01/07/2005 00:53 GMT+7

Những "đốm sáng" trong đêm...

THI NGÔN - VŨ BÌNH
THI NGÔN - VŨ BÌNH

TT - Ngay trong KCN, bên cạnh những mảng tối u buồn của cuộc đời người thợ, chúng tôi cũng đã thấy những “đốm sáng” tuy nhỏ nhoi nhưng vẫn sáng lung linh trong đêm...

JRKPKwD7.jpgPhóng to

Lớp học Anh văn căn bản dành cho công nhân được mở tại cơ sở ngoại ngữ Dĩ An, thị trấn Dĩ An thu hút đông đảo công nhân KCN Sóng Thần đến học sau giờ tan ca - Ảnh: Vũ Bình

TT - Ngay trong KCN, bên cạnh những mảng tối u buồn của cuộc đời người thợ, chúng tôi cũng đã thấy những “đốm sáng” tuy nhỏ nhoi nhưng vẫn sáng lung linh trong đêm...

Bài toán cho ngày mai...

“Lương hợp đồng khoảng 550.000 - 650.000đ/tháng, nếu tăng ca được 3.000 - 4.000đ/giờ, tăng ca đều đều thì mỗi tháng cũng kiếm được 800.000đ. Thu là vậy; còn chi, nhà trọ hai người một phòng 4-6m2 cũng phải 200.000 - 250.000đ, tiền ăn mỗi ngày 10.000đ là tiết kiệm lắm rồi, tiền điện nước cũng 10.000đ, giặt giũ 10.000đ, vật dụng vệ sinh 10.000đ, quần áo, vá xe 5.000đ, kim chỉ vá đồ 1.000đ nữa... Tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng chi hết 400.000 - 450.000đ, dành 150.000 - 200.000đ để cuối năm gửi về quê cho mẹ, tôi dư ra được khoảng 150.000 - 200.000đ/tháng...” - bài toán chi li của Thuận, quê ở Thanh Hóa, trong khu nhà trọ làm tôi ngậm ngùi.

Nhưng rồi tôi lại thấy bất ngờ khi biết số tiền chưa tới 200.000đ “dư ra” đã được cô gái dùng để đi học vi tính: “Tôi đang theo khóa học vi tính căn bản 160.000đ/khóa (ba tháng), lớp học hầu hết là công nhân như tôi. Ai cũng háo hức lắm, nhưng khi nghe giáo viên nói nếu muốn thi lấy bằng A với các chương trình Windows, Excel, Word... gì đó thì phải đóng tới 400.000đ, đắt quá, nhưng nhiều người bảo muốn chuyển lên làm văn phòng cho đỡ cực thì phải có bằng A Anh văn, A vi tính...”.

Chỉ trên con đường nhỏ của khu phố 6, phường Bình Chiểu đã có 11 cửa hàng Internet. Rải rác trong khu phố Thống Nhất, Nhị Đồng, thị trấn Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Linh Xuân, Linh Trung (Thủ Đức) cũng có đến vài chục điểm mà tối nào cũng ken đầy công nhân, đa phần là nữ. Dịch vụ Internet ở đây “tận thu” nhất vào lúc 18g-24g mỗi ngày, ngoài giờ này thì chỉ lác đác vài sinh viên, thanh niên địa phương rảnh rỗi lên mạng.

18g30, tiệm MT - một trong những tiệm Internet lớn nhất khu Khiết Tâm - đã bắt đầu đông khách. Nhiều bạn trẻ còn để nguyên bộ đồng phục, cổ đeo thẻ công nhân mắt dán lên bàn phím, ngón tay ấn ấn dò từng con chữ, thi thoảng lại cười ré lên thích thú.

“Đa số khách là công nhân làm KCN vào để chat - Tùng, sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật, quản lý của tiệm MT, cho biết - nhưng gần đây họ bắt đầu tìm hiểu nhiều thứ liên quan đến Internet hơn, như những trang web thông tin, học tập, trò chơi, âm nhạc... Các công nhân đang muốn lục tung thế giới số lên đây!”.

Phương Trang, quê Bến Tre, đang truy cập vào trang web của một tờ báo điện tử, Trang nói mà không giấu niềm hãnh diện: “Tôi mới biết mấy vụ này chưa tới hai tháng, không ngờ chỉ vài ngàn đồng mà biết cả thế giới đang xảy ra chuyện gì, tôi đang hướng dẫn bốn cô bạn cùng công ty truy cập vào Internet. Tuần sau tôi và nhóm bạn công ty sẽ đi học đánh máy vi tính, chỉ có 80.000đ, bao ra nghề luôn!”.

Hầu như những lớp ngoại ngữ, vi tính, kế toán vừa mở ra là lập tức đầy ắp học viên công nhân. Để đến được những lớp học như vậy thì phần ăn ở, phần dành dụm gửi về quê nhà của những “học trò áo xanh” giảm đi rất nhiều, nhưng không vì thế mà các lớp học vi tính, Anh văn, học nghề... trong KCN về đêm vắng bóng học trò.

Tại Khiết Tâm và một số trung tâm dạy nghề khu vực lân cận như Quân đoàn 4, Dĩ An... đều đang thăm dò nhu cầu của công nhân và tìm mọi cách mở rộng thêm nhiều ngành nghề khác. Trung tâm Dạy nghề Quân đoàn 4 có lớp kế toán tin học ba tháng. Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Dĩ An thì “xé” chương trình tin học thành nhiều phần nhỏ để “công nhân dễ học và dễ đóng học phí hơn”...

Ngay khu chợ Khiết Tâm, tiệm Internet Ngọc Anh đang tiếp thị một chương trình học hấp dẫn theo nhu cầu và túi tiền của người thợ: “Học chừng nào hiểu hết mới thu học phí, không giới hạn thời gian, không chạy theo chương trình, hôm nay tăng ca thì hôm sau học bù...!”. Học không phải chạy theo mốt để “chát chiếc”, mà nói như Hòa - công ty bên Linh Trung, đang theo chương trình tin học A của Ngọc Anh - thì: “Tôi hi vọng tìm một công việc tốt hơn”.

“Guột i-vơ-ning”, “hao-a-du”, “thanh-kiu tít-chờ” - học viên lớp Anh văn sơ cấp Trung tâm Ngoại ngữ Dĩ An (đặt tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, nằm sát cạnh rìa KCN Sóng Thần 2) đêm nào cũng vang lên những giọng đọc tiếng Anh theo “ngôn ngữ” Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Bến Tre... Ngoài hai lớp tiếng Anh còn có bốn lớp tiếng Hoa.

“Tiếng Anh thì còn có học sinh ở ngoài vào học, chứ tiếng Hoa thì 100% là công nhân tìm đến học” - cô giáo Trúc, phụ trách giảng dạy tại cơ sở này, cho biết. Cơ sở chính đặt tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Dĩ An có số lớp lớn hơn nhiều: tiếng Anh ngày nào cũng có, tiếng Hoa đang chiêu sinh lớp thứ hai - tư - sáu và lớp thứ bảy - chủ nhật dành riêng cho công nhân.

Hiện tiếng Hoa đang “hút hàng” hơn, thi bằng A Anh văn chỉ 450.000đ, còn Hoa văn thì phải đến 600.000đ nhưng lúc nào sĩ số cũng đầy. Nhiều công nhân giải thích: KCN có rất nhiều doanh nghiệp của người Hoa, học tiếng Hoa để dễ tiếp xúc hơn và người biết tiếng Hoa luôn được trọng dụng hơn.

“Trong KCN có doanh nhân nước nào thì ngoài “thành phố thợ” sẽ có lớp dạy tiếng đó” - Tân, công nhân Công ty Tr, đoan chắc như vậy khi cho biết sắp tới Trung tâm Dạy nghề Quân đoàn 4 sẽ mở thêm lớp tiếng Hàn.

“Tìm một con đường để đi xa hơn...”

ĐHDL Lạc Hồng là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình “đưa trường học đến các KCN-KCX”.

Hiện trường đang phối hợp đào tạo hệ trung học chính qui cho hơn 600 công nhân tại nhiều KCN-KCX như Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất, Sóng Thần... 158 người đã tốt nghiệp, “đổi nghề” sang làm nhân viên văn phòng, hành chính cho các công ty, xí nghiệp.

Trường còn đào tạo nhiều ngành nghề cho hơn 3.800 sinh viên là cán bộ công nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp trong KCN-KCX.

Đó là cách nói của mấy cô công nhân vui tính - học viên lớp 2A, 2B trung cấp tài chính kế toán. “Đời công nhân dài lắm cũng chỉ 7-8 năm, giỏi lắm 10-15 năm là cùng. Vào công ty năm 18 tuổi, đến 35 tuổi là hết công ty nào nhận.

Có nhiều công nhân gắn bó với nhà máy mười mấy năm cũng bị sa thải vì mắt mờ, tay yếu không làm được việc bằng đám trẻ đang chờ đầy trước cổng công ty để xin việc. Không có một nghề khác thì sau này khổ lắm !” - Nguyễn Thị Nhung, 21 tuổi, người Thanh Hóa, nói như một người từng trải.

“Ở đâu cũng vậy thôi, người ta mua sức lao động của mình mà. Muốn làm việc lâu dài thì phải tự kiếm cái nghề vững vàng hơn cho mình thôi” - Phạm Thị Tý, sinh năm 1982, người Nghệ An, lý luận như vậy khi đăng ký học lớp kế toán.

Theo chân Huyền, một cô công nhân đã “cứng” tuổi, đến lớp trung cấp duy nhất của KCN Sóng Thần vào một ngày đầu tháng sáu. Không khí học tập ở đây náo nhiệt và nghiêm túc. Học viên đa số là nữ ngồi chật cứng các dãy bàn, tập vở sách bút ngăn nắp, sạch sẽ.

Mới 17g30 mà nhiều học viên đã lục tục kéo đến, tranh thủ ăn miếng bánh mì, trái chuối, củ khoai để vào lớp (lớp học bắt đầu lúc 18g30). Những câu chuyện rôm rả luôn xoay quanh các bài tập về nhà, bài toán, công thức khó nhớ... Trông họ trẻ trung, năng động và tự tin làm sao.

Nguyễn Thị Hồng Long, trẻ nhất, 19 tuổi, quê tận Hà Tĩnh, vào KCN mới một năm, vui vẻ nói: “Tôi đã tốt nghiệp THPT nhưng gia đình nghèo quá, phải theo chị vào đây đi làm công nhân để kiếm tiền mà tự học. Tiền lương hằng tháng sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt ăn uống cũng đủ để dành một ít đóng học phí”.

Từ tháng 9-2004, Trung tâm Dạy nghề Quân đoàn 4 liên kết với Trường ĐHDL Lạc Hồng khai giảng lớp trung cấp tài chính kế toán hệ chính qui đầu tiên ngay tại KCN Sóng Thần. Khóa học kéo dài hai năm, một tuần học ba buổi. Hiện trung tâm đã khai giảng hai khóa, có năm lớp, với hơn 350 học viên đang theo học, trong đó hơn 98% học viên là công nhân.

“Chúng tôi còn có một chương trình liên kết đào tạo đang xin phép bộ. Ở đây rồi sẽ có những khóa đào tạo cao đẳng, đại học đầu tiên cho công nhân KCN. Hy vọng sẽ có nhiều công nhân đến được giảng đường” - một cán bộ của trung tâm hào hứng nói.

Hôm tôi “hoàn thành nhiệm vụ”, thu vén đồ đạc để trở về tòa soạn, Trâm - một cô công nhân nhỏ nhắn, là “tân binh” của Công ty T - kéo tôi lại: “Chị chịu không nổi nữa sao, thôi ráng đi. Có được việc làm ổn định rồi, chị em mình sẽ kiếm đường đi lên nữa chứ...”. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Những lớp học quanh quẩn đâu đó ở trong “thành phố thợ” này đã thay tôi nói hết với Trâm rồi...

---------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 5: Cam go nhà trọ- Kỳ 4: Nhọc nhằn đời nữ công nhân- Kỳ 3: Những cạm bẫy...- Kỳ 2: Chỗ dựa của công nhân?- Kỳ 1: Tôi đi làm thợ...

THI NGÔN - VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên