05/11/2009 22:35 GMT+7

Những ngôi làng tái sinh sau "đại hồng thủy 1999"

M.T.
M.T.

TTO - Ngay sau khi cơn “đại hồng thủy 1999” vừa dứt, mặt đất còn ngổn ngang đau thương, tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã kịp đến thăm những ngôi làng bị quét sạch trong lũ dữ.

Những ngôi làng tái sinh sau "đại hồng thủy 1999"

TTO - Ngay sau khi cơn “đại hồng thủy 1999” vừa dứt, mặt đất còn ngổn ngang đau thương, tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã kịp đến thăm những ngôi làng bị quét sạch trong lũ dữ.

>> Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy>> Kỳ 2: Cuộc giải thoát 57 học sinh>> Kỳ 3: Hòa Duân bãi bể nương dâu>> Kỳ 4: Quyết định sinh tử>> Kỳ 5: Không cứu họ thì mình sống với ai!

Tổng bí thư chia sẻ với lãnh đạo Bộ Quốc phòng: “Tôi nghĩ sắp tới phải làm lại ngay những ngôi làng bị vỡ. Tết sắp đến rồi. Dân phải có nhà. Phải tụ tập họ về với nhau, chúc tết nhau đêm giao thừa. Có thể làm một cái bia tưởng niệm ở chỗ đã xảy ra mất người, mất của. Việc này giao cho quân đội là được hơn cả”.

Tâm tình của tổng bí thư cũng là một mệnh lệnh đến với trái tim người lính. Quân khu 4 đảm trách tái lập làng Hòa Duân (Thừa Thiên - Huế), Quân khu 5 lo tái lập làng Phương Trung ở Đại Lộc (Quảng Nam).

ImageView.aspx?ThumbnailID=372830
Nửa tháng sau lụt, Chính phủ đã triệu tập hội nghị tại Huế để bàn chuyện khắc phục hậu quả lũ lụt và tái thiết miền Trung. Từ trái qua: phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, tổng bí thư Lê Khả Phiêu và thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh: Minh Tự

10 năm trước, trong cảnh tan hoang sau cơn lụt, ông Nguyễn Xuân Lý, lúc đó là phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng phải 10 năm nữa mới khắc phục xong hậu quả, phục hồi nền kinh tế. Nhưng cuộc tái thiết đã diễn ra nhanh hơn suy nghĩ của nhiều người lúc đó.

Chỉ một tháng sau, những đống đổ nát, bùn non ngập như núi trên các đường phố đã được dọn sạch. Những cánh đồng bị bồi lấp cũng đã được nạo vét và vụ đông xuân vẫn diễn ra đúng thời vụ. Công trình lớn thì Nhà nước lo khôi phục, các tổ chức từ thiện - xã hội góp sức lo các công trình phúc lợi, nhà riêng thì dân tự lo.

Ba tháng sau, người dân miền Trung vẫn đón Tết Canh Thìn và chào thiên niên kỷ mới trong không khí đầm ấm. Chưa đầy năm tháng sau (tháng 4-2000), Festival Huế lần đầu tiên vẫn khai mạc đúng như kịch bản, du khách đến Huế ngạc nhiên vì không còn thấy dấu vết đổ nát. “Đó chính là sự hồi sinh bằng chính sức sống trường tồn của người dân, từ bao đời nay vẫn vậy” – 10 năm sau, ông Nguyễn Văn Mễ, chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế, chiêm nghiệm.

M.T.

Tâm tình làng Rồng

Đêm giao thừa năm 2000, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp. Có một đoạn phóng sự rất cảm động khi những người dân của ngôi làng Hòa Duân bị lũ xé thành cửa bể cách đó ba tháng nay đã dọn vào những ngôi nhà mới để kịp đón tết.

Ngôi làng mới ấy tọa lạc tại thôn An Hải, thị trấn Thuận An. Có 64 căn hộ được xây thành bốn dãy nhà nằm quay mặt vào nhau qua hai tuyến phố. Nếu trong lũ lụt, lực lượng quân đội đã vào cuộc chiến cứu dân như thế nào thì sau khi lũ rút họ lại nhận nhiệm vụ tái thiết cuộc sống mới cho dân với tốc độ khẩn trương như thế. Trong vòng chỉ hơn một tháng, khu tái định cư cho người dân Hòa Duân đã hình thành. Những ngôi nhà tuy chưa rộng lớn gì nhưng với những người dân chỉ còn hai bàn tay trắng trong những ngày đó còn hơn một giấc mơ như câu tục ngữ ân tình của người Việt "Một miếng khi đói hơn một gói khi no". Cái tết đầu tiên ở làng mới ấy - năm 2000 Canh Thìn - năm Rồng, tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã đặt tên làng Rồng để người dân nhớ mãi năm tái sinh này.

Anh Trần Văn Thu, nhân vật mang nỗi đau cả gia đình bị trôi hết 12 người mà chúng tôi nhắc trong bài viết trước, đã nhận một căn hộ như thế. Ngày ấy, nhận ngôi nhà chỉ 24m2 nhưng với anh sao rộng đến mênh mông. Nấu mâm cơm cúng giao thừa nhưng không biết đặt thế nào cho đủ trê bàn thờ đã đầy 12 bát hương. Giờ thì ngôi nhà vẫn thế, nhưng vợ chồng anh đã chắt chiu đóng được cái nền nhà bằng gạch men, nâng cao nền để tránh lụt, cơi nới thêm ở phần đất phía sau.

Như hàng chục thanh niên, trung niên của ngôi làng mới, có chỗ ở rồi nhưng cũng cần lo công ăn việc làm mưu sinh. Nếu trước đây ở làng cũ có thuyền có lưới thì nay vào đây xa bãi, xa phá nên không ai sắm thuyền, tất cả lại kéo nhau “đi bạn”. Người vợ sau của anh Thu buôn bán lặt vặt ở bãi biển đã được bồi lại nơi làng cũ, nhưng cũng chỉ được mùa hè, mùa đông cả hai vợ chồng đều chưa nghĩ ra điều gì sinh kế.

Chúng tôi đi một vòng quanh làng, ghé vào nhiều ngôi nhà thấy chung tình cảnh ấy: chồng “đi bạn”, vợ bán bánh, khô mực cho khách tắm biển, đón cá từ thuyền rồi mua đi bán lại… Mười năm, trong 64 căn hộ năm nào nay có hai căn đã xây lên lầu, có điều theo như dân của làng Rồng đó là nhờ có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền về hỗ trợ. Cuộc sống của những người dân làng Rồng vẫn chưa bứt phá được.

Anh Võ Hạnh, ở ngay căn hộ đầu tiên của làng, làm tổ trưởng. Khi chúng tôi ghé thăm nhà đã kể rất nhiều về câu chuyện của 10 năm trước. Chúng tôi nhớ mãi lời của anh Hạnh: "Đúng là cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn thật, nhưng nếu 10 năm trước không có quân đội, không có tấm lòng của người dân cả nước thì không biết chúng tôi sẽ ra sao, xiêu tán phương nào. Giờ có được ngày hai bữa đã mừng, cái ơn ấy tôi luôn nhắc mình phải trả. Tôi có mấy đứa con trai cũng sắp vào tuổi đi bộ đội. Tôi muốn cả ba thằng con trai của mình gia nhập quân đội, không chỉ là nghĩa vụ mà còn là đáp đền ân nghĩa với đất nước đã cưu mang gia đình tôi từ 10 năm trước. Cho đến giờ đây cả nhà tui vẫn sống với căn nhà mà Nhà nước, quân đội làm cho từ buổi ấy”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372831
Làng Rồng - nơi định cư mới của bà con Hòa Duân - được Quân khu 4 xây dựng ngay sau lụt 1999 - Ảnh: Thái Lộc
ImageView.aspx?ThumbnailID=372832
Những công dân trẻ của làng mới Phương Trung (Đại Lộc, Quảng Nam) - Ảnh: Đăng Nam

Làng mới Phương Trung

Đã 10 năm chẵn, giờ đây đứng bên triền sông Vu Gia nhìn lên phía núi của xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam), người đi đường có thể dễ dàng nhận ra ngay ngôi làng mới Phương Trung với nhấp nhô ngói mới. Chưa xanh um, mượt mà như làng Phương Trung cũ của 10 năm trước, thế nhưng làng mới Phương Trung bây giờ tiếng ê a học bài của trẻ nhỏ vang khắp đầu làng cuối xóm. Đâu đâu cũng thấy lũ trẻ tíu tít nô đùa. Ngôi làng mới ra đời sau trận lũ kinh hoàng của 10 năm trước này đang tái sinh từng ngày.

Hai con đường bêtông dẫn vào làng đã rêu cũ, ngay chiếc cổng chào có gắn hàng chữ “Làng mới Phương Trung” - ngôi làng đã lấy rất nhiều nước mắt của bạn đọc và người xem truyền hình cả nước sẻ chia. Ngồi bên hiên nhà, bà Mười (62 tuổi) bắt đầu câu chuyện: “10 năm rồi. Tên làng Phương Trung vẫn nguyên, chỉ có cuộc sống thay đổi nhiều lắm rồi”. Cứ nghĩ câu chuyện mà bà Mười sẽ kể tiếp là cảnh chạy lũ, cảnh đói run chân sau nhiều ngày chưa có miếng ăn bỏ miệng, hay cảnh cả làng hồi hộp ngồi chờ hàng cứu trợ về…. Nhưng không phải vậy. Câu chuyện mà bà Mười muốn khoe với mợi người là chuyện thằng Thịnh (Trịnh Văn Thịnh) con ông Trịnh Hưng ở đầu xóm mới vào đại học. Một mẩu chuyện nhỏ nhưng đã khiến cả làng này vui sướng và hãnh diện vô cùng.

“Từ ngày chuyển về đây, con cháu trong làng xem ra học hành tiến thấy rõ. Bọn trẻ bây giờ ham học hơn ham đi theo đuôi trâu, bò hồi ở làng cũ”, cách diễn đạt rặt nông dân của bà Mười khiến nhiều người cười ồ. Quả đúng như lời bà Mười, ngay hôm chúng tôi trở lại làng mới Phương Trung, hình ảnh dễ bắt gặp nhất trên con đường bêtông nối làng 1 với làng 2 Phương Trung là cảnh học sinh í ớ gọi nhau đi học. Cảnh những đứa trẻ vắt vẻo trên yên xe đạp mải mê đến trường cho thấy cuộc sống nơi vùng đất mới này bình yên kỳ lạ.

Ngồi bên ấm trà nóng được đặt trên bộ salon tươm tất, anh Phạm Tấn Lợi, thôn trưởng thôn Phương Trung mới, bảo: “Ngày dời làng lên đây lập nghiệp, không ai nghĩ rằng cuộc sống của mình rồi sẽ được như bây giờ cả. Hồi ấy nhà nào khá giả nhất trong làng khi lên đây cũng chỉ mang theo được bộ sườn nhà cũ là nhất rồi, còn hầu hết là hai bàn tay trắng”. Theo anh Lợi, trận lũ đó ập đến ngay trong đêm khiến 330 hộ dân trong làng phải chạy lũ trong tâm trạng rối bời tơi tả. Vậy nên tài sản mang theo chỉ là vài bộ quần áo trong người.

Bà Mười nhớ lại: “Đêm đó bộ đội  đưa phà tới đầu ngõ gấp rút chuyển dân đi. Người già, trẻ em được ưu tiên đi trước. Chạy lũ rầm rập cả đêm, sáng ra đứng trên cao nhìn xuống thì hỡi ôi làng cũ không còn nhìn thấy đâu nữa. Biết bao nhiêu nhà cửa, mồ mả cha ông chìm sâu trong nước…”. Nói đến đó đôi mắt bà Mười bỗng đỏ hoe. Ngay sau khi lũ rút, chính quyền địa phương đã quyết định di dời toàn bộ làng Phương Trung lên cao để tránh hậu quả về sau. Vả lại làng cũ cũng đã bị xói lở quá nhiều. Từ đó người làng Phương Trung mang trong mình tâm trạng “một cảnh hai quê”.

“Mấy năm đầu cuộc sống của bà con nhiều vất vả lắm, cứ một hai đòi trở lại làng cũ dựng nhà, canh tác làm ăn. Nhưng bây giờ khác rồi, cuộc sống đã đổi thay. Vả lại mưa lũ triền miên cũng khiến bà con ngán ngẩm. Bây giờ ở làng mới chỉ việc chăm chú làm ăn mà không phải giật mình mỗi khi nghe đài thông báo lũ nữa” - anh Lợi tâm sự. Nói rồi anh Lợi vui mừng thông báo: bây giờ số nhà xây trong làng đã chiếm hơn 80%, số hộ nghèo đói giảm đến 50% so với thời ở làng cũ. Đặc biệt trong làng hiện có hơn 20 em đang học đại học, cao đẳng, riêng số học sinh đang theo học các trường cấp 2 và cấp 3 đến hơn 100 em. Trong thôn giờ đây có đủ trường mẫu giáo, khu cơ quan thôn, nhà thờ tộc họ, đài tưởng niệm người có công với nước…

LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM

M.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên