Các thầy giáo mầm non được đồng bào các dân tộc nơi đây luôn quý mến, tin yêu.
Chăm sóc trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ
Thầy giáo Trịnh Hồng Quân hiện là hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non Trường ĐH Hồng Đức năm 2006, thầy Quân được nhận về làm giáo viên hợp đồng tại Trường mầm non Lương Ngoại, huyện Bá Thước.
Hơn 10 năm sau, thầy Quân được biên chế chính thức vào ngành giáo dục. Từ một giáo viên mầm non bám trường bám lớp, sau nhiều năm phấn đấu và cống hiến, tháng 5-2020 thầy Quân được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thầy Quân tâm sự: "Khó khăn ở bậc mầm non không chỉ là dạy học mà còn phải quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, rồi vệ sinh cá nhân cho các con. Việc nào cũng cần giáo viên phải nhẹ nhàng, khéo tay. Chỉ những người giáo viên yêu thương trẻ như con đẻ của mình mới làm tròn được trách nhiệm của giáo viên mầm non".
Có thời gian công tác hơn 30 năm gắn bó với bậc học mầm non ở địa phương, thầy giáo Bùi Văn Bông (59 tuổi, giáo viên dạy khu lẻ ở bản Kho Mường, Trường mầm non Thành Sơn) đến với nghề giáo viên mầm non như cái duyên với trẻ.
Thời kỳ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, thấy mình có khả năng múa hát và chăm sóc trẻ mầm non, thầy Bông đăng ký với UBND xã ra lớp trông và chăm sóc trẻ.
Làm giáo viên không biên chế hơn 10 năm ở địa phương, đến tận năm 2003 thầy Bông mới được biên chế vào ngành giáo dục huyện Bá Thước.
"Những năm khó khăn nhất của nghề giáo viên mầm non tôi đã vượt qua. Giờ là lúc sắp được nghỉ hưu, tôi vẫn xung phong đi dạy ở khu lẻ xa nhất của trường vì luôn yêu nghề, mến trẻ.
Hằng ngày được vui chơi, chăm sóc trẻ từng bữa ăn giấc ngủ là chúng tôi vui và hạnh phúc rồi" - thầy giáo Bùi Văn Bông chia sẻ.
Đi xin bữa ăn bán trú cho trò
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay Trường mầm non Thành Sơn có 136 trẻ đang học và ở bán trú tại năm điểm của trường, trong đó bốn điểm lẻ là khu Eo Kén, Tà Ban, Kho Mường, Pù Luông; còn điểm chính của trường ở bản Báng, trung tâm xã.
Nhà trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn nên còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2014 đến nay, ban giám hiệu và thầy cô giáo vẫn quyết tâm tổ chức ăn bán trú cho trẻ.
Hằng ngày, thầy giáo Ngân Văn Tùng của trường dùng xe máy chở cơm từ điểm trường chính vào điểm lẻ Pù Luông để số trẻ nơi đây được ăn bữa cơm có thịt.
Thầy giáo Trịnh Hồng Quân cho biết do điều kiện kinh tế của phụ huynh ở địa phương còn vất vả nên việc tổ chức bữa ăn bán trú (gồm bữa chính vào buổi trưa và bữa phụ vào buổi chiều), huy động đóng góp của phụ huynh cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài số kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non của Chính phủ với mức 160.000 đồng/học sinh/tháng, thầy cô giáo trong trường cũng đã kêu gọi được một số tổ chức từ thiện và cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ thêm 7.000 đồng/học sinh/ngày.
Bên cạnh lo bữa ăn bán trú cho trẻ, nhiều năm qua các thầy giáo của Trường mầm non Thành Sơn còn kêu gọi các nhà từ thiện tặng máy lọc nước, cặp sách, chăn ấm, áo ấm để các con có giấc ngủ ấm áp vào mùa đông. Từ đó, phụ huynh đăng ký cho trẻ ăn ở bán trú ngày càng tăng lên.
Yêu nghề, yêu trẻ
Ông Hà Tự Nhiên, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bá Thước, cho biết: "Toàn huyện có 17 thầy giáo đang đứng lớp ở bậc học mầm non.
Các thầy giáo luôn yêu nghề, yêu trẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là huyện có số giáo viên nam ở bậc học mầm non nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa.
Việc có các thầy giáo tham gia dạy ở mầm non góp phần nâng cao nhận thức cho những người làm công tác giáo dục, dần xóa bỏ định kiến về giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận