...............................................
Vào thời điểm này, tôi đang đang làm một công việc nghề nghiệp là đọc lại tất cả những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và những tài liệu liên quan đến nhân vật lịch sử này để mong có thêm một cách tiếp cận mới.
Có một tờ báo chấp nhận hàng ngày sẽ đăng một mục ghi chép lại "ngày này năm ấy" Chủ tịch Hồ Chí Minh làm gì, nói gì, viết gì. Đó cũng là một cách ôn lại những hiểu biết về hành trạng và phần nào tư tưởng của một con người đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế kỷ XX vừa đi qua và đương nhiên nó đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng một cách sâu sắc vào đời sống phát triển lâu dài của đất nước.
Mỗi ngày trong 365 ngày của một năm và suốt dọc thời gian của "79 mùa Xuân" được chép lại theo trình tự thời gian có thể mang lại một mối liên tưởng và cảm nhận nào đó về một con người từ một niềm khao khát bình dị là lòng yêu nước đến việc hình thành một lý tưởng và sự phấn đấu để biến niềm khát khao và lý tưởng ấy thành sự thật.
![]() |
17g40 ngày 7-5-1954, lá cờ chiến thắng đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Hình ảnh này mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc VN |
Thử chép ra đây những gì liên quan đến ngày 7.5, thời điểm mà có một năm trong 79 mùa Xuân ấy chính là ngày "Chiến thắng Điện Biên Phủ" lịch sử và những ngày 7.5 khác trước và sau sự kiện ấy.
Cách ngày mà chúng ta chiến thắng đạo quân xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ 33 năm, tức là ngày 7.5.1921, Nguyễn Ái Quốc lúc đó mới gia nhập Đảng Cộng sản Pháp chưa đầy 1 năm, đã viết trên tờ báo "La Vie Ouvrière" (Đời sống công nhân) bài "Quyền những người lính chiến" để lên án cuộc chiến tranh đế quốc và vạch rõ bản chất của cái mà chính quyền thực dân gọi là "quyền của những người lính chiến chỉ là quyền tự do giết hại đồng loại để bảo vệ những két bạc kếch sù của giai cấp tư sản đã được tạo ra bằng mồ hôi của giai cấp công nhân và chứa đầy máu của binh lính Pháp và binh lính bản xứ. Đó cũng là quyền tự do tàn sát nhân dân các nước thuộc địa để mang lại lợi nhuận cao nhất cho bọn tư bản".
Chính từ sự phân tích ấy mà nhà cách mạng Việt Nam ấy đã thực hiện được cái điều mà viên mật thám Pháp chứng kiến sự kiện Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Tour (12-1920) đã tiên đoán "phải chăng người đại biểu thanh niên da vàng mảnh khảnh kia sẽ trở thành người cắm cây thập ác trên nấm mồ quyền lợi của chúng ta ở các thuộc địa".
Cái dự cảm ấy đã trở thành hiện thực với cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, sự ra đời của nước Việt Nam độc lập và sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc trong cương vị và danh xưng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cái hiện thực ấy còn phải trải qua một chặng đường gian khổ bởi một cuộc chiến tranh trường kỳ, đầy gian khổ hy sinh chống lại sự ngoan cố chưa muốn từ bỏ các quyền lợi thuộc địa của chủ nghĩa thực dân...
Trước Chiến thắng Điện Biên Phủ 5 năm, ngày 7.5.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Hội nghị Trung ương mở rộng để chuẩn bị cho những bước phát triển mới của cuộc kháng chiến sau khi đã vượt qua những ngày đầu khi đạo quân chính quy của Pháp vừa thắng trận ở Châu Âu mở cuộc chiến tranh tổng lực mong bóp chết nhà nước và quân đội Việt Nam độc lập còn non trẻ. Đó cũng là thời điểm các lực lượng kháng chiến chuẩn bị cho những chiến dịch phản công diễn ra chỉ một năm sau đó giải phóng toàn bộ biên giới phía Bắc.
Chính trong buổi tối hôm đó, dưới tán lá rừng của Chiến khu Việt Bắc, Chính phủ tổ chức một sự kiện có ý nghĩa. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại : "Đêm nay làm lễ chúc thọ anh Tôn Đức Thắng, Hồ Chủ tịch nhân dịp này tặng cho anh Thắng một tên mới: "Tôn Tất Thắng". Chúng mình mỗi người hoặc nói chuyện vui hoặc ngâm thơ, hoặc hát để chúc mừng anh Thắng. Buổi lễ đơn sơ nhưng vui và cảm động". Đặt tên cho người đồng chí Nam Bộ của mình là "Tất Thắng", Bác Hồ gửi gắm vào đó cái niềm tin tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến trường kỳ đi đến cái ngày 7.5.1954.
Ngay sau khi nhận được tin chiến thắng từ mặt trận gửi về, Bác viết một bức thư tới những chiến sĩ ngoài mặt trận khen ngợi nhưng xác định rõ: "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Thắng lợi tuy to lớn nhưng mới bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch... Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao sau này đều phải tranh đấu trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn".
Cũng từ đó, vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ mỗi năm lại là một dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cả ý nghĩ to lớn và trách nhiệm nặng nề để có thể đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 7.5.1958, Bác viết bài "Điện Biên Phủ" đăng trên báo "Nhân Dân" trong đó khẳng định : "Ba chữ "Điện Biên Phủ" đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam ta lừng lẫy khắp năm châu... Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị nhân dân một nước thuộc địa đánh cho tan tành tả tơi, và phải cút về nước".
Ngày 7.5.1959, Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Sơn La và gặp gỡ đồng bào Thuận Châu động viên: "Đồng bào Khu Tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to lớn hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều đựơc no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui".
Sang thăm đồng bào ở Châu Yên, vị Chủ tịch Nước nhắc nhở : "Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá nhiều... Đồng bào có nên giữ gìn rừng không? Phải gìn giữ cho tốt 5 năm, 10 năm nữa rừng là vàng, là bạc, là máy móc... Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã là đầy tớ của nhân dân. Cán bộ không phải là vua, là quan lại như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo cho đời sông nhân dân".
Ngày 7.5.1963. Bác viết bài báo "Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ" (ký bút danh T.L) đăng trên báo "Nhân Dân" nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này: "Nhân dân ta có thể tự hào là người đầu tiên đã đập tan lực lượng hùng mạnh và uy tín giả tạo của bọn thực dân và do đó mà thúc đẩy các dân tộc thuộc địa anh em vùng lên giành tự do độc lập". Bài viết cũng cảnh báo rằng đế quốc Mỹ đang đi theo vết xe cũ và sẽ chịu thất bại nhục nhã như thực dân Pháp..
Ngày 7.5.1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng "chấn động địa cầu", Bác viết vào Sổ cảm tưởng của Bảo tàng Điện Biên Phủ: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới".
Còn trong bài báo "Nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ" (với bút danh Chiến Sĩ) đăng trên báo "Nhân Dân", Bác viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn...
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược".
Cũng vào ngày hôm ấy, nhân trả lời phỏng vấn của Truyền hình Pháp (RTF), Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nói về mình: "Trước đây tôi hoạt động cách mạng, bây giờ tôi vẫn hoạt động cách mạng và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tăng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và giữ gìn hoà bình lâu dài trên thế giới"... và ngày 7.5.1967, Bác gửi thư "khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Thủ đô Hà Nội" liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ và căn dặn : "chớ vì thắng lợi mà chủ quan thoả mãn. Hãy luôn luôn nâng cao cảnh giác, chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, làm tốt công tác phòng không nhân dân, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa để xứng đáng là Thủ đô Anh hùng".
Bức thư này làm chúng ta nhớ lại lá thư Bác gửi cho các chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa để rồi Hà Nội cùng cả nước làm nên một "Điện Biên Phủ trên không tháng Chạp 1972", rồi cả nước làm nên một "Mùa Xuân đại thắng 1975"... Lá thư 55 năm trước Bác nhắc nhở : "Thăng lợi tuy to lớn nhưng mới chỉ là bước đầu" và mọi cái "đều phải tranh đấu trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận