04/05/2006 07:02 GMT+7

Những người quản tượng

CAN LỘC
CAN LỘC

TT - Chọn chú voi “hoành tráng” nhất, chúng tôi được quản tượng Y Thái (bản Đôn, Buôn Ma Thuột) khéo léo sắp lên bục gỗ mòn vẹt đặt lên lưng voi chuẩn bị chuyến hành trình ngược sông Sêrêpôk huyền thoại.

ZbFeF4cV.jpgPhóng to
Quản tượng đang điều khiển voi
TT - Chọn chú voi “hoành tráng” nhất, chúng tôi được quản tượng Y Thái (bản Đôn, Buôn Ma Thuột) khéo léo sắp lên bục gỗ mòn vẹt đặt lên lưng voi chuẩn bị chuyến hành trình ngược sông Sêrêpôk huyền thoại.

Chưa kể quản tượng, nhẹ lắm thì ba người khách của cuộc hành trình ngày hôm ấy cũng gần... 2 tạ. Vậy mà Amanô - tên con voi mà chúng tôi cưỡi - vẫn đi nhẹ tựa... lông hồng. Sau mỗi bước chân, ngồi trên lưng voi nhìn xuống, cảm giác như đang chao đảo giữa sóng biển, gập ghềnh và lắc lư đến khiếp.

Quản tượng Y Thái ngồi ngay phía đầu voi, đôi chân gầy guộc thỉnh thoảng đá mạnh vào lớp da sần sùi con voi già để điều chỉnh hướng đi theo ý mình. Những tràng quát bằng tiếng M'Nông mặc dù chúng tôi không hiểu, nhưng xem ra đầy hiệu quả đối với Amanô.

Y Thái 15 tuổi, làm nghề quản tượng được hai năm nay. So với chú voi 40 tuổi mà mình đang điều khiển, tuổi của Y Thái còn kém voi... mấy giáp. Vậy nhưng mệnh lệnh của người quản tượng nhỏ thó này lại đủ uy lực hướng con vật nặng hơn ba tấn này rẽ trái, quặt phải.

Y Thái nói tiếng Kinh rất rõ ràng. Em cho biết đã bỏ học mấy năm rồi, nghề chính là cưỡi voi đưa khách đi du lịch quanh bản Đôn. Lành nghề từ tuổi nhỏ vì bố Y Thái cũng là một quản tượng cừ khôi, từng thuần hóa nhiều voi rừng hung dữ. Bạn bè của Thái nghề chính là lên rẫy trồng cà phê, tiêu, chẳng ai thạo ngồi đầu voi làm du lịch như Thái cả.

Quản tượng Y Khun cho biết Y Thái được xem là quản tượng nhỏ tuổi nhất nhưng khá lành nghề. Đội quản tượng tại bản Đôn khoảng chục người, một vài thành viên là người trực tiếp vào rừng thuần hóa voi dữ đưa về làm... du lịch.

Theo Y Khun, nghề quản tượng không phải ai cũng làm được, rất khó và thậm chí nguy hiểm cả tính mạng của mình và khách du lịch. Trong nghề quản tượng, Y Khun đã gặp nhiều lần và chứng kiến nhiều cảnh voi mình điều khiển bỗng dưng nổi giận.

Nếu không hiểu tâm lý, không biết nguyên nhân để “hạ hỏa” kịp thời thì khó lòng đảm bảo an toàn. Y Khun cũng cho biết dọc đường đi có nhiều nơi bán mía, nếu thấy mà không mua thì voi sẵn sàng lao đến húc đổ tất cả, kể cả người.

Đối với voi mới được thuần hóa, gặp ôtô hoặc tiếng động mạnh là hoảng, lâm vào tình thế này nếu quản tượng không làm chủ được, khách du lịch rất dễ... đo ván xuống mặt đường.

Đặc biệt voi chỉ thân thiện với quản tượng, nếu người lạ có ý định đến vuốt ve, làm quen thì nên tránh xa để đỡ tai họa. Có nhiều khách du lịch cũng có ý định thử làm quản tượng, nhưng mới chỉ nhích chân từ lưng xuống đầu là voi hất vòi lên thổi phì phì, cảnh cáo.

Quen với mùi voi từ nhỏ, những quản tượng đưa khách du lịch bằng voi vượt dòng Sêrêpôk ít quan tâm lắm đến kinh tế. Nhiều khách hàng sau tour móc ví “boa đậm” cho họ nhưng đều nhận được cái lắc đầu thân thiện.

Cũng vì yêu nghề nên mỗi ngày phải ngồi trên lưng voi 4-5 tiếng đồng hồ, thậm chí không kịp ăn bữa trưa vì khách hàng kín lịch. Hỏi sao không chuyển nghề khác, Y Thái vẻ như giận dỗi, chỉ lẳng lặng vuốt ve con Amanô rồi để mặc đám khách chúng tôi chưng hửng với câu hỏi... đụng chạm này!

CAN LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên