11/04/2009 04:15 GMT+7

Những người phụ hồ - Kỳ 1: Thợ phụ "đặc biệt"

BÌNH SƠN
BÌNH SƠN

TT - Phụ hồ là một nghề thật nặng nhọc, nhưng ở nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình xây nhà ở cá nhân, bên cạnh trai tráng có cả trẻ em, phụ nữ, người già làm việc. Họ phải oằn sức gấp đôi nhưng tiền lương có khi chỉ bằng nửa.

AZKZbiA5.jpgPhóng to“Xây cho nhà cao cao, còn ta ngủ bờ ao”, các phụ hồ thường nói như vậy. Khi các công trình xây dựng nên hình hài ít ai nhớ đến phụ hồ, những người đã vất vả đổi sức để lấy tiền công ít ỏi, có khi đổi cả tính mạng của mình.

Ở nhiều công trình dù không có bảo hộ, bảo hiểm… nhưng nhiều phụ hồ vẫn chấp nhận mưu sinh. Có người là thanh niên khỏe mạnh, có người là phụ nữ mảnh mai, cũng không thiếu những đứa trẻ và cả những người già.

0vy90xvb.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

1. Phan Văn Trường, quê An Giang, 14 tuổi phải bỏ học vì gia cảnh quá nghèo. Trường hồn nhiên: “Cha em mần hồ đã 30 năm vẫn đói, nhưng em quyết định làm phụ hồ để phụ giúp cha mẹ và nuôi em gái ăn học. Em nói với cha mẹ rồi, khi bỏ ống được ít tiền em xin đi học thợ bạc, nếu kẹt quá thì cũng nghề sửa xe đàng hoàng”. Ở công trình xây dựng này (thuộc khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), người lớn làm được 80.000đồng/ngày thì Trường được nhận một nửa. Cứ thế mà theo chú, theo cha nhận hết công trình này đến công trình nọ.

Nếu chấm công có lẽ Trường cực nhất và ít tiền nhất. Là một “tay sai” chuyên nghiệp, ai sai gì Trường làm đó, quần quật suốt ngày. Đắp đất, khuân đá, kéo ròng rọc, mang nước uống, mua thuốc hút; chui nhủi thường xuyên ở tầng dưới, luôn nguy hiểm bởi đất đá, xà beng rơi xuống bất ngờ. Ngày nào tay chân Trường cũng trầy xước chảy máu, tối đến lại nằm lăn ra một góc nhà đang xây, quấn chặt chăn lại mà ngủ. Khắp người bị muỗi đốt đỏ dày như cơm cháy.

“Ráng kiếm được vài trăm ngàn đồng là em về nhà ngay, mùa vía bà sắp đến rồi, về dưới múa lân cả tháng chắc bỏ ống được kha khá. Ai cũng nghĩ lên Sài Gòn làm nhiều tiền lắm. Đi rồi mới biết, cực chẳng đã ở dưới không có gì mần nên cả nhà mới lang thang thế này”, Trường vừa làm vừa nói.

Bẻ sắt, khuân đá, bàn tay sưng phồng rướm máu. Xong việc Trường lại bò vào khe hở đống cây so le chống đỡ yếu ớt mảng bêtông kếch sù. Dưới chân Trường, hàng loạt cây đinh tựa nanh hổ rình rập, soi kỹ có thể thấy những vệt máu khô. “Trường ơi, cắt sắt nhanh lên, cắt xong chuyển mấy bao ximăng luôn nhé”, giọng hai người từ trên cao vọng xuống. Trường xoay người bước vội. “Ui da!”, nó lại đạp đinh sét, riêng buổi sáng hôm nay nó đã đạp hai lần, rút mũi đinh ra rồi cà nhắc đi làm tiếp.

NBFrackG.jpgPhóng to

Trường hì hục lôi ván ra ngoài, dưới chân đinh sắt lởm chởm - Ảnh: B.Sơn

2. Trưa tháng ba nắng gắt. Tại công trường xây dựng ở khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh, một phụ nữ đội nón lá choàng khăn kín mít, cầm trên tay cái rổ đựng khoảng 20 ổ bánh mì rao bán yếu ớt rồi bất thần ngã quỵ. Có người chạy lại xoa dầu, cạo gió, khoảng một giờ sau chị mới khỏe lại chút ít. Gạn hỏi mãi, chị khóc nức nở nói quê chị ở Nam Định, cha mẹ mất sớm nên bỏ xứ vào tận Sài Gòn với bà ngoại.

Không tiền, hai bà cháu phải ở tạm trong một xó nhà bị tháo dỡ do giải tỏa bên kênh Nhiêu Lộc (gần Thảo cầm viên), rồi ngoại bán đậu phộng, chị đi làm phụ hồ ở công trình gần đó. Ở được ba ngày, đêm hôm đó ngoại chưa về, hai thanh niên lạ mặt xông vào cưỡng hiếp chị. Đau khổ, tủi nhục, chị muốn cắt tay tự vẫn nhưng rồi cắn răng tiếp tục phụ hồ. Ngày qua ngày bụng to dần. Đến khi đủ tháng chị vật vã sinh nở, không phải một mà là cặp song sinh. Chị gửi ngoại trông nom, còn mình bán bánh mì (không đủ sức làm thợ hồ nữa) để có tiền mua sữa và tã lót cho con.

Chị Phạm Thị Tươi quê ở Cần Thơ, đang phụ hồ ở công trình trên đường Trần Não, quận 2 (TP.HCM), kể chồng chị làm phụ hồ xa nhà, còn chị ở quê vét vốn thuê đất trồng mía theo kiểu lấy công làm lời, đến lúc mùa màng thất bát thì vỡ nợ. Chị theo chồng lên Sài Gòn phụ hồ, gửi lại đứa con thơ mới được 3 tuổi cho bà ngoại nuôi dưỡng, cuối tháng gửi tiền về. Chị nói: “Làm hồ cực nhọc, tiền công ít. Hai vợ chồng ăn bờ ngủ bụi, xin nước tắm giặt, gần sông thì xách nước mang về. Cứ mỗi dịp tết đến còn dư chừng một chỉ vàng là vợ chồng mừng lắm, năm ngoái không đồng xu dính túi phải vay tiền về xe”.

Chị Tươi che lều tạm bợ cùng một nhóm phụ nữ khác bên bờ sông Sài Gòn. Sống bên nhau đến 5 giờ sáng là dậy lo cơm nước. Chị Tươi phân trần: “Đêm nào cũng nhớ con mà khóc. Ổng kêu tui về nhưng không nỡ, cả hai làm còn không dư, để ổng làm một mình chắc còn da bọc xương”.

jYa207k3.jpgPhóng to
Lán trại là nơi các chị phụ hồ chen chúc nghỉ qua đêm. Còn đàn ông thì nằm ngoài - Ảnh: B.Sơn

3. Với “lão tướng” Lê Văn Sửu quê Quảng Ngãi, anh em công nhân ở Củ Chi còn gọi là Hai “cô đơn”. Đã 61 tuổi rồi mà vẫn còn sức bền khiến các thợ trẻ phải nể phục. Sở trường của ông là quét vôi, ông nói: “Chỉ cần một sợi dây treo vào người thì lớp tường dù ba tầng hay 30 tầng cũng xong. Sống tha phương, trải qua hai mối tình không cưới hỏi nhưng chẳng bà nào sinh một mụn con. Độc thân hơn chục năm rồi. Làm nghề này tuần nào cũng phải ăn tiết canh, hoặc huyết bò, huyết heo để xổ độc vì khói bụi ximăng và vôi quét độc hại lắm”.

Anh Quang Luân làm hồ ở xã An Nhơn Tây tỏ vẻ biết ơn ông Sửu: “Miệng ổng rổn rảng vậy chứ giờ ổng bị lao phổi và yếu lắm rồi, làm được bao nhiêu là xài hết, dư chút đỉnh thì cho anh em nghèo khó vay mượn không cần trả. Uy tín lắm, thợ nào gặp bất công là ổng dàn xếp ổn thỏa

với chủ thầu. Ông Hai “cô đơn” thường tâm sự bên ly rượu: Khi tao chết hãy hỏa táng và rải hài cốt tao xuống sông Sài Gòn cho tròn một kiếp thợ hồ lận đận như lục bình trôi”.

Cũng theo anh Luân, trường hợp của bác Ly (Bạc Liêu), cũng làm hồ ở Củ Chi còn “lực sĩ” hơn nhiều. Ông lớn hơn ông Hai “cô đơn” ba tuổi, vợ mất sớm, có mỗi người con trai thì đôi vợ chồng ấy lại chết trẻ vì đi rà sắt trúng phải mìn. Một mình nuôi hai cháu ăn học không nổi, ông quyết định dẫn chúng lên quận Tân Bình gửi học sửa xe ở nhà người bạn. Còn ông thì “tô phết” vôi suốt ngày để tự nuôi sống mình và hỗ trợ hai đứa cháu nội.

____________________________

Không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng, bị thương tật suốt đời vì nghề phụ hồ nặng nhọc, tưởng là đơn giản mà đầy hiểm nguy này.

Kỳ tới: Hiểm nguy chầu chực

BÌNH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên