12/08/2013 00:00 GMT+7

Những kình ngư tuổi 90

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Không có nhiều người tin ở tuổi 90, cụ Vương Thanh Nhàn lại có thể hoàn tất đường đua 50m với thời gian 1 phút 6 giây ở cuộc thi bơi dành cho người cao tuổi lần thứ 17 của TP.HCM diễn ra ngày 10-8.

Dẫu là một cuộc thi dành riêng cho những người cao tuổi nhưng việc xuất hiện một kình ngư thuộc hàng U-100 như cụ Vương Thanh Nhàn thật sự là chuyện hiếm của giải đấu.

92 tuổi vẫn bơi khỏe

Ấy vậy mà cụ Thanh Nhàn thậm chí còn chưa phải là VĐV cao tuổi nhất, khi một “lão kình ngư” khác của cuộc thi, cụ Trần Lê Đăng năm nay đã 92 tuổi. Đều đã ngoài 90 tuổi, cụ Thanh Nhàn và cụ Lê Đăng là hai VĐV quen thuộc nhất của giải đấu được phối hợp tổ chức hằng năm bởi Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM và các trung tâm TDTT quận huyện.

Những người cao tuổi muốn đi tìm sự khuây khỏa lúc về già có thể nghe câu chuyện của cụ Trần Lê Đăng như một tấm gương điển hình. Nghỉ hưu từ khá sớm ở độ tuổi ngoài 50, cuộc sống của cụ ngày càng trở nên buồn tẻ hơn khi cách đây hơn 20 năm, người vợ của cụ qua đời. Người thân nhất mất đi, con cái cũng suốt ngày bận rộn chẳng mấy khi gặp mặt, cụ Lê Đăng tìm đến thể thao như một thú vui khuây khỏa nỗi lòng. Ban đầu cụ thường chơi cầu lông nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, môn thể thao này khá nguy hiểm với một người lớn tuổi nên cụ tìm đến môn bơi lội. Chỉ biết bơi võ vẽ nhờ thời gian làm ở xưởng đóng tàu thời còn trẻ, cụ Lê Đăng bắt đầu một việc mà hiếm ai nghĩ tới: học bơi ở tuổi 71.

Nhờ sự chỉ dẫn của bạn bè tại hồ bơi Cung văn hóa Lao động, chỉ một thời gian ngắn cụ Lê Đăng đã rành rẽ tất cả các kiểu bơi, kể cả loại hình tốn nhiều sức lực như bơi bướm. Từ đó, khi các cuộc thi bơi lội dành cho người cao tuổi xuất hiện tại TP.HCM, mỗi năm cụ Lê Đăng tham gia đều đặn.

Cụ chia sẻ: “Tôi thường bơi ngửa theo lời khuyên của bác sĩ, bên cạnh đó là bơi sải và bơi ếch. Để hỗ trợ khả năng hô hấp khi bơi, tôi còn theo tập các bài tập dưỡng sinh và yoga”. Được biết, mỗi tuần cụ Lê Đăng đi bơi khoảng 2-3 lần, mỗi lần như vậy cụ bơi được khoảng 300m. Cụ nói thêm, chính nhờ việc thường xuyên đi bơi và tham dự các cuộc đua mà cụ vẫn duy trì được sự yêu đời đến tận độ tuổi này, khi mọi hoạt động của cụ ngày càng “hồi xuân”. Ít ai biết một cụ ông đã ngoài 90 tuổi, con cháu đầy đàn như cụ Lê Đăng vẫn ngày ngày đi bộ đến hồ bơi, đăng ký tham gia các giải đấu một mình mà chẳng cần bất kỳ người thân nào trong gia đình giúp đỡ.

Hốt hoảng khi chứng kiến lão ông bơi quá sung!

Một cách chuyên nghiệp hơn, cụ Vương Thanh Nhàn lại là một kiện tướng có hạng tại các cuộc thi bơi cao tuổi tầm cỡ toàn quốc cách đây nhiều năm khi từng giành đến 2 HCV thời điểm mới “U-80”. Sau này, khi đã “giải nghệ”, cụ Thanh Nhàn vẫn giữ thói quen đi bơi đều đặn mỗi ngày ở hồ bơi của Trung tâm TDTT quận 4, mỗi lần cụ đều bơi đến cả cây số. Có lần, một nhân viên cứu hộ ở hồ bơi hốt hoảng khi chứng kiến kình ngư lão làng này bơi quá... sung, từ đó theo lời khuyên của các nhân viên trong hồ, cụ Nhàn giảm đường bơi của mình từ 1.000m còn 500m mỗi ngày.

Theo ông Chung Tấn Phong - tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM, không giống như suy nghĩ của nhiều người, bơi lội thật sự không chỉ dành riêng cho người trẻ tuổi. Mọi người đều có thể tập bơi, kể cả ở tuổi về già như trường hợp của cụ Trần Lê Đăng. Với sự lành mạnh mà đường đua xanh góp phần mang lại, cả cụ Thanh Nhàn và cụ Lê Đăng đều không mắc bất kỳ một chứng bệnh nan y nào ở tuổi ngoài 90.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên