12/04/2018 11:55 GMT+7

Những kiểu làm nhà, kinh doanh 'đùa với lửa' ở Sài Gòn

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Nhà trọ xây kín đất, câu mắc dây điện chằng chịt, lối đi chật hẹp, cơ sở sản xuất đỏ lửa ngay bên kho gỗ... là thực trạng đáng báo động về nguy cơ xảy ra cháy tại TP.HCM.

Những kiểu làm nhà, kinh doanh đùa với lửa ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Lò nấu rượu kiểu "đùa với lửa" trong khu dân cư tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN ĐÀO

Khu nhà trọ trên đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B (Q.9, TP.HCM) gần 80 phòng xây liền kề nhau. Đường ra vào các dãy trọ rộng chưa tới 1,5m và thường xuyên bị thu hẹp bởi người ở trọ dựng xe máy ngay lối đi.

Những khu nhà trọ "3 không"

Cả khu nhà trọ nói trên không có hồ chứa nước chữa cháy, không có bình dập lửa, không có bảng tiêu lệnh chữa cháy... Đường dây điện nối vào các phòng trọ lắp đặt rất sơ sài, được mắc phía trên cao khoảng 3m so với mặt đất, nằm xen lẫn dây cáp mạng chằng chịt. Các phòng trọ rộng khoảng 15m2, chất đầy đồ đạc với trần làm bằng nhựa. 

Ông N.H.A., một người thuê trọ, cho biết cách đây mấy năm, có một vụ chập điện làm cháy bảng điện rồi lan sang đồ đạc xung quanh khiến cả khu nhà trọ một phen hoảng hốt. May mà mọi người xúm lại dập tắt được. Sau điều tra ra mới biết khách trọ dùng cầu chì tự chế gây chập nổ.

Bà Cao Đoàn Ngọc Thủy - chủ tịch UBND P.Phước Long B (Q.9) - cho biết nhiều chủ trọ tận dụng diện tích để xây dựng nên khu phòng trọ không đúng chuẩn, không có hồ nước chữa cháy. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các chủ nhà trọ đối phó cho qua.

Nhiều khu nhà trọ ở Q.Gò Vấp cũng trong tình trạng "3 không". Một nhà trọ tại hẻm 343 Thống Nhất (P.11, Q.Gò Vấp), nơi đã xảy ra cháy cách đây hai năm làm 3 người bị thương, nhưng nay vẫn thiếu các thiết bị PCCC cần thiết. 

Xung quanh khu trọ kín mít, chỉ duy nhất một lối đi thông ra bên ngoài cũng thường xuyên khóa lại để tránh trộm. Nhiều người thuê trọ ở Q.Gò Vấp thú nhận họ không biết sử dụng bình xịt chữa cháy, mặt nạ chống độc...

Dãy nhà trọ trên đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh) hình chữ L. Khu này có khoảng 10 phòng với vài chục người ở. Diện tích phòng khá hẹp, giữa các phòng không có khoảng trống, laphông đóng bằng gỗ. Trên lầu, lối đi rất hẹp chỉ vừa một người đi. 

Đa số người thuê trọ tại đây đều nấu ăn trong nhà, quần áo được treo phơi trên đầu, nhiều vật dụng dễ cháy như giấy, chai nhựa... được chất đống sát mép tường. Đặc biệt, cả khu trọ chỉ có 2 bình chữa cháy mất nhãn, gỉ sét, cũ kỹ đặt tại đầu dãy nhà, không có bể chứa nước chữa cháy...

Những kiểu làm nhà, kinh doanh đùa với lửa ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Công nhân dựng khung sắt để hàn phát ra lửa ngay dưới dây điện tại Q.7 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN ĐÀO

Hiểm họa cháy nổ rình rập khu dân cư

Đường Nguyễn Thị Thập, Lâm Văn Bền, các hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát... thuộc P.Bình Thuận (Q.7) có hệ thống dây điện, dây cáp chằng chịt khắp khu dân cư. Dây điện chằng chéo nằm sát mái các căn nhà lụp xụp, lợp tôn, tường ngăn ván ép. Dưới đất, hàng quán thản nhiên nấu nướng bằng lò than cùng với tiệm hàn gió đá phát ra lửa. 

Trên đường Lâm Văn Bền giữa trưa, một cơ sở kinh doanh đồ ăn đỏ lửa, khói bay mù mịt, đặt cạnh bên là chiếc quạt thổi gió, trong khi hệ thống dây điện chằng chịt sà phía trên. Tương tự, trên đường Nguyễn Thị Thập, nhiều công nhân dựng những khung sắt cao gần chạm hệ thống dây điện chằng chịt phía trên để hàn sắt, phát ra lửa và khói um tùm.

Ông Nguyễn Đức Trí, chủ tịch UBND P.Bình Thuận (Q.7), xác nhận hiện trên địa bàn phường tồn tại nhiều hẻm nhỏ có hệ thống dây điện chằng chịt. Ông Trí cũng cho biết phường đã phối hợp với đơn vị PCCC liên hệ với các đơn vị liên quan để tổng rà soát nguy cơ cháy nổ trên địa bàn, kiểm tra độ võng của các loại dây trong các khu dân cư dễ xảy ra cháy. Đồng thời tổ chức tuyên truyền về PCCC cho các khu dân cư có khả năng cháy nổ cao...

Tại Q.Gò Vấp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở tập kết ve chai hoạt động trong khu dân cư nhưng lại xem nhẹ việc phòng cháy. Khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư là các đường Dương Quảng Hàm, Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Nguyễn Văn Lượng... Phía trong nhiều cơ sở sản xuất này chất đầy vật liệu dễ cháy như gỗ, đệm mút, nhựa...

Trên đường 27, P.6 (Q.Gò Vấp) gần vào buổi trưa, một cơ sở sản xuất rượu vẫn đỏ lửa cháy rực để chiết xuất rượu, bên cạnh lò lửa đang cháy là một kho chất đầy gỗ khô. Mặc dù lửa đang cháy trong lò, nhưng một khoảng thời gian dài phía trong cơ sở này lại không có người trực, trong khi xung quanh đó tập trung đông nhà dân.

Bên trong cơ sở này còn chất đầy vật liệu dễ cháy như chai nhựa, bìa cactông và một kho đầy gỗ, nhưng chỉ có một bình chữa cháy được treo sát trên mái nhà.

Hơn sáu, bảy năm nay chúng tôi vẫn đốt lửa nấu rượu như vậy nhưng có thấy cháy đâu...

Một công nhân của lò nấu rượu trên đường 27, P.6, Q.Gò Vấp

Trên đường Nguyễn Văn Lượng, một khu tập kết ve chai với quy mô lớn, nơi này đã từng xảy ra cháy, nhưng việc phòng cháy rất sơ sài.

Ông Phan Đình An, chủ tịch UBND P.6 (Q.Gò Vấp), cho rằng do hầu hết các vựa buôn bán ve chai, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường nằm xen cài trong khu dân cư nên việc kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, ông An cho biết phường cũng kiểm tra thường xuyên và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức PCCC, chuyển đổi ngành nghề. "UBND phường cũng phối hợp với cảnh sát PCCC kiểm tra các cơ sở sản xuất và xử lý rất nghiêm các vi phạm" - ông An nói.

Khu dân cư 2 lần cháy

Khu vực chợ Gà, chợ Gạo thuộc chợ Cầu Ông Lãnh trước đây (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1) có địa hình nhỏ hẹp, phức tạp. Nhà cửa tại đây san sát nhau, dây điện chằng chịt.

Các ô chợ ở đây thông nhau như bàn cờ, lòng hẻm rộng chưa đầy 1m, các kiôt diện tích khoảng 4-6m2, người dân sinh sống đông nên khi xảy ra cháy các lực lượng chức năng khó tiếp cận.

Vào năm 1999, khu chợ này xảy ra cháy một lần, sau đó người dân đã xây dựng lại nhà cửa ở khu chợ Gạo kiên cố hơn, nhưng khu chợ Gà vẫn còn xập xệ, tạm bợ.

Đến cuối năm 2015, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu vực chợ Gà khiến 8 căn nhà cháy trụi, 5 căn cháy xém. Sau vụ cháy này, Q.1 trang bị cho người dân tại đây hai khu vực để bình chữa cháy tại chỗ và lên kế hoạch lắp hệ thống máy bơm nước, nhưng địa hình quá chật hẹp nên không thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Phú, phó chủ tịch UBND P.Cầu Ông Lãnh, cho biết phường đã liên hệ với công ty điện lực để ngầm hóa lưới điện khu vực này nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ. Hiện phường đang chờ ngành điện trả lời về việc này.

LÊ PHAN

Người nước ngoài phòng ngừa cháy nổ ở chung cư ra sao? Người nước ngoài phòng ngừa cháy nổ ở chung cư ra sao?

TTO - Câu nói quen thuộc “phòng cháy hơn chữa cháy” của Việt Nam đúng với bất kỳ quốc gia nào. Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 người chết, nhiều người nước ngoài chia sẻ thực tế về phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở nước họ.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên