20/05/2009 07:27 GMT+7

Những hang đá trên con đường huyền thoại - Kỳ cuối: Đất hồi sinh

LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM
LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM

TT - Dừng chân ở A Lưới, chúng tôi tìm đến một “tọa độ lửa” trên đường Trường Sơn hầu như chưa được mấy ai nhắc đến: hang Va. Nằm trên đường Trường Sơn, phía dưới là tổng kho 61 (kho quân nhu lớn nhất của bộ đội Trường Sơn tại mặt trận Trị Thiên), núi A Túc (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) có một địa thế khá hiểm trở với nhiều hang động như hang Va, động Tiên Công...

o1hkFpVn.jpgPhóng to

Người dân dùng một tảng đá trong hang Va làm nơi thắp hương nhân dịp lễ tết - Ảnh: Đ.Nam

Đứng trên ngọn đồi chỉ vài cây cỏ dại lúp xúp cao không quá đầu người của ngọn núi A Túc, ông Lê Văn Sinh (dân tộc Pacô) vốn là giao liên của binh trạm 7, đoàn 559 nhớ lại: “Hồi đó khu vực này toàn rừng già, cây rất lớn, vì thế từ những năm đầu 1960, nhiều thế hệ bộ đội Trường Sơn đã chọn địa điểm này làm nơi tập kết, giao quân và trú ẩn. Nhưng rộng và thoáng mát nhất là hang Va, có thể đủ chỗ cho hai con voi vận tải vào trú ẩn an toàn”.

Nén hương ấm linh hồn

Trước sự tấn công quá bất ngờ của quân giải phóng vào thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân 1968, quân đội Mỹ đã quay lại ráo riết truy lùng, cuối cùng đối phương cũng đã tìm ra được hậu cứ của những trận đánh xuống đồng bằng của quân giải phóng. Đầu tháng 2-1968, quân đội Mỹ quyết định điều động pháo đài bay ném bom rải thảm với mục tiêu “làm cỏ” toàn bộ vùng hậu cứ A Lưới vốn là căn cứ địa cách mạng của khu ủy Trị - Thiên. Cứ ba giờ một lần, B52 lại quay vòng thay nhau oanh tạc với những loại bom hạng nặng như bom khoan, bom tấn, khiến cả một vùng núi rừng nơi đây bị cày xới, biến dạng. Và trong một lần rải thảm ấy, hang Va thuộc núi A Túc đã trúng bom khoan.

“Lúc ấy trong hang có cả thảy chín anh em, toàn bộ là người Quảng Bình thuộc biên chế của C3, đoàn 559” - ông Lê Thành Đùng (còn gọi Cu Đung), vốn là xã đội trưởng xã Hồng Kim vào năm 1968, đồng thời cũng là nhân chứng của vụ việc, nhớ lại. Ngay sau khi ngớt tiếng máy bay, ông Đùng cùng một số dân quân du kích địa phương tìm đường lên hang Va, nhưng toàn bộ đường dẫn vào hang đều bị đất đá bịt kín. Mãi đến khi tìm thấy thì cả chín anh em của C3 đã hi sinh. “Tất cả họ hi sinh đều do bị chấn động mạnh bởi bom khoan”, ông Đùng nói trong xót xa. Một năm sau ngày quê hương giải phóng, năm 1976, chính tay ông Đùng đã đưa chín liệt sĩ của C3 về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau mấy chục năm bị lãng quên, giờ đây con đường dẫn lên hang Va đã bị chìm trong lau lách. Ông Hiền (người Pacô, sống tại thôn Đụt 5, xã Hồng Kim) cho biết mấy năm trước một số người dân trong quá trình rà tìm phế liệu chiến tranh đã tìm thấy một số vật dụng sinh hoạt của bộ đội như xoong, chảo, võng nằm sâu bên trong hang Va cùng nhiều cục pin khô dùng cho thông tin liên lạc, tất cả đều đã mục nát. Trong số các hộ dân sống quanh khu vực hang Va, ông Lê Văn Sinh có lẽ là người thường xuyên lui tới với di tích hang Va nhất.

Ông Sinh nói: “Ngày tết, lễ mà không có lấy một nén hương ấm linh hồn nơi hốc núi này thì tội nghiệp cho họ quá. Vậy nên năm nào đến dịp tết, lễ hay ngày 27-7 tôi đều lên cửa hang này thắp hương”. Một chiếc bàn thờ nhỏ được kê trên vài phiến đá nằm cạnh cửa hang đã trở thành nơi thắp hương tưởng nhớ chín người lính Trường Sơn suốt 40 năm qua. “Tôi chỉ mong người ta quan tâm chút ít để con đường đi lên với di tích hang Va này được tiện lợi hơn. Cũng là hi sinh vì nước nhưng sao nơi đây lại bị lãng quên”, ông Sinh ngậm ngùi.

NX9XKQVu.jpgPhóng to
Đoàn cựu binh Hà Nội trở lại chiến trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn tại cầu treo Đăk Rông nối Quảng Trị với A Lưới của Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Đ.Nam

Khi thấu hiểu ngọn nguồn sự hi sinh

Đã hơn 40 năm trôi qua, động hang Va hay ngọn núi A Túc giờ đây cây cỏ cũng đã xanh tươi hơn. Từ cửa miệng hang Va nhìn xuống cả một góc bản làng của đồng bào Pacô, Tà Ôi bám men theo tuyến đường Trường Sơn năm xưa đẹp như bức tranh vẽ.

Để minh chứng cho sự hồi sinh của A Lưới sau bao nhiêu năm tháng chiến tranh, ông Sinh dẫn chúng tôi đi ngược vào thăm khu du lịch sinh thái A Nô, nơi có ba cụm thác nối nhau đẹp mê hồn. Thác A Nô cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 2km về phía bắc và cách đường Hồ Chí Minh qua xã Hồng Kim chừng 1,5km, với ba thác nước liền nhau chảy thẳng đứng như những bức rèm nước lộng lẫy. Chân thác là những hồ nước nhỏ trong veo in bóng mây trời bên một rừng cây nguyên sinh với nhiều loại hoa rừng độc đáo.

Trước lối vào khu sinh thái thác A Nô là một bản làng được quy hoạch tươm tất như một hình mẫu lý tưởng cho những bản làng trên tuyến đường Hồ Chí Minh hôm nay. Vẫn những ngôi nhà sàn theo kiểu truyền thống nhưng kiên cố và vững chãi hơn nhờ những vật liệu mới. Ngôi làng này mang tên Việt Tiến do Công ty may Việt Tiến tài trợ với mục đích khôi phục tại đây một làng nghề dệt zèng - một loại vải truyền thống của người Tà Ôi với hoa văn họa tiết rất độc đáo thu hút du khách quốc tế.

Đi dọc dài đường Hồ Chí Minh đâu chỉ một hang Va, một bản làng ở Hồng Kim, một thác A Nô ở A Lưới. Hôm theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi từ ngã tư Trạ Ang qua đỉnh U Bò mây phủ, những thảm rừng nhiệt đới ủ sương trắng hay đi qua đèo Sa Mù ở Cù Bai - Hướng Lập... thấy những cảnh sắc mê hồn, những sông suối thiên nhiên tươi đẹp, những chứng tích của một thời ra trận hào hùng oanh liệt, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh những thị trấn nghỉ dưỡng trên tuyến đường này. Không chỉ là tuyến giao thông chiến lược của miền tây đất nước, làm sao để đường Hồ Chí Minh trở thành con đường du lịch, con đường nối kết truyền thống hôm qua thành bài học lịch sử cho hôm nay!

Chúng tôi tâm niệm rằng với lòng tri ân vô bờ bến xương máu cha anh đã đổ xuống cho hòa bình thống nhất đất nước, khi thấu hiểu ngọn nguồn sự hi sinh ấy hẳn cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn vì mỗi ngày được sống là một ngày ta thấm thía lòng biết ơn với quá khứ.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Lèn Hà bi trángKỳ 2: Người “mở đường máu”Kỳ 3: Hang Tám Cô và con đường tuổi 20Kỳ 4: Giọt máu Trường SơnKỳ 5: “Gùi” xe tăng vào trận

LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên