16/07/2014 23:18 GMT+7

Những người đi gieo niềm tin

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Tại Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc 2014 khởi tranh ở TP Cần Thơ ngày 16-7, 790 VĐV đến từ 28 tỉnh thành tham dự hội thi là bấy nhiêu câu chuyện đời nghiệt ngã. Nhưng họ cũng là những người gieo niềm tin vào cuộc sống bằng tấm gương nghị lực của đời mình.

Trong cái nóng hầm hập của CLB bóng bàn ở nhà thi đấu đa năng Cần Thơ, các VĐV người chỉ có một tay, người ngồi xe lăn... vẫn thi đấu quyết liệt khiến nhiều người xem ngưỡng mộ.

VĐV Nguyễn Thanh Bình (Đà Nẵng) với đôi tay co quắp, đôi chân teo tóp khập khiễng vẫn dũng mãnh tung ra nhiều cú tạt uy lực. Do bàn tay không đủ lực cầm chắc bất cứ vật gì nên anh Bình phải nảy ra “sáng kiến” cột vợt vào ngón tay cái để thi đấu. Mỗi khi anh Bình ghi điểm, cả nhà thi đấu lại rộn lên tràng pháo tay tán thưởng.

Sau khi chiến thắng, anh Bình tâm sự: “Hằng ngày tôi bán vé số, bưng từng ly nước mía để kiếm tiền nuôi gia đình. Thời gian rảnh tôi mới tập bóng bàn, môn thể thao mê từ nhỏ. Tôi ở đây mà lo nơm nớp cho hai con nhỏ ở nhà. Càng lo, tôi càng thi đấu quyết tâm bởi bóng bàn không chỉ cho tôi sức khỏe mà còn giải quyết chuyện cơm áo”.

Đoàn Sơn La gồm toàn người dân tộc thiểu số và phải ngồi xe ròng rã năm ngày để vào đến TP Cần Thơ. Trưởng đoàn Lưu Xuân Dũng nói: “Để thuyết phục các em đến với thể thao không dễ bởi người dân tộc thiểu số tự ái rất cao. Nhưng thể thao đã mang lại cho các VĐV sức khỏe, hòa nhập xã hội. Do đó, chỉ cần đến Cần Thơ tham dự ngày hội lớn dành cho người khuyết tật VN cũng đủ để khẳng định chúng tôi là những người chiến thắng”.

Với 25 thành viên (22 VĐV và 3 HLV) cùng vô số xe lăn, thiết bị..., đoàn Quảng Trị nhồi nhét trong một chiếc xe 29 chỗ rong ruổi hai ngày đường mới đến TP Cần Thơ. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - trưởng đoàn VĐV người khuyết tật Quảng Trị - chia sẻ: “Các VĐV hầu hết xuất thân nhà nông từ các vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn của Quảng Trị. Họ không có lương và chỉ hưởng chế độ tập 150.000 đồng/ngày từ ngày 20-6”.

Lo cho người khuyết tật đã khó, chăm sóc người thiểu năng trí tuệ càng khó khăn gấp bội. Trong đoàn Quảng Trị có hai VĐV nam ở môn ném đẩy thiểu năng trí tuệ. Bà Hồng Vân cho biết: “Chúng tôi quyết đưa các em dự giải vì đến với thể thao, đầu tiên là các em được vui và sau đó cải thiện đáng kể sức khỏe, tinh thần. Vì kinh phí eo hẹp, gia đình các em lại khó khăn nên không có cha mẹ đi kèm. Các thành viên trong đoàn phải thay phiên lo cho cả hai. Hai em này gần như chẳng nhớ được gì, chỉ nghe bảo sao làm vậy thôi. Bảo ăn là ăn, kêu ngủ là ngủ và vào thi đấu chỉ biết nghe bảo ném là ném. Nhưng khi được hỏi có vui không, hai em đều bảo vui và không khóc bao giờ”.

Thể thao người khuyết tật là thế. Đó là đấu trường mà chuyện thắng thua luôn xếp sau các ý nghĩa nhân văn, những câu chuyện đầy cảm xúc của con người... Thế nên chẳng có tiếng than phiền nào dù 17 thành viên (12 VĐV và 5 HLV) đoàn Quảng Ngãi chỉ đủ kinh phí mua vé xe đò vào TP Cần Thơ.

Ông Huỳnh Thành - trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Quảng Ngãi - cho biết: “Cuộc sống của hầu hết người khuyết tật rất vất vả nhưng ý chí vươn lên rất mạnh mẽ. Các VĐV Quảng Ngãi luôn tâm niệm chơi thể thao không chỉ để cải thiện cuộc sống mà còn vượt qua số phận”. Minh chứng cho điều này là câu chuyện của VĐV bị cụt tay 45 tuổi Trần Như Phi - một VĐV chạy tốc độ có hạng của thể thao người khuyết tật VN. Vốn rất nghèo, quanh năm cật lực với công việc bảo vệ, bốc vác thuê... nhờ thể thao, được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi đãi ngộ chế độ 120.000 đồng/ngày, anh Phi mới nuôi nổi vợ và hai con.

Câu chuyện VĐV bóng bàn xe lăn 41 tuổi Võ Quốc Hưng (TP.HCM) thật sự gây xúc động. Đến Cần Thơ nhiều ngày nhưng anh trốn biệt trong phòng vì... sợ mọi người biết rồi thông báo gia đình. Dù bị xe đụng gãy chân vài ngày trước khai mạc nhưng Quốc Hưng vẫn quyết ở lại thi đấu dù phải ngồi dự bị cho đồng đội. Sinh ra và lớn lên ở Long An nhưng anh Hưng đã đến TP.HCM thuê nhà trọ để đeo đuổi niềm đam mê bóng bàn. Anh làm bất cứ việc gì có người nhờ, ai cho gì ăn nấy... chỉ để có tiền chơi và đi thi đấu bóng bàn.

Hội thi diễn ra tại nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ từ ngày 16 đến 20-7. Các VĐV sẽ tranh tài ở bảy môn thể thao: điền kinh, bơi lội, cử tạ, bóng bàn, cầu lông, boccia và cờ vua. Năm nay, Hiệp hội Paralympic VN đã mời hai chuyên gia Malaysia giám sát khám phân loại thương tật và tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ và HLV thể thao người khuyết tật VN.
TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên