Họ đang cùng tạo dựng một chuỗi sản phẩm phục vụ cho du lịch, giúp Buôn Ma Thuột hấp dẫn hơn xưa rất nhiều. Mỗi người là một mắt xích độc đáo và không thể thiếu ai.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 1.
Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 2.

Buôn Ako Dhong, các tài xế taxi hay gọi là buôn Cô Thôn cho dễ nhớ, nằm ngay trung tâm Buôn Ma Thuột, đã được quy hoạch thành làng du lịch cộng đồng. Cũng như nhiều nơi, khi được quy hoạch thì lập tức vô số đại gia nhảy vào vung tiền mua đất rồi làm những sản phẩm du lịch xanh xanh đỏ đỏ. Nhưng Ako Dhong may mắn hơn bởi vẫn còn những người Ê Đê, M’Nông bám trụ, giữ gìn bản sắc văn hóa của mình để giới thiệu cho cộng đồng. H’Len, chủ nhân của Arul café & Restaurant, là một người như thế.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 3.

Gia đình H’Len sinh sống đã nhiều đời ở buôn Ako Dhong. Nằm ngay gần cổng vào buôn, lại là mặt tiền, đương nhiên chị cũng làm du lịch bằng việc mở quán cà phê. Nhưng chị thú nhận: "Khi đi làm rẫy, thấy bà con nghèo bán tượng gỗ, chiêng, trống… mình mua chất đống trên ấy, lúc mở quán cà phê mới đem về đây trang trí. Nhưng nói thật là cũng ghế K’Pan ấy, cũng những tượng gỗ ấy nhưng quán của mình cứ sao sao ấy, không đẹp như bây giờ".

Vậy ai đã mang cái hồn Tây Nguyên tới Arul, với từng bậc cầu thang được khắc những hoa văn đúng chất Tây Nguyên? Ai đã làm những cánh cửa gỗ mộc với tay nắm là một chú rùa gỗ - con vật mà theo văn hóa người Ê Đê, M’Nông là biểu hiện của trường tồn, hay con thằn lằn gỗ biểu trưng cho thần lửa…? Ai đã đẽo những bức tượng sống động kỳ lạ ở đây?

H’Len bảo: "Tân đấy. Tân là họa sĩ người H’Re đấy, bề trên đã mang Tân đến cho tôi, nhưng Tân ở dưới TP.HCM kia".

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 4.

Những cánh cổng, những tay nắm cửa... được Tân chăm chút thổi hồn Tây Nguyên tạo nên bản sắc độc đáo cho Arul House

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 5.

Về TP.HCM, tôi lại phải nhờ Hoàng Long hẹn gặp họa sĩ Đinh Nhật Tân, bởi Tân không mấy mặn mà với báo chí, khi từng có một bài viết về anh mà người viết lẫn nhân vật chính chưa từng gặp nhau.

Tân là người dân tộc H’Re ở Quảng Ngãi. Nhà Tân nghèo nhưng Tân tự hào là mình có một người cha trên cả tuyệt vời. Ông từng là một trung sĩ của quân đội Việt Nam cộng hòa, sau khi đất nước thống nhất thì về chăm chỉ làm nông. Với ông, các con phải học, phải học và phải học! Khổ đến mấy cũng phải học. Nhờ thế, người anh cả của Tân đã thi đậu vào Đại học Y khoa Huế.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 6.

Họa sĩ Đinh Nhật Tân biến đống gỗ cũ thành những tác phẩm gỗ mỹ thuật đầy ắp hồn Tây Nguyên

Đến Tân, xong cấp II thì có chút trục trặc khi xét lý lịch, không được vào trung học phổ thông dân tộc nội trú. Cậu bé có nỗi đam mê cháy bỏng là vẽ. Cậu vẽ trên cát. Vở thì trang viết chữ, trang vẽ tranh chi chít. Tắc đường lên cấp III ở quê nhà, Tân về Huế ở cùng anh trai, vào học trường phổ thông thuộc Đại học Mỹ thuật Huế. Nhờ ba năm ở ngôi trường phổ thông này, cậu tự tin thi vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM và đậu!

Những năm làm sinh viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Tân như con vụ xoay mòng mòng giữa việc học và việc đi vẽ tranh chép nuôi thân, rồi sáng tác. Những bức tranh với gam màu mạnh mẽ và nét cọ gai góc của anh đã hớp hồn không ít người. Anh đưa tranh sang cả Hàn Quốc để triển lãm. Nhưng giữa những lần đi về khắp các xứ, Tân không nguôi nghĩ ngợi về những thanh niên H’Re đi làm thuê bấp bênh ở quê nhà, sống quá nghèo. Anh gầy dựng Lem Décor. Lem - tiếng H’Re nghĩa là đẹp. Hàng chục bạn trẻ H’Re theo anh vào Sài Gòn làm nghề điêu khắc gỗ.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 7.

Từ cái xưởng mộc nhỏ ở ven sông Soài Rạp, gần bến phà Bình Khánh, những phù điêu gỗ hoành tráng mô tả cuộc sống đời thường của người dân tộc, những bức tượng gỗ, những con cú gỗ sống động… hiện hình từ những mảnh gỗ cũ.

Ở đây, Tân không dùng gỗ mới, tất cả là gỗ tận dụng từ những con thuyền mục mà anh đi mua về, những cây cọc trồng tiêu mà người ta bỏ đi khi chuyển sang cọc bê tông…Những loại gỗ thường bị tống vào lò làm củi ấy nay được chất đống trong xưởng.

Tân chỉ vào một bức phù điêu dài chừng 5m, cao 60cm, vốn là phần còn lại của đáy một chiếc thuyền đã mục, nói: "Em bảo Đinh Xuốt đục đẽo nó, cứ đục đẽo để tả cuộc sống của tổ tiên mình qua lời kể của ông bà cha mẹ". Và rồi cảnh đi săn bắt heo rừng, cảnh giã gạo, cảnh lên nương, những con thú nhỏ của núi rừng… cuồn cuộn trào dâng trên mặt gỗ.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 8.

Từ xưởng gỗ này, những tượng, những phù điêu đã đi vào nhiều quán cà phê, nhà hàng ở Sài Gòn, với một dấu khắc đơn sơ ghi tên Lem Décor. Nhưng Tân một mực bảo mình chỉ là người có chút xíu công sắp đặt, hướng dẫn đôi chút về bố cục, đường nét của các sản phẩm gỗ điêu khắc làm nên hồn Tây Nguyên ấy. "Nhân vật chính là các bạn trẻ từ quê em vào" - Tân nói. 30 thanh niên từ Quảng Ngãi vào làm cho Lem Décor đang đảm đương việc tạo ra những sản phẩm được khắp nơi đặt hàng, dành cho những ai yêu sự mộc mạc, đầy ắp hồn Tây Nguyên. "Những cậu bé, những chàng trai người dân tộc H’Re này vốn trong máu đã là những nghệ sĩ, cứ để họ bay bổng với suy nghĩ của mình rồi truyền đến đôi tay" - Tân giải thích.

Tôi muốn tận mắt thấy họ làm việc nên đề nghị "Trong năm con mèo, Tân nói các bạn làm cho mình một bức mèo gỗ được không?". "Dễ mà anh", Tân nói chắc nịch và dẫn tôi tới xưởng.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 9.

Trong xưởng, Đinh Xuốt, 28 tuổi, đôi mắt màu nâu nhạt, trong trẻo như mắt trẻ thơ, đang lặng lẽ ngồi đục, bào, trổ từng nét gỗ. Đến 20 tuổi, Xuốt vẫn chỉ biết đi làm rẫy, chặt keo thuê. Nhưng những năm qua, từ đôi tay của chàng trai H’Re này, không biết bao nhiêu phù điêu, tượng, tranh gỗ sống động đã hiện lên…

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 10.

Tân giao cho Đinh Xuốt một miếng ván dày 5cm, chiều rộng 30cm, dài gần 50cm. Nhìn là biết miếng ván này từ một con thuyền cũ bởi vẫn còn lớp sơn thuyền xanh bạc. Chiếc tàu mục này Tân mua ở Bà Rịa với giá gần 200 triệu đồng, tận dụng những miếng gỗ còn tốt cũng được chừng 60%. Toàn là gỗ sao. Tân dùng phấn trắng vẽ nguệch ngoạc trên miếng gỗ phác thảo một con mèo bắt cá, nói với Xuốt: "Em đục cho ra con mèo no đủ, đúng chất Tây Nguyên nhé. Nhớ là râu nó nổi đấy, đục âm sâu xuống cho con mèo nổi lên".

Xuốt, với nụ cười hiền, nhận mảnh gỗ. Anh rất kiệm lời, trả lời mọi câu hỏi của tôi nhỏ nhẹ, thật ngắn gọn. "Xuốt năm nay bao nhiêu tuổi rồi?" - Dạ 28. "Xuốt làm nghề này lâu chưa?" - Dạ hơn 7 năm. "Xuốt có vợ chưa?" - Dạ rồi.

Vừa trả lời, mắt Xuốt vừa đăm đắm ngắm nhìn miếng ván… Và thật nhanh chóng, dứt khoát, chiếc đục bén với tiếng chày vỗ chan chát vang lên. Chỉ trong một buổi sáng, hình dáng chú mèo hiện lên. Xuốt nói anh cần khoảng ba ngày để hoàn chỉnh tác phẩm này. Trong ba ngày ấy, thỉnh thoảng anh lại chụp hình gửi Tân nhờ anh góp ý.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 11.

Đinh Xuốt và tác phẩm con mèo Tây Nguyên

Và ngày tôi nhận chú mèo cũng đến. Tôi ngỡ ngàng. Con mèo no đủ khắc nổi trên mặt gỗ, ôm một con cá lớn, những đường khắc tự do bay bổng, sống động mà mềm mại. Tân nhìn con mèo, cười: "Em đi học bài bản nên mất cái chất vô tư, trong trẻo như các bạn ấy rồi". Xuốt - người nghệ sĩ nhưng không hề hay biết mình là nghệ sĩ ấy - vẫn mỉm cười không nói trước những lời cảm kích của tôi về bức tranh khắc gỗ mèo. Mảnh gỗ, từ một cây sao trên rừng, thành miếng ván thuyền lênh đênh qua bao sóng nước, tưởng rồi sẽ đến ngày tan mục biến mất vào cõi hư vô, đã tái sinh lần nữa nhờ Xuốt.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 12.

Tôi trở lại Đắk Lắk lần nữa, dành một ngày ở Buôn Ma Thuột đắm mình trong buôn Ako Dhong, trong Arul, lang thang đến bảo tàng cà phê để chiêm ngưỡng đủ thứ vật dụng rang, xay trên khắp thế giới từ thời đế chế Ottoman đến nay, tiếp tục gặp những con người đang ở đó, làm nên một diện mạo du lịch đẹp đẽ hơn cho Tây Nguyên. 

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 13.

H'Len và Châu Phương

Trần Thị Châu Phương, cô gái quản lý Arul, nói "Anh sang gặp Y Sol ở xã Yang Tao, bên hồ Lắk đi…". Phương là người Hội An. Cô gái mới ngoài 30 này học du lịch, đầu quân về một khách sạn vào hàng bậc nhất ở Sài Gòn. Cô được cho đi đào tạo ở châu Âu, về làm việc nhận mức lương 40 triệu đồng/tháng. Một tập đoàn địa ốc lừng lẫy đã đưa ra mức lương gấp ba lần như thế để chiêu mộ cô nhưng rồi Phương vẫn chọn về Buôn Ma Thuột để làm "con của mẹ H'Len" để quản lý Arul.

Cô gái Hội An đi học Tây về, mê văn hóa Tây Nguyên nay tự chọn nhạc, hòa trộn, phân bố âm nhạc cho quán theo từng khung thời gian phù hợp. Cả ngày, không gian ở đây du dương trong các giai điệu nhẹ nhàng của nhạc Pháp vào buổi sáng, Tây Nguyên vào buổi tối. 

"Đối với người dân ở buôn Ako Dhong, văn hóa Pháp là một phần quan trọng vì nơi đây từ trăm năm trước, các soeur người Pháp đã ở đây, nuôi dạy rất nhiều người con của buôn làng từ nhỏ đến lúc trưởng thành" - Phương lý giải. Cô bảo mình không làm gì quan trọng cả, chỉ là "một chút huấn luyện" cho các bạn phục vụ là người Ê Đê, M’Nông nắm vững các nguyên tắc làm du lịch, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ để du khách hài lòng nhưng vẫn giữ được chất núi rừng của mình.

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 14.

Ysol House, ngôi nhà dài tuyệt đẹp của Y Sol ở xã Yang Tao làm homestay

Y Sol - một thanh niên M’Nông - được Phương khuyến khích ra làm ăn riêng, thiết kế tour sao cho vẫn giữ được nét hồn nhiên của cuộc sống thường nhật của đồng bào M’Nông và tạo được công ăn việc làm cho các bạn trong buôn làng. 

Chàng trai trẻ 25 tuổi này mới khởi nghiệp không lâu nhưng khách nào đã đến với Sol rồi thì đều khen nức nở những món ăn độc đáo trong tour của anh: gà nướng cơm lam, cá lăng, tép hồ Lắk, cả những món ăn tiêu biểu của ẩm thực người M’Nông, Ê Đê như Cham Yao, lá sắn xào, canh tro… Căn nhà dài Y Sol House của anh tuyệt đẹp cũng mang dáng dấp của họa sĩ Tân "trọc"…

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 15.

Y Sol làm bữa trưa phục vụ du khách ở chân thác Bìm Bịp

Tất cả những con người này đang cùng tạo dựng một chuỗi sản phẩm phục vụ cho du lịch, giúp Buôn Ma Thuột hấp dẫn hơn xưa rất nhiều. Mỗi người là một mắt xích độc đáo và không thể thiếu.

Hết ba ngày ở đây, tôi biết mình sẽ không bao giờ quên một buổi bình minh trên hồ Lắk phiêu du, Y Sol chèo xuồng đưa khách đi dạo, ngắm những vạt hoa súng hé nở trong ánh nắng sớm, giọng hát trầm hùng của anh vang chờn vờn trên mặt hồ bao la…

Những người Tây Nguyên làm du lịch: Một câu chuyện không có vai phụ - Ảnh 16.

Y Sol (phải) chàng trai M'Nông đưa du khách đi dạo hồ Lắk

HUY THỌ
NGỌC THÀNH
8-2-2023
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0