18/05/2012 06:14 GMT+7

Những mầm non vượt khó

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Lần đầu 300 bạn nhỏ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi hoặc đang được nuôi dạy tại các mái ấm, nhà mở của TP.HCM sẽ hội ngộ trong liên hoan do Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức.

Liên hoan có chủ đề “Hoa thơm dâng Bác”, diễn ra vào hai ngày 19 và 20-5. Có thể nói mỗi bạn nhỏ góp mặt trong liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi tại TP.HCM là một tấm gương với những nỗ lực vượt bậc để luôn tiến về phía trước.

WM6QQO8v.jpgPhóng to
Hai bà cháu Nguyễn Thị Ngọc Như - Ảnh: Q.Linh

Những chuyến vượt dốc

Tuyên dương nỗ lực vượt khó

Ngoài việc được tuyên dương, khen thưởng, các bạn nhỏ sẽ được tham quan đảo khỉ, chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ), xem phim 3D miễn phí... Thành ủy TP.HCM tặng mỗi em 1 triệu đồng, một số đơn vị hỗ trợ quà tặng, kinh phí tổ chức liên hoan.

Căn phòng nhỏ chưa đến chục mét vuông, hai bà cháu Nguyễn Thị Ngọc Như (Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.6) phải thu vén khéo lắm mới có thể làm chỗ ngủ, góc học tập và kiêm luôn bếp. Hơn chục năm ở nhà thuê, bà nội cũng là mẹ, là cha từ lúc cha mẹ Như chia tay khi cô bé mới lên 2 tuổi. Cũng từng ấy năm, bà nội đã quen thuộc với gánh rau để bà cháu có thể tồn tại qua ngày.

“Ngày nào tui cũng đi làm từ 19g tới sáng hôm sau mới về, nên nhiều khi bà đi làm thì cháu chưa học về, sáng bà về thì cháu đã vô trường học” - bà Nguyễn Thị Chử, bà nội Như, kể.

Cũng may có mấy vị phụ huynh tốt bụng cho bé Như quá giang mỗi khi đi học nên bà cũng yên tâm. “Ngồi xe buýt, nghĩ tới con bé thui thủi một mình giữa đêm khuya mà rớt nước mắt, nhưng cũng may vì còn buôn bán được để lo cho cháu”, bà Chử nghẹn giọng...

Cha mất khi Đỗ Thị Như (Trường THCS Bình Tân, Q.Bình Tân) mới lên 2, lên 10 tuổi thì mẹ cũng ra đi sau cơn bệnh nặng. Rời quê Sóc Trăng, cô bé theo anh chị hai lên trọ học tại Sài Gòn đến nay. Anh Thanh Trúc - anh rể Như - bộc bạch: “Phải cho em cái chữ để mai mốt em tự lo, chứ mình đâu thể lo cho em mãi được”. Để bớt chi phí, Như không đăng ký học bán trú mà về nhà ăn trưa rồi lại đạp xe vào trường học ca chiều.

Sinh ra đã không có hai cánh tay, đến tuổi đi học Vũ Minh Hùng (Trường tiểu học Mỹ Thủy, Q.2) nằm ra nhà, quặp bút vào chân tập viết lên tường. “Em không nhớ phải tập bao lâu, nhưng từ từ cũng viết được thành chữ”, Hùng nhớ lại. Giờ thì chân trái có thể làm được mọi việc từ đánh răng rửa mặt cho đến viết bài, cắt dán thủ công và cả... chơi game trên máy tính, điện thoại.

Ông Vũ Xuân Lý - cha Hùng, một bộ đội phục viên - kể: “Hình hài cháu như thế nhưng được cái cháu khỏe mạnh, tự tập làm nhiều thứ nên gia đình cùng phụ vào, rồi động viên cháu”.

F7eAOXeO.jpgPhóng to

Vũ Minh Hùng đang viết chữ - Ảnh: Q.Linh

Nhìn về ngày mai

Ngọc Như học giỏi, lúc nào cũng có tên trong danh sách học sinh giỏi của lớp, lại còn mấy giải thưởng vở sạch chữ đẹp của trường, quận nên dù vất vả mấy bà nội cũng thấy được an ủi. “Em thích học toán, lớn lên muốn làm kế toán, có tiền nuôi bà nội”, cô bé lớp 4 hồn nhiên nói về ước mơ của mình.

Hỏi Hùng lớn lên muốn làm gì, không đắn đo cậu bé nói muốn làm thầy giáo tin học. Hùng lý giải: “Em mê máy tính, thấy có thể làm được rất nhiều thứ với máy tính”. Chuyện thiếu đôi tay đã chẳng còn là điều cần quan tâm nữa với Hùng, vì cậu đã có đôi chân thay thế và cả một cái đầu láu lỉnh, tinh nghịch nữa.

“Mình muốn làm cô giáo đi dạy học cho trẻ vùng sâu vùng xa, những bạn từng chịu cảnh mồ côi như mình”, Đỗ Thị Như bộc bạch. Ngoài giờ đến trường, niềm vui của cô bé lớp 7 là phụ việc nhà giúp chị, chơi với cháu và tự học, thỉnh thoảng mượn máy tính của anh hai lên mạng tra cứu thông tin, chuẩn bị bài vở.

Bác Hồ trong ánh nhìn trẻ thơ

Hơn sáu tháng qua đã có trên 8.500 thiếu nhi tham gia (với khoảng 53.000 lượt sách đọc) hội thi tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện sách với chủ đề “Bác Hồ - Người cho em tất cả” (do UBND Q.1, TP.HCM tổ chức). Hình ảnh Bác Hồ với những thói quen giản dị, mộc mạc, hết sức gần gũi, đời thường đã in sâu trong từng quyển nhật ký của hội thi.

Lai Nhã Uyên, học sinh lớp 6/5 Trường THCS Nguyễn Du, cảm nhận về Bác trong quyển nhật ký của mình: “Trong mỗi bữa ăn, thức ăn của Bác chỉ gói gọn những món dân dã quen thuộc như cà muối, dưa ghém...Tư trang của Bác cũng chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo”.

Còn với cô bé Lai Nhã An, lớp 5/3 Trường tiểu học Kết Đoàn, hình ảnh Bác hiện ra trong câu chuyện “Bữa cơm gia đình”. “Bác không quan trọng một bữa cơm cao lương mỹ vị mà chỉ cần một bữa cơm ấm cúng đầy đủ mọi người, giản dị mà vui vẻ” - Nhã An chia sẻ.

Một Bác Hồ luôn cẩn thận với mọi việc - dù chỉ là một việc nhỏ - và bài học có lỗi phải biết xin lỗi là hình ảnh mà Văn Phụng Thiên Nga, lớp 7A3 Trường THCS Trần Đại Nghĩa, cảm nhận được từ mẩu chuyện “Dù chỉ là một dấu phẩy” trong quyển sách Cùng Người ta học (NXB Thời Đại 2010). Em viết trong một bài báo Bác Hồ có lần thiếu sót một dấu phẩy, ngay sau bài báo đó Bác đã có lời xin lỗi nhân dân vì cái dấu phẩy bỏ quên đó.

Trong 18 cuốn nhật ký đọc sách của thiếu nhi ở P.Cầu Kho (Q.1, TP.HCM), trang đầu tiên mỗi quyển nhật ký đều ghi “Năm điều Bác Hồ dạy”. Với các em thì Năm điều Bác Hồ dạy như là một “bộ luật” mà các em luôn phải tuân thủ áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của mình.

Nguyễn Thị Thùy Trang (đội trưởng đội Kim Đồng ở phường Cầu Kho) nói: “Các thành viên trong đội phải biết giữ gìn vệ sinh nơi nhà mình ở, khu phố; không được quậy phá, trộm cắp... Khi phát hiện kẻ xấu phải báo ngay cho bảo vệ dân phố”. Chị Lê Thị Hà (bảo vệ dân phố P.Cầu Kho, Q.1, người quản lý đội Kim Đồng) cho biết phần lớn thành viên đội Kim Đồng đã nghỉ học, có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dễ vướng vào các tệ nạn xã hội, vì vậy chị luôn hướng các em học tập theo tấm gương Bác Hồ “như một cách “níu” các em lại với cuộc sống lương thiện”.

Hội thi kết thúc, những quyển nhật ký đọc sách sẽ được gửi lại cho các em, và những bạn nhỏ này sẽ viết tiếp những cảm nhận của mình về Bác như một cách để rèn luyện đạo đức, hạnh kiểm của mình qua từng ngày...

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên