinh. Sau cùng là thuốc lá, có nhiều nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá nhiều có số lần tái phát bệnh nhiều hơn , tuy nhiên một số ít lại cho thấy bệnh xuất hiện khi ngưng thuốc.

Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm bệnh này, tuy nhiên tùy theo mỗi người có thể tự mình phát hiện những yếu tố thuận lợi của bệnh để kiêng tránh sẽ làm giảm số lần mắc bệnh. Khi bệnh đã bùng phát, nên sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thoa tai chổ và thuốc kháng viêm toàn thân để giúp bệnh mau khỏi.

Trường hợp cụ thể của anh, bệnh tái phát đã 2 năm nay. Nhưng đợt này có kèm sốt ớn lạnh, anh có thể đi khám tại một trong các chuyên khoa da liễu, tai mũi họng, hoặc răng hàm mặt để xác định bệnh chính xác hơn và loại trừ các trường hợp bệnh lý khác tương tự có thể có.

* Em 34 tuổi là nhân viên văn phòng, Em luôn bị chảy dịch từ mũi xuống họng. Lúc nào em cũng bị. BS bác sỹ cho em uống thuốc kháng sinh Eroxin 500mg mộtđợt 10 ngày và xịt thuốc mũi Flixonat rồi mà không đỡ một chút nào.

Ngoài ra em còn bị đau đầu , đau thái dương và đau tai bên trái nữa. Cho em hỏi bệnh của em là bệnh gì và cách điều trị thế nào? Nếu nội soi TMH thì có phát hiện ung thư vòm mũi họng không ạ? (Bạn đọc)

- Trước hết bạn có thể hoàn toàn an tâm, đây không phải là bệnh lý ung thư vòm họng, vì triệu chứng của bệnh lý ung thư vòm họng theo thứ tự thường gặp là: chảy máu mũi, nghẹt mũi, hạch cổ, ù tai, đau tai, nhức đầu, liệt các dây thần kinh ở mặt.

Hiện tại triệu chứng chính của bạn là chảy mũi sau từ lâu, ngoài ra mới đây còn có nhức đầu, đau tai. Nhưng 2 triệu chứng này đi sau triệu chứng chảy mũi sau, nằm trong bệnh cảnh của tình trạng chảy mũi sau lâu ngày. Nên chẩn đoán có thể chính xác nhất trong trường hợp này là viêm mũi xoang mạn tính.

Việc bạn sử dụng thuốc mới mười ngày chưa hết bệnh thì cũng không có gì băn khoăn do có thể cách điều trị chưa phù hợp, bạn có thể khám trở lại để bác sĩ của bạn đưa ra bước điều trị mới phù hợp hơn.

Bạn rất nên được thực hiện nội soi tai mũi họng và chụp phim cắt lớp mũi xoang để có chẩn đóan chính xác nhất. Khi có chẩn đóan chính xác, điều trị sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO thực hiện

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên