Xin cảm ơn tất cả các nhân vật đã giúp chúng tôi làm nên những trang báo giàu sức sống, thấm đậm tình người.
Viết tiếp ước mơ
Phóng to |
Công dân trẻ TP.HCM - “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy đã ra đi ngày 2-11-2007 sau hơn bốn năm rưỡi chiến đấu với căn bệnh ung thư xương, nhưng “Ước mơ của Thúy” - chương trình do Hội LHTN TP.HCM và báo Tuổi Trẻ thành lập nhằm chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhi ung thư - vẫn đang được vạn tấm lòng trong và ngoài nước nối tiếp.
Hằng tuần, các bạn trẻ đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để cùng sinh hoạt, vui chơi, nâng cao kiến thức cho bệnh nhi. Cánh thư bệnh viện cũng được triển khai để các bạn ở xa chia sẻ, tạo thêm động lực cho các bệnh nhi và thân nhân các em vững vàng bước tiếp.
Phóng to |
Thúy ra đi nhưng trang blog 360.yahoo.com/annafunny của Thúy vẫn được công dân mạng cập nhật từng phút, để “Ước mơ của Thúy” đi xa hơn và rộng hơn.
Tố Oanh
Ðồng ca nhân ái
Phóng to |
Cái tên Long “đồng ca” xuất hiện khi Nguyễn Ngọc Long tập hợp “khẩn cấp” được 35 ca sĩ Bắc - Trung - Nam tham gia ghi âm ca khúc Vì sao em chết (Thanh Trúc) để kịp đưa lên mạng trong chương trình “Đồng ca vì công lý”, trước khi phiên tranh tụng tòa phúc thẩm vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam diễn ra tại New York.
Tấm ảnh xuất hiện trên trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 17-6-2007 đã lay động nhiều bạn đọc. Bài hát sau đó lan rộng trên mạng, mọi người cùng hòa bài ca nhân ái.
Phóng to |
Nguyễn Ngọc Long - trưởng ban biên tập trang web nhacso.net của Tập đoàn truyền thông FPT - mùa xuân này bước sang tuổi 25. Đợt bão Chanchu năm 2005, clip Mộ gió của nhóm Unlimited nhanh chóng được đưa lên nhacso.net và gây được sự chú ý, chia sẻ, đồng cảm của giới yêu nhạc khắp cả nước. Rồi “Đồng ca vì công lý”, “Kết nối Trường Sa” cũng được cư dân mạng ủng hộ nhiệt tình. Người bạn trẻ thiết kế trang web nhandaovietnam.org này vừa được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông FPT Online.
Quỳnh Nguyễn
Sống vui để con vui lòng
Ngày 26-9-2007, nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập, tấm ảnh chụp bà Trương Thị Út (60 tuổi, ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long) khóc con trai - anh Đỗ Văn Sáu - trong đau đớn tột cùng in trên trang nhất Tuổi Trẻ ngày hôm sau đã khiến nhiều người xúc động. Hơn ba tháng trôi qua sau thảm họa, bà Út vẫn chưa hết ngậm ngùi.
Nhắc đến tên anh Sáu bà lại sụt sùi, nước mắt lăn dài. Ngày nhận được con, bà không được nhìn mặt bởi thi thể anh Sáu đã biến dạng. Bà chôn anh ngay trong vườn, “để nó được gần gũi mọi người để không lạnh lẽo”.
Phóng to |
Bây giờ, hằng ngày bà Út vẫn ra đồng trồng cọng rau, dây bí mưu sinh. Bà nói già rồi phải mần cái gì chứ ở không thì buồn lắm. Sau ngày anh Sáu mất, các con của bà cũng quây quần hơn bên cha mẹ. Lúc rảnh bà lại quét dọn để mộ anh Sáu luôn sạch sẽ. “Mình phải sống tốt và sống vui, như vậy con mới vui lòng nơi chín suối” - bà Út nói.
Minh Giảng
Cảm ơn những tấm lòng
“Cô gái bé bỏng ấy như một chú kiến nhỏ đang cõng từng hạt bụi xây ước mơ. Ước mơ hiện tại của My là để dành nhuận bút đến khi nào đủ tiền vào TP.HCM chữa cho giọng nói chuẩn hơn”, câu chuyện “Trà My trên cát bỏng” (Tuổi Trẻ 15-7-2007) có một đoạn như thế.
Hai tuần sau khi bài báo đến độc giả, Trà My được nhiều người giúp đỡ đưa vào Làng Hòa Bình, TP.HCM chữa bệnh. Bốn tháng sau đó, cô gái chưa từng được đến trường, không nói - không đi - không cầm nắm được như người bình thường nói như reo: “Em còn hát karaoke được nữa nè!”.
Phóng to |
Bây giờ, mỗi ngày Trà My được các cô chú điều dưỡng, bác sĩ ở Làng Hòa Bình tập vật lý trị liệu. Cô gái 21 tuổi này được tập bò, tập đi bằng chính đôi chân yếu ớt của mình. My còn được một bạn đọc giấu tên tặng một chiếc máy vi tính. Ngoài thời gian luyện tập, Trà My học chính tả, viết truyện ngắn cộng tác với báo Mực Tím, tạp chí Văn Học Tuổi Xanh, Hoa Học Trò… Trà My tâm sự: “Tôi đã tự tin lớn dậy bằng chính sự chia sẻ, yêu thương của hàng trăm tấm lòng của các cô chú và bạn bè ở khắp nơi. Xin cảm ơn tất cả!”.
Yến Trinh
Người mẹ vùng lũ
Đã hơn hai tháng kể từ khi xảy ra cơn đại hồng thủy ngày 12-11-2007 buộc cả gia đình bà Hồ Thị Toan (85 tuổi, thôn Lỗ Giáng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) phải bỏ nhà chạy lũ (Tuổi Trẻ 13-11-2007), đến nay cuộc sống gia đình bà đã dần ổn định trở lại.
Gặp lại bà đang bán hàng bên chiếc quán nhỏ ọp ẹp ven đường làng, bà cười móm mém bên đứa cháu nội của mình: “Cháu nhớ hí, lớn lên phải nhớ cả nhà mình vất vả chạy lũ năm ni để mà học cho giỏi. Đến đời cháu thì người phải thắng lũ nghe chưa!”.
Phóng to |
Sau những cơn lũ kinh hoàng, giờ đây cuộc sống của người dân vùng lũ cũng dần hồi sinh. Tết sắp đến, bà Toan nói năm nay lũ lụt triền miên làm bà con trong thôn đã kiệt sức, không có nhiều tiền để ăn tết như mọi năm. Vì vậy, việc bán dăm thếp giấy, vài miếng cau khô, ly rượu thắm của quán bà cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đăng Nam
Qua một đêm kinh hoàng
Phóng to |
Tối 15-10-2007 là một buổi tối kinh hoàng với chị Ngô Thị Xuân Hà (Gò Vấp, TP.HCM). Phát hiện cháu ruột Ngô Mạnh Tiến (22 tháng tuổi) uống nhầm chai dầu hôi, chị Hà tức tốc đưa cháu đi cấp cứu.
Sau khi sơ cứu, thấy tình trạng có chiều hướng xấu đi, các bác sĩ Bệnh viện 175 đã điều xe cấp cứu chở bé Tiến đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đường lên cầu Kiệu bị tắc, xe cấp cứu quay qua cầu Công Lý, nhưng bị kẹt giữa rừng xe đang ùn tắc. Không để cháu mình nằm chờ chết, chị Hà cùng y tá xuống xe chạy bộ với dụng cụ hô hấp nhân tạo và dịch truyền cho bé trên tay.
Một thanh niên (mặc áo có tên Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại) gọi ba người lên xe gắn máy của mình để chở đến bệnh viện. Trên chiếc xe chở bốn, chị Hà vừa khóc vừa gào thét van xin mọi người mở đường cho đi. Tấm ảnh chụp cảnh kinh hoàng đó hôm sau đăng trên trang nhất Tuổi Trẻ.
Phóng to |
Bé Tiến bây giờ đã bình phục. Xem lại tấm ảnh chụp hôm kẹt xe, chị Hà (bán nước giải khát tại chợ Gò Vấp) gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã cứu sống bé Tiến, đặc biệt muốn gặp để cảm ơn bạn sinh viên đã chở bé Tiến thoát khỏi rừng xe đến bệnh viện kịp thời (mà lúc đó chị chưa kịp hỏi thăm).
Trần Tiến Dũng
Mong hết ngập cho bà con nhờ
Đó là một buổi chiều không quên đối với anh Phạm Văn Hiền, ngụ tại số 2347/9/12, đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TP.HCM. Đang cùng con gái Phạm Nguyễn Yến Nhi (2 tuổi) đi dạo ở quận 8 thì xe chết máy do triều cường dâng quá nhanh, anh dắt xe giữa mênh mông nước ngập trong khi con gái ngả đầu vào vai anh, ngủ luôn trên xe. Cha con anh phải vất vả cả buổi mới về được nhà (Tuổi Trẻ 28-10-2007).
Phóng to |
Gặp lại hai cha con anh Hiền trong những ngày cuối năm. Anh cho biết mỗi tháng gia đình anh cũng như những người dân sống ở khu vực này phải chịu cảnh ngập hai đợt, mỗi đợt kéo dài 4-5 ngày khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. “Hi vọng sang năm mới, thành phố sẽ sớm khắc phục tình trạng ngập lụt này để bà con được nhờ, chứ không thì cực quá!” - anh Hiền nói.
Minh Đức
Bước ngoặt để sống tốt hơn
Phóng to |
Nhiều lời khen ngợi, nhiều giải thưởng, bằng khen, học bổng… đã đến với Đoàn Hữu Đức sau khi dũng cảm nhảy từ thành cầu Sài Gòn xuống sông cứu sống cô gái 20 tuổi hôm 16-8-2007, nhưng chàng trai 20 tuổi quê Bình Định vẫn mộc mạc thế.
Nhắc lại chuyện cũ (Tuổi Trẻ 18-8-2007), Đức cảm thấy đó như chuyện hiển nhiên phải làm. “Mãi sau này tôi mới biết đó là một bước ngoặt trong cuộc đời mình. Và chính bước ngoặt đó đã giúp mình thêm nhiều động lực phấn đấu để học tốt hơn, sống tốt hơn”-Đức nói.
Đức vẫn hằng ngày luyện thanh nhạc ở Đại học Văn hóa TP.HCM, chơi piano ở nhà trọ và đánh organ ở đám cưới để kiếm thêm mỗi buổi hơn 100.000đ. Nếu gặp lại trường hợp tương tự, Đức có dám xả thân lần nữa để cứu người không? Đức trả lời: “Khi ta có suy nghĩ tốt đẹp, ta sẽ làm điều tốt cho mọi người”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận