Phóng to |
GS Huỳnh Như Phương đặt chất vấn quanh cuốn tiểu thuyết của Trần Dần - Ảnh: V.Q. |
Với chủ đề khá rộng và quy tụ khá đông diễn giả từ Bắc vào Nam (với gần 100 tham luận), nên hội thảo chia làm ba tiểu ban (ở ba phòng khác nhau) và phân nhỏ chủ đề thêm một lần nữa (tiểu ban 1 với chủ đề Những lằn ranh thể loại, tiểu ban 2 với chủ đề Những lằn ranh văn hóa và liên ngành, tiểu ban 3 với chủ đề Những lằn ranh văn học sử và liên văn bản).
Việc chia hội thảo thành nhiều khu khác nhau gây khó khăn cho những ai muốn nghe toàn bộ tham luận cũng như tranh luận. Tuy nhiên, chịu khó di chuyển và xem tập kỷ yếu phát kèm theo hội thảo (dày 1.062 trang), có thể thấy tinh thần của hội thảo là nêu ra những lằn ranh văn học (thế nào là lằn ranh văn học?) và mô tả sự xâm lấn lằn ranh đó (thể hiện ở kỹ thuật viết, tư tưởng...).
Sự xâm lấn, vượt lằn ranh, tạo nên những giá trị nghệ thuật có thể xuất phát từ ý thức nghệ thuật, cũng có khi được hình thành do hoàn cảnh sống. Không hẹn mà gặp, nhiều tác giả có tham luận về cuốn tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần. Đó là tham luận của GS Nguyễn Thành Thi, GS Phạm Thị Phương, chất vấn của GS Huỳnh Như Phương, ý kiến của nhà phê bình - dịch giả Phạm Xuân Nguyên... Xóa mọi dấu vết bề mặt, đảo lộn tuyến tính thời gian, xen kẽ nhiều giọng điệu... là những lời khen tặng dành cho cuốn tiểu thuyết mà nhà thơ Trần Dần viết từ năm 1966. Nhưng có hay không sự “thỏa hiệp” của Trần Dần khi xử lý những chương cuối tiểu thuyết? Ông Phạm Xuân Nguyên xác nhận có sự thỏa hiệp đó, nhưng việc mổ xẻ sâu về ý thức vượt lằn ranh của nhà văn một lần nữa bị bỏ ngỏ.
Nhiều tham luận giá trị về mặt lý thuyết văn chương của GS Phùng Văn Tửu, GS Trần Đình Sử, GS Đoàn Trọng Huy, ThS Phan Tuấn Anh, ThS Hoàng Thị Xuân Vinh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Dũng... cũng được chia sẻ tại hội thảo.
Đây có lẽ là một hội thảo hiếm hoi khi từng tham luận được trình bày (không phải đọc từ đầu đến cuối theo văn bản có sẵn) và sau mỗi tham luận đều có phần tranh luận, hồi đáp của diễn giả. Tất nhiên, sự tranh luận không thể đi đến tận cùng, nhưng tinh thần làm việc như thế mang lại không khí thoải mái và gặt hái được nhiều điều bổ ích.
Như thế nào là lằn ranh? Ai đã vượt qua được lằn ranh? Đấy là điều hội thảo xới lên, rất đáng suy nghĩ. Tiếc là hội thảo hầu như vắng bóng các nhà văn. Một dịp tốt để thử soi rọi mình đã “vượt qua lằn ranh” hay chưa đã bị bỏ qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận