28/09/2017 11:37 GMT+7

Những người lính đi 2.000 cây số một ngày

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Có khi một ngày, tổng quãng đường vận hành của anh em đi các tỉnh cộng lại là 2.000 cây số - trong thời bình, những người lính quân bưu Quân khu 7 vẫn tiếp tục là những cánh chim không mỏi.

Những người lính đi 2.000 cây số một ngày - Ảnh 1.

Các chiến sĩ trạm quân bưu 8NE-1 vận hành công văn, tài liệu bằng xe đạp đến các đơn vị trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Đưa thư bằng xe đạp

5h sáng ở trạm quân bưu 8NE-1, tiểu đoàn 40, lữ đoàn thông tin 23, quân khu 7, các chiến sĩ quân bưu nhận nhiệm vụ vận hành công văn, tài liệu "đi tỉnh" đã chỉnh tề ba lô, cặp táp sẵn sàng lên đường tỏa về các hướng Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu…

"Đối với công văn, tài liệu chuyển đi các tỉnh, anh em sẽ đi vào thứ 3, thứ 5 hàng tuần. Hai hướng Đồng Nai - Bình Thuận, đi tất cả các đơn vị là khoảng 500 cây số, và Tây Ninh (khoảng 300 cây số) sẽ đi bằng ôtô của đơn vị. Nhưng với công văn khẩn, hẹn giờ thì anh em của trạm tự bắt xe đò để đi", thượng úy Bùi Duy Tùng - trung đội trưởng trung đội vận hành của trạm quân bưu - nói.

Trên địa bàn TP.HCM, đến các đơn vị xa như Nhà Bè, Thủ Đức… thì các chiến sĩ đi bằng xe máy. Còn trong khu vực nội bộ, các văn phòng, phòng ban ở các khu vực lân cận thì họ đi bằng xe đạp.

Thượng úy Tùng cho biết mỗi ngày, trạm quân bưu đảm bảo tiếp nhận công văn, tài liệu từ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và chuyển đi đơn vị cấp dưới ở 9 địa phương là TP.HCM, Tây Ninh, Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước. 

"Một ngày trạm tiếp nhận 400-500 công văn. Cao điểm như lễ, tết, ngày kỷ niệm… lên đến cả ngàn", anh Tùng chia sẻ.

Với khối lượng công việc này, quân số 29 người cả cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ của trạm có khi một ngày đi tổng quãng đường là 2.000 cây số.

Tất nhiên sẽ có người thắc mắc sao không gửi công văn, tài liệu qua mạng để tiết kiệm sức người, sức của. Thượng úy Bùi Duy Tùng giải thích: "Có những nội dung quân sự bí mật, các văn bản, tài liệu mật, không thể gửi qua internet. Thêm nữa, các văn bản hướng dẫn từ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xuống các đơn vị phải có dấu mộc đỏ thì tính pháp lý mới cao và để các đơn vị lưu trữ".

Những người lính đi 2.000 cây số một ngày - Ảnh 2.

Chiến sĩ quân bưu tiếp nhận và phân loại công văn, tài liệu tại trạm Quân bưu 8NE-1 - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Người có thể ướt, công văn, tài liệu thì không!

Trạm quân bưu 8NE-1 là một căn phòng nhỏ với chiếc kệ hàng chục ô được đánh dấu cẩn thận theo các hướng vận chuyển. Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Trần Tấn Đạt cùng các chiến sĩ liền tay tiếp nhận tài liệu, ghi chép sổ sách, dán mã vạch, nhập vào máy tính và phân loại để vận hành.

Điều kiện phương tiện giờ đỡ nhiều rồi. Hồi đó lên các đơn vị toàn đường đất đỏ, đường núi không à, như ở Phước Long, Bình Phước. Có năm đi Long An bị lụt, xe qua không được, phải quá giang ghe của người dân.

Trung úy Trần Tấn Đạt

Anh Đạt là một trong 3 người gắn bó lâu nhất ở trạm quân bưu này (16 năm). "Lính quân bưu coi tài liệu, công văn quý hơn cơ thể mình. Đi mưa ướt đồ về giặt phơi là xong, còn công văn, tài liệu đâu được vậy. Làm công việc này đòi hỏi anh em phải tự giác cao, làm lâu thì cũng quen!", anh Đạt bộc bạch.

Chiến sĩ mới Nguyễn Duy Tân (quê Tây Ninh) thì chia sẻ: "Ban đầu khó khăn nhất là tìm đường, phải nắm được đơn vị đó nằm ở đâu, trên tuyến đường nào để khi đi vận hành không bị lạc hay trễ giờ".

Tân bắt đầu bằng việc đi xe đạp trong căn cứ, rồi ra vòng ngoài. Đi tỉnh thì ban đầu đi cùng ôtô của đơn vị, sau đó tự bắt xe đò. 

"Sau khoảng 1 tháng mình đã có thể tự đi vận hành ở tỉnh vì đã biết đường. Đi cũng mệt nhưng có lần được lên tới Đà Lạt mình thích lắm", Tân hào hứng kể.

Nhưng vất vả nhất là vận hành công văn hẹn giờ vì phải đi rất gấp. "Công văn nếu hẹn giờ là 15h phải tới được đơn vị này thì bằng mọi giá, anh em phải tới được đấy trước 15h. Nhiều lúc nhận công văn khẩn, sáng sớm anh em chia nhau lên đường đi 9 đại phương. Đến 9h sáng, trạm lại nhận được công văn khẩn, không thể đợi tốp kia quay về, quân số còn lại chia nhau đi luôn", đội trưởng đại đội quân bưu - đại úy Bùi Văn Hải - cho biết.

Điều đặc biệt là dù đi địa phương, các cán bộ, chiến sĩ quân bưu đều phải đi về trong ngày. Những hướng gần như Tây Ninh, Đồng Nai... thì 5-6h sáng lên đường, chiều về đến đơn vị. Tuyến xa nhất là Lâm Đồng thì phải đi từ đêm hôm trước để giao xong trong ngày, trở về Sài Gòn vào buổi tối.

Những người lính đi 2.000 cây số một ngày - Ảnh 4.

Trung úy Trần Tấn Đạt là một trong những người gắn bó lâu nhất với trạm Quân bưu - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Đón giao thừa trên đường

"Một lần tối 30 Tết, đơn vị tổ chức cho anh em đón giao thừa thì trên tác chiến gửi công văn xuống, yêu cầu đi gấp Xuân Lộc (Đồng Nai). 23h đêm, mình và một đồng đội lấy xe máy, cắp súng chạy xuống Xuân Lộc, tới nơi gần 2h sáng. Lần ấy là vừa đi vừa đón giao thừa trên đường", Trung úy Trần Tấn Đạt kể lại.

Màu xanh áo lính trong tâm bão Màu xanh áo lính trong tâm bão Công binh - những người lính du mục Công binh - những người lính du mục Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt Cuộc sống của lính rađa trên đỉnh Mai Sơn khắc nghiệt
MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: quân đội quân bưu