24/01/2011 04:45 GMT+7

Những người thầy thinh lặng

HÀ THANH
HÀ THANH

TT - Chiều 18-1, hàng trăm sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong chiếc áo blouse trắng và xếp hai hàng dài trang nghiêm dẫn từ hành lang hội trường lớn đến phòng thực hành giải phẫu. Các bạn cung kính cúi chào từng vị khách bước chân qua.

Lễ tri ân những người hiến thân cho y học

Khung cảnh trang trọng, tôn nghiêm đó dành cho tất cả những người đến tham dự lễ tri ân những người tự nguyện hiến thân cho khoa học tại trường theo thông lệ hằng năm.

Ở phòng thực hành giải phẫu, hàng chục thi thể phủ khăn trắng nằm bất động giữa không gian khói nhang nghi ngút. Những giảng viên và thân nhân người hiến xác lặng lẽ dâng hương.

Cô Dương Thị Gián (cựu điều dưỡng trưởng khoa Bệnh viện Bạc Liêu) sụt sùi kể một ngày năm 2002 bố cô về nhà thông báo ông sẽ hiến xác cho trường y sau khi mất. Cô bật khóc. “Ba tôi thường tặng xe đạp hoặc cho tiền để mấy đứa nhỏ nghèo mà ham học ở xóm đóng học phí. Gia đình tôi hiểu và luôn ủng hộ những việc làm đó của ông. Nhưng lần đó, tôi nhất quyết xin ông thay đổi quyết định dù tôi là người làm việc trong ngành y. Tôi yêu thương ông và mong muốn ông được yên nghỉ, có mồ yên mả đẹp sau khi mất. Nhưng ông nói: chết rồi thì giữ xác lại làm gì, phải trao nó cho các y bác sĩ tương lai để họ học, họ nghiên cứu, sau này còn cứu nhiều người khác nữa, có gì mà con khóc...”, cô kể.

Những lý lẽ đơn giản nhưng vững như sắt thép dần dần thuyết phục cả nhà. Khi ông mất, gia đình ngậm ngùi liên lạc với nhà trường và chuyển thi thể ông từ Đồng Tháp lên TP.HCM. Sau đó má và vợ chồng em trai cô cũng tự nguyện đăng ký hiến xác. Em trai cô còn photo thêm mấy lá đơn, vận động hàng xóm cùng tham gia đăng ký.

Cuộc viếng thăm diễn ra lặng lẽ với khoảng 100 khách. Khi thân nhân của những người tự nguyện hiến xác ra khỏi phòng, các bạn sinh viên đến thắp nhang và cúi đầu trước từng thi thể.

Bạn Hồ Hải Long (sinh viên lớp Y1D) nói: “Giải phẫu học là một trong những môn học đầu tiên. Bạn nào cũng cảm thấy rờn rợn khi tiếp xúc lần đầu với thi thể. Có bạn vào phòng vài phút là ngất luôn. Mỗi tiết học đều cố gắng tập trung cao độ để phân biệt các chi tiết từng bộ phận. Khi cảm giác sợ sệt qua đi, chúng tôi vỡ ra thêm nhiều điều bên ngoài bài học lý thuyết. Lạ rằng những bạn từng bị ngất sau đó thường là những bạn học rất tốt môn này”. “Hầu như không có hành động thiếu tôn trọng thi thể bởi chúng tôi luôn hiểu họ là những người thầy thầm lặng”, bạn Võ Thành Nghĩa (trợ giảng bộ môn giải phẫu học) nói thêm.

Để bảo quản và sử dụng “món quà cuối cùng” hiệu quả từ những người hiến tặng, gần đây nhà trường nhập về hệ thống tủ lạnh chuyên dụng có thể bảo quản chín thi thể ở nhiệt độ -30 độ C và chín thi thể ở nhiệt độ -4 độ C. Qua hệ thống này, sinh viên sẽ tiếp cận được tiêu bản gần với người sống và thực hiện các thao tác phẫu thuật dễ dàng hơn.

Rời khỏi phòng thực hành phẫu thuật, khách viếng vẫn nhận những lần cúi chào cung kính hay chiếc khăn giấy từ hai hàng sinh viên khoác áo blouse trắng. Không tiếng cười đùa. “Những người nằm đó từng thuộc nhiều thành phần trong xã hội với các độ tuổi khác nhau nhưng ở đây họ là người thầy im lặng của chúng tôi”, nhớ câu nói của thầy Lê Văn Cường (trưởng bộ môn giải phẫu học) và các bạn sinh viên mà thấy ấm lòng.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên