Phóng to |
Nhà văn hóa làng Vân Thê (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) được gia cố để chịu được gió bão từ năm 2005 đến nay - Ảnh: T.Lộc |
Đó là ngôi nhà thích nghi vùng bão do Tổ chức Hội thảo phát triển Pháp - Development Workshop France (DWF) giúp người dân miền Trung từ năm 1999 đến nay.
An toàn trong bão
Căn nhà xây “bờ lô” (loại vật liệu xây dựng phổ biến ở địa phương) lợp ngói móc của ông Đỗ Đầu ở làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) xây dựng năm 1972, bị tốc mái qua nhiều trận bão. Năm 1999 căn nhà đã được gia cố các thiết bị để chống bão. Ở phần mái, gia cố thêm các thanh thép giằng giữa nhà với thanh kèo, giữa kèo với đòn tay và giữa đòn tay với rui. Phía trên mái xây thêm những đường gờ bêtông theo chiều nghiêng của mái để giữ chặt ngói. Phần gỗ của mái hiên cũng được giằng tương tự, bên trên tấm lợp có thêm thanh sắt dài chạy suốt chiều ngang của mái... “Chỉ thêm ít ximăng, sắt thép nhưng mái nhà trở nên chắc chắn. Trải qua mấy trận bão lớn rồi mà không hề hấn chi” - ông Đầu cho biết.
Nhà ông Trần Hữu Quang ở phường Thủy Xuân, TP Huế được DWF hỗ trợ vốn và xây mới theo thiết kế nhà thích nghi bão từ năm 2007, đến nay vẫn rất chắc chắn trước các trận gió bão, dông lốc. Tại phường Thủy Xuân, DWF đã hỗ trợ xây mới 20 nhà và công trình công cộng cùng với 100 nhà được gia cố từ năm 1999 đều rất bền và sử dụng tốt cho đến nay. Ông Đồng Sỹ Toàn, chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, nhận xét: “Những ngôi nhà này rất hiệu quả vì kinh phí thấp và chịu được bão”.
Ông Lê Văn Đậu, trưởng bộ phận truyền thông của DWF, cho biết để làm ngôi nhà chịu được bão chỉ tốn thêm một khoản chi phí bằng 1-3% giá trị ngôi nhà bình thường. Cũng theo ông Đậu, giá thành hiện nay của ngôi nhà này, loại nhà trệt cấp 4 khoảng 2,5-3 triệu đồng/m2, nếu lợp ngói thì đắt hơn lợp tôn khoảng 5%. Một ngôi nhà với diện tích 40m2, chi phí tối đa là 120 triệu đồng.
Tiếc là chưa có nhiều
Từ năm 1999 đến nay, DWF đã hỗ trợ người dân ở miền Trung và miền Nam xây mới gần 3.000 ngôi nhà, khoảng 500 công trình công cộng vừa và nhỏ cùng khoảng 8.000 nhà dân được gia cố. Tổng kinh phí mỗi năm từ 300.000-400.000 USD, do Cộng đồng châu Âu tài trợ. Chương trình triển khai nhiều nhất tại Thừa Thiên - Huế với 500 ngôi nhà xây mới. Ngoài ra còn triển khai ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (nhà chống lũ).
Ông Nguyễn Đại Viên, phó giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, cho biết sở đã tham gia thực hiện dự án nhà thích nghi bão cùng DWF. Dự án có hai phần: phần “cứng” là đầu tư xây mới và sửa chữa, gia cố nhà mẫu. Phần “mềm” là thực hiện tuyên truyền bằng cách phân phát tờ gấp và tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp, kỹ thuật tại cộng đồng với sự tham gia của cán bộ địa phương, thợ xây và người dân... Ông Viên cũng cho rằng mô hình nhà thích nghi bão của DWF rất hiệu quả, ở địa phương có triển khai mô hình này người dân cũng tham khảo và làm theo, tuy nhiên mô hình vẫn chưa được áp dụng phổ biến đối với người dân vùng bão. Ông Đồng Sỹ Toàn cũng bày tỏ: “Chỉ tiếc rằng người dân áp dụng mô hình này chưa được phổ biến lắm, có lẽ do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả”.
Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết tại huyện Điện Bàn cũng có một số nhà do DWF xây dựng rất hiệu quả nhưng chỉ tiếc là số lượng chưa nhiều. “Chính quyền địa phương sẵn sàng chi một ít vốn đối ứng, cùng với đầu tư của người dân và tài trợ từ DWF chắc chắn sẽ có căn nhà kiên cố. Tôi nghĩ Chính phủ cũng nên xem xét đầu tư chương trình mục tiêu trực tiếp cho người dân theo cách này, chắc chắn người dân các vùng thiên tai sẽ được hưởng lợi và an toàn hơn trong bão lũ” - ông Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận