03/10/2015 08:31 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM: những kết quả ấn tượng

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY (maihuong@tuoitre.com.vn)
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY (maihuong@tuoitre.com.vn)

TT - Đó là đánh giá của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi tổng kết năm năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015.

“Tỉ phú tôm” Phạm Duy Khánh bên ao tôm thu nhập 500-600 triệu đồng/ha/năm - Ảnh: Vũ Thủy

 Buổi tổng kết do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 2-10.

Năm năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện 19 tiêu chí đã tạo nên sự thay da đổi thịt ở cả năm huyện ngoại thành của TP là Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh và Nhà Bè, kéo gần khoảng cách giữa khu vực ngoại thành và nội thành.

Trước ngày TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết, dạo một vòng quanh mấy huyện ngoại thành, chúng tôi chứng kiến những đổi thay nhanh chóng về đời sống của người dân nơi đây.

“Phải lấy hiệu quả tiêu thụ nông sản là thước đo kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ. Sao cho chất lượng nông sản TP cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Trường đẹp vùng ven

Nhà cách trường mười mấy cây số, em Trần Thành Trọng - học sinh lớp 9.7 Trường THCS Bình Khánh (xã Bình Khánh, H.Cần Giờ) - thường đi học vào lúc 6g sáng. Ăn cơm sáng xong, Trọng xách cặp ra vệ đường chờ xe buýt.

Những chiếc xe buýt trường bon bon khắp các con đường trải nhựa đón từng em lên xe. Trọng học hai buổi sáng, chiều, xe buýt đưa đi đón về hai lượt.

Em Trần Thanh Phương (lớp 9.6) nhà còn xa hơn em Trọng nhiều nhưng ngồi xe buýt miết nên cũng chẳng để ý là đường xa hơn các bạn, chỉ biết 5g sáng là xe buýt đã đến đón đi học.

Năm nay, Trọng và Phương được học ở trường mới, thay cho ngôi trường cũ xập xệ nằm ngay trên con đường Rừng Sác.

Ngôi trường có vốn đầu tư hơn 80 tỉ đồng với những dãy nhà hai tầng phủ sơn tươi mới, phòng học nào cũng bàn mới, ghế mới với nhà vệ sinh sạch sẽ. Trường còn có một dãy phòng để học thực hành: phòng thí nghiệm hóa, lý, sinh và cả phòng công nghệ.

Cô Hồ Thị Như Mai - hiệu trưởng Trường THCS Bình Khánh - cho biết trường rộng 16.000m2, với 34 lớp học, gần 1.400 học sinh và được xây dựng rất kiên cố.

Học sinh ở trường còn có cả một “thư viện thông minh” trang bị máy tính bàn và cả máy tính xách tay. Đặc biệt là những chiếc ghế nệm êm ái dọc theo những kệ đầy sách khiến các em mê mẩn.

Vào đầu năm học mới, hơn 1.100 học sinh tại xã Nhị Bình (H.Hóc Môn) cũng được học trong một ngôi trường cả trăm tỉ đồng còn thơm mùi sơn - Trường tiểu học Võ Văn Thặng.

Ngôi trường rộng 10.000m2 với bốn khu “nhìn như trường quốc tế” này có thiết kế hiện đại, cổng vào đỏ rực rỡ, những khối phòng học, phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị.

Cô Lương Thị Hồng - hiệu trưởng nhà trường - kể trước đây trường chỉ có vỏn vẹn hơn 10 phòng học nằm rải rác ở ba phân hiệu, mỗi nơi lèo tèo vài ba phòng học, tất cả các phòng chức năng khác như thư viện, thiết bị đều dồn cả vào một phòng.

Giờ thì các em có ba phòng vi tính, phòng media với 108 máy tính, có cả thư viện.

“Ở đây đa số là con em gia đình lao động nghèo, không biết máy tính như thế nào. Giờ thì thầy cô có thể mở các lớp vi tính cho các em rồi” - cô Hồng vui mừng chia sẻ.

Những tỉ phú nông dân

Phần trình bày tham luận tại hội nghị tổng kết của bà chủ “vườn lan huyền thoại” Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ngụ H.Củ Chi) khiến nhiều người chú ý khi được biết đến nay vườn lan của chị mỗi tuần cho thu hoạch 80.000 cành, doanh thu hằng năm xấp xỉ 5 tỉ đồng.

Trừ các khoản chi phí, trả lương cho nhân công, lợi nhuận thu được trên 2 tỉ đồng. Từ 4.000 gốc lan thí điểm ban đầu, vượt qua nhiều khó khăn, được sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND H.Củ Chi, chị Huyền mạnh dạn phá bỏ 5ha cao su để lập trang trại trồng lan.

Không chỉ dừng lại ở chuyện trồng và bán lan, chị Huyền còn phát triển trang trại thành điểm dừng chân, tham quan du lịch và mở thêm các lớp hướng nghiệp cho các em học sinh cấp II-III.

Cũng như chị Huyền, nhiều người dân ở các huyện ngoại thành đã mạnh dạn thử những cách làm ăn mới và trở thành những tỉ phú thu nhập hằng tháng tính bằng trăm triệu.

Anh Võ Văn Dũng (47 tuổi, ngụ H.Cần Giờ) đang trông coi hai nhà yến - mỗi tháng cho thu hoạch 8-10kg với giá bán 25 triệu đồng/kg, mỗi năm thu về trên dưới 3 tỉ đồng.

Anh kể rằng khi xã có đề án thí điểm nuôi chim yến, anh đã tham gia ngay mô hình mới mẻ này. “Tính đến nay đã làm được hơn sáu năm. Hai năm đầu thu ít nhưng dần dần yến đẻ trứng, gây đàn thì nay nguồn thu đã ổn định” - anh chia sẻ.

Theo tìm hiểu, hiện nay xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ có hơn 120 nhà yến với khoảng 60 căn đã cho thu hoạch với giá trị khoảng 57 tỉ đồng/tháng.

Ngoài “tỉ phú chim yến”, Cần Giờ còn có “tỉ phú tôm” với thu nhập cũng vài trăm triệu/tháng.

Anh Phạm Duy Khánh (ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn) chỉ mới 34 tuổi nhưng đã có thâm niên nhiều năm nuôi tôm và “sống khỏe” nhờ biết kết hợp cả kỹ thuật nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm để làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh giúp tôm có năng suất cao.

Không hạ chuẩn để lấy thành tích

Phát biểu tại buổi tổng kết, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá việc xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM “đã đạt được những kết quả rất ấn tượng”.

Ấn tượng đó không chỉ đến từ các con số, các tiêu chí đạt được mà còn ở sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân.

“Trong điều kiện nguồn lực của trung ương rất hạn hẹp, TP.HCM đã huy động hiệu quả các nguồn lực. Tổng kinh phí huy động trên 41.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách chi 1 đồng thì huy động được gần 4 đồng. Đặc biệt có những lúc ngân sách chi 1 đồng thì huy động được đến 33 đồng từ tín dụng, người dân và doanh nghiệp” - Phó thủ tướng dẫn chứng.

Thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu TP.HCM tiếp tục theo hướng phát triển đô thị hiện đại, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên 1ha và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng ít nhất gấp 2 lần so với cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, ông Ninh cũng cho biết sắp tới trung ương sẽ xem xét lại bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo hướng sẽ không hạ chuẩn cho dễ đạt được để lấy thành tích mà bổ sung các hướng dẫn chi tiết hơn để thực hiện cho phù hợp với đặc thù từng địa phương .

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ đạo 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới của TP.HCM không được dừng lại ở việc giữ vững mà phải nỗ lực tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, sớm xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng cụ thể từng tiêu chí, lấy ý kiến nhân dân, góp ý của các cơ quan chuyên ngành để đề xuất tỉ lệ tăng trưởng bắt buộc với một số tiêu chí.

Ông Hải cũng yêu cầu UBND TP nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các chính sách, ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển đồng bộ hạ tầng nông thôn, chú trọng hệ thống giao thông, mạng lưới cấp nước sạch, trường học, cơ sở y tế, văn hóa.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất giống mới, hỗ trợ giải quyết “đầu vào, đầu ra” cho nông sản. Ngoài ra, thực hiện tốt chuỗi liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan nhà nước.

* Về giao thông: TP.HCM đã duy tu, nâng cấp, làm mới gần 1.200km đường giao thông nông thôn.

* Điện: 99,75% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ lưới điện quốc gia.

* Trường học: trên địa bàn 56 xã xây dựng nông thôn mới có 263 trường học các cấp, trong đó có 158 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất.

* Chợ: trên địa bàn 5 huyện ngoại thành có 56 chợ, 8 siêu thị, 91 cửa hàng tiện ích, bình ổn thị trường chủ yếu xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

* Y tế: xây mới và nâng cấp sửa chữa 35 trạm y tế đạt chuẩn.

Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn: 15,72 triệu đồng/người/năm, đạt 55% so với khu vực thành thị (năm 2008) tăng lên 39,72 triệu đồng/người/năm, đạt 78,7% so với khu vực thành thị (năm 2014).

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY (maihuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên