27/07/2021 10:48 GMT+7

Những mảnh nhọn của Phan Thúy Hà

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Vài năm nay, từ thôi thúc nội tâm dẫn đến lựa chọn của số phận, Phan Thúy Hà bỗng trở thành một người ghi chép và kể chuyện chiến tranh.

Những mảnh nhọn của Phan Thúy Hà - Ảnh 1.

Sách của Phan Thúy Hà

Việc ra mắt cuốn sách thứ năm, Những trích đoạn của các anh, vào đúng tháng 7 - mùa vọng này chứng minh cho lựa chọn ấy.

Đúng là "những trích đoạn", 12 câu chuyện được ghi lại là những lát cắt rất mỏng, những mảnh rất vụn của cuộc chiến tranh, được kể lại bởi những người lính có tuổi tên nhưng lại hầu như vô danh trong suốt cuộc chiến, vô danh cả khi về với cuộc đời. Chỉ ký ức của họ là rõ nét.

Giấu hoàn toàn những xúc cảm mãnh liệt của bản thân qua những câu chữ ghi chép chừng như cố ý ngắn gọn, khô lạnh, tiết chế hết mức để hình thành một tác phẩm phi hư cấu, chiến tranh hiện ra qua ngòi bút Phan Thúy Hà thật lạ lùng.

Không có ý chí, quyết tâm, lý tưởng, không có hận thù, không có chiến công, từng lát cắt của cuộc chiến hiện ra mồn một với cú giật súng bỏng rát, với lệnh tiến công giữa mù mịt khói lửa không nhìn thấy đích phía trước, với những công sự mỗi đêm nhích mấy mét, với máu, với bùn, với những tiểu đội, đại đội mỗi đêm hao hụt phần lớn quân số, với người lính lên trận địa lòng còn luyến tiếc bữa cơm chưa no...

Những ký ức như thế không mấy khi được nhắc đến. Đã mấy mươi năm những mảnh vụn ấy chìm khuất trong ý nghĩa lớn lao của cuộc chiến, trong những chiến tích oanh liệt, và nếu có được kể thì đó chỉ như là những chông gai, thử thách đương nhiên phải gặp, phải vượt qua trên chiến trường.

Chưa bao giờ những mảnh vụn ấy được khắc họa đến sắc, đến nhọn, đến cứa vào người đọc như trang sách của Hà.

"Một xanh cỏ, hai đỏ ngực", bộ đội ngày ấy thường tếu táo động viên nhau, nhưng những người lính ở đây thì kể về những đồng đội đã phải tan biến, không có mộ để xanh cỏ, không còn tên tuổi, không còn đơn vị để ghi công.

Thì ra đã bao năm rồi, chiến tranh vẫn day dứt, ám ảnh với người tưởng như may mắn được trở về như vậy. Thì ra lịch sử vẫn cần được soi chiếu qua những mảnh nhọn của những cuộc đời vô danh như vậy.

Và những mảnh vụn tương đối êm ả mà họ giữ gìn lại là những câu chuyện về người lính phía bên kia, phía đối phương mà nòng súng hướng về.

Là ánh mắt thảng thốt bất chợt khi cò súng đã siết, là lá thư còn trong balô chưa kịp gửi với mong ước được về nhà yên ổn làm ăn, là câu chuyện kỳ lạ khi một sĩ quan cộng hòa tìm mọi cách che chở cho một tù binh Việt cộng trong nhiều năm, qua nhiều nhà tù, trại giam...

Chiến tranh lại vẫn có những khoảng lặng giúp cho người nhận ra nhau, thương yêu nhau như vậy.

"Việt Nam không cần một cuộc chiến tranh nào nữa" - một độc giả của Phan Thúy Hà đã viết sau khi đọc. "Và nhất là cuộc chiến tranh trong lòng người", gấp sách lại tôi nghĩ như vậy. Ấy là vì Hà đã kết sách bằng câu chuyện của ngày 30-4-1975, khi đã qua 11h30, đã chiều, đã đêm rồi mà ở một nơi nào đó hòa bình vẫn chưa về.

284 trang sách, tác giả không hề xuất hiện, nhưng người đọc sẽ nhận ra sự hiện diện của cô, bàn tay gõ chữ của cô, tư duy, tình cảm của cô. Vì đây là "những trích đoạn".

Tuy là ghi chép thuần túy và giản dị kiệm lời, tuy là phi hư cấu nhưng lựa chọn trích đoạn nào để đưa đến độc giả thì chính là Phan Thúy Hà.

Hà lại hẹn độc giả với "Những trích đoạn của các cô" đang được lên trang.

Ngành sách mong được Ngành sách mong được 'hà hơi'

TTO - Các nhà xuất bản, công ty sách chia sẻ tình trạng ảm đạm kinh doanh sách trong gần 2 năm qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay. Tuy vậy, đây cũng là lúc ngành sách đang tìm cách làm mới mình để vượt qua giai đoạn khó khăn, chuẩn bị trở lại.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên