![]() |
Dương Lợi Vỹ cùng Thần Châu 5 trở về trái đất |
Bước đi vĩ đại của ngành hàng không Trung Quốc (TQ) đã không được truyền hình trực tiếp như dự kiến ban đầu, và dù có gây thất vọng trong công chúng nhưng sự thành công của nó đủ làm nguôi ngoai tất cả. Tuy lần này TQ đưa người lên vũ trụ muộn hơn Liên Xô và Mỹ, nhưng trình độ khoa học ở bước khởi đầu cao hơn, chi phí cũng rẻ hơn, dự kiến chỉ khoảng 19 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,5 tỉ USD).
An toàn trên hết
![]() |
Phi hành gia Dương Lợi Vĩ chào tạm biệt mọi người |
Điều này phù hợp với khẳng định trước đó của viện sĩ Thích Phát Nhẫn, tổng thiết kế sư của Thần Châu V: “TQ tin tưởng đảm bảo an toàn cho phi hành gia”. Viện sĩ Thích còn nói rõ thêm: “Khi thiết kế phi thuyền, chúng tôi luôn tuân thủ một nguyên tắc: sự cố lần một, phi thuyền vẫn vận hành bình thường; sự cố lần hai, phi thuyền trở về Trái đất an toàn để bảo vệ tính mạng phi hành gia”.
Dĩ nhiên, các nhà khoa học TQ có đủ cơ sở để tin tưởng về thành công của chuyến chinh phục không gian lần này vì họ đã thu được rất nhiều kinh nghiệm từ bốn chuyến phóng phi thuyền Thần Châu không người lái trước đó, bắt đầu từ tháng 11-1999.
Tên lửa được sử dụng lần này mang tên "Trường Chinh 2F" (dài 58,3m với trọng lượng hữu ích là 479,8 tấn). Để đảm bảo an toàn đưa phi thuyền lên quĩ đạo, các chuyên gia TQ nghiên cứu chế tạo tên lửa đã làm việc với tinh thần “đã tinh xảo rồi cần tinh xảo hơn nữa”. Mọi thứ đều được mổ xẻ lại. Trước khi phóng, họ sẽ tháo toàn bộ các cơ cấu điều khiển đã được lắp sẵn để đưa về nhà máy kiểm tra lại và sửa chữa, điều chỉnh (nếu cần) rồi lắp lại.
Đối với tên lửa Trường Chinh 2F, độ tin cậy được nâng lên 0,97 (trước đây 0,91), tức phóng 100 lần đảm bảo thành công ít nhất 97 lần; độ an toàn về người đạt 0,997, tức phóng 1.000 lần an toàn ít nhất 997 lần. Theo tổng công trình sư về tên lửa Huang Chunping, Trường Chinh 2F là phiên bản mới của Trường Chinh 2E với 55 công nghệ mới được áp dụng thêm, trong đó có hệ thống kiểm tra tự động phát hiện những điểm bất thường và hệ thống cấp cứu. Các tiêu chuẩn kỹ thuật của tên lửa này đã ở mức hiện đại nhất của thế giới hiện nay.
Trước khi phóng 15 phút, hệ thống kiểm tra tự động làm việc, nếu có vấn đề nó sẽ báo ngay. Hệ thống kiểm tra này có ba đường truyền tín hiệu (trước đây chỉ một đường), chỉ khi nào hai tín hiệu trở lên “tán thành” thì mới được vận hành bình thường.
Trường hợp có sự cố, nếu phi hành gia đang ở trên giá thép chưa vào khoang tàu thì sẽ nhảy vào một bao bố thoát hiểm (làm bằng một loại vải có tính đàn hồi); nếu phi hành gia đã ở trong khoang tàu, tháp thoát hiểm trên đỉnh tên lửa lập tức điểm hỏa, tháp này điều khiển khoang quĩ đạo tách khỏi khoang phản hồi (có phi hành gia) và tên lửa. Tháp thoát hiểm được thiết kế đặc biệt để đảm bảo sau khi tách rời phi thuyền bay ổn định, giúp phi hành gia thoát hiểm và đáp xuống khu vực an toàn.
Ngay cả việc chọn thời điểm ban ngày cho việc phóng Thần Châu V cũng có ý nghĩa (bốn lần trước, Thần Châu được phóng vào lúc hừng đông hoặc nửa đêm), bởi nhiệt độ ban ngày có lợi cho các nhân viên thao tác làm việc, nếu có trường hợp xảy ra sự cố cũng thuận tiện cho phi hành gia thoát hiểm. Một chi tiết khác không thể bỏ qua về ý định đảm bảo tính mạng của phi hành gia TQ: khoang chứa phi hành gia được thiết kế cho hoạt động của ba người nhưng cuối cùng các nhà khoa học TQ chỉ chọn một đi vào không gian.
“Trạm không gian” Thần Châu
![]() |
Tàu Thần Châu V rời bệ phóng |
Hơn thế nữa, ý định đưa người vào không gian của TQ chỉ thật sự bắt đầu được thực hiện vào năm 1992. Và không chỉ thế, việc chế tạo phi thuyền Thần Châu đã được định hướng theo viễn cảnh sử dụng nó thành một trạm không gian trong tương lai. Phi thuyền Thần Châu III (mang theo mô hình phi hành gia) chẳng hạn từng bay trên quĩ đạo quanh Trái đất đến 2.821 vòng (khoảng 180 ngày) trước khi quay trở về và Thần Châu IV đáp xuống Nội Mông ngày 5-1-2003 sau bảy ngày bay trên không gian.
Ông Philippe Coué, một chuyên gia về chính sách không gian TQ, hiện đang phụ trách bộ phận thông tin của ban không gian thuộc Hãng chế tạo máy bay Dassault, còn cho rằng phi thuyền Thần Châu là một sản phẩm “100% TQ” nhằm bác bỏ những ý kiến khẳng định TQ đã sao chép kiểu phi thuyền Soyuz của Nga.
|
_____________________
Kỳ 2: Những lợi ích của cuộc chinh phục không gian
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận