TT - Không thâu tóm huy chương như Usain Bolt, Michael Phelps... nhưng nhiều VĐV mang đến thành công cho Olympic 2012 từ những hành động nhỏ ý nghĩa và đầy tính nhân văn.
Khi lên đường, có lẽ bản thân kiếm thủ người Venezuela Ruben Limardo cũng không thể tưởng tượng nổi ngày về lại được đón tiếp long trọng bởi hàng chục ngàn người. Limardo như người hùng dân tộc đứng trên chiếc xe buýt hai tầng vẫy chào hàng chục ngàn người hâm mộ dọc hai bên đường từ sân bay đến trung tâm thành phố.
Tại Olympic 2012, Limardo xuất sắc mang về HCV đầu tiên cho Venezuela sau 44 năm chờ đợi ở nội dung kiếm ba cạnh nam. Thay vì tham gia hội hè để mừng chiến thắng như nhiều ngôi sao khác, Limardo đã tranh thủ giới thiệu đất nước mình với nhiều người tại London bằng việc dạy họ cách cổ vũ thể thao bằng tiếng Venezuela trên một chuyến tàu điện ngầm. Và tấm ảnh Limardo trong đồng phục đoàn thể thao Venezuela với HCV trên cổ tươi cười cùng những người bạn mới quen này đã được tờ Gawker (Mỹ) đánh giá là một trong những hình ảnh ý nghĩa nhất Olympic 2012.
Đích thân Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã ra đón Limardo và trao tặng bản sao thanh gươm quý mà anh hùng dân tộc Simon Bolivar từng sử dụng. Đồng thời, Tổng thống Chavez tuyên bố sẽ trao Huân chương Giải phóng (huân chương cao quý nhất của Venezuela) cho kiếm thủ này.
Không đoạt huy chương nhưng nữ kiếm thủ Hàn Quốc Shin A Lam lại trở thành hiện tượng trên các trang mạng xã hội Twitter và Facebook vì nghị lực và tinh thần thể thao. Ở bán kết nội dung kiếm ba cạnh, A Lam thua tức tưởi trước đối thủ người Đức Britta Heidermann do đồng hồ điện tử bị “chết” hai giây cuối. Dù khóc nức nở vì uất ức trên sàn đấu hơn 1 giờ đồng hồ nhưng sau đó cô vẫn chấp nhận tranh HCĐ và thất bại trước Sun Yujie (Trung Quốc) vì tâm lý ức chế. Sau đó, A Lam xuất sắc giúp Hàn Quốc đoạt HCB đồng đội nữ.
Hàng trăm nghìn lượt bình luận trên mạng xã hội Twitter và Facebook bày tỏ ngưỡng mộ đối với A Lam. Cô bất ngờ trở thành biểu tượng của thể thao và góp phần đưa môn đấu kiếm đến gần hơn với người Hàn Quốc. Sau đó, Liên đoàn Đấu kiếm thế giới đã xin lỗi A Lam và đền cho cô chiếc “huy chương đặc biệt”.
Đó còn là những tấm gương nỗ lực thi đấu của: VĐV điền kinh người Mỹ Manteo Mitchell khi cố hoàn tất phần chạy ở vòng loại 4x400m nam dù chân đã bị gãy. Hay nữ VĐV 24 tuổi người Ethiopia Tiki Gelana nén đau đoạt HCV marathon sau hai lần bị té. Rồi VĐV thể dục dụng cụ Hàn Quốc Yang Hak Seon đem 90.000 USD tiền thưởng HCV giúp người nghèo...
Olympic 2012 còn có sự đóng góp của nhiều VĐV bị khiếm khuyết trên cơ thể. Đó là Oscar Pistorious (Nam Phi) dù không giành được chiếc huy chương nào nhưng được xem là biểu tượng của tinh thần thể thao, tấm gương vượt qua khó khăn. Nữ VĐV bóng bàn một tay Natalia Partyka (Ba Lan) luôn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của người hâm mộ. Dù phải dừng bước ở vòng 3 đơn nữ nhưng trong mắt họ Partyka vẫn xứng đáng nhận một HCV.
Nụ cười Douglas Ở môn thể dục dụng cụ, nhà vô địch toàn năng nữ Gabby Douglas cũng gây được ấn tượng. VĐV 16 tuổi này là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đăng quang tại một kỳ Olympic. Theo thống kê của Hãng truyền hình NBC (Mỹ), Douglas là người được quan tâm nhất tại Olympic 2012. Cụ thể, những tài liệu, thông tin về Douglas trên website của NBC đã có hơn 18 triệu lượt người đăng nhập, vượt xa người thứ hai là ngôi sao bơi lội người Mỹ Michael Phelps với khoảng 7 triệu lượt người xem. Điều Douglas gây sốt cho người hâm mộ chính là nụ cười rạng rỡ - điều Olympic muốn hướng đến cho con người được lan tỏa trên các sóng truyền hình Mỹ. Các chuyên gia kinh tế ước đoán 2 HCV (toàn năng nữ và đồng đội) cùng nụ cười này sẽ mang về cho Douglas không dưới 10 triệu USD trong bốn năm tới để giúp cô trang trải hết nợ nần cho mẹ (mẹ của Douglas phải tuyên bố phá sản và đang mắc nợ gần 100.000 USD). |
TẤN PHÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận