30/05/2014 00:01 GMT+7

Những điều cha mẹ cần biết trong việc chăm sóc trẻ bệnh

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Khi trẻ mắc bệnh, những ai làm cha mẹ lần đầu đều bối rối và lo lắng, hỏi người thân, bạn đồng nghiệp, hàng xóm hoặc truy cập internet để biết thêm về cách chăm sóc trẻ bệnh.

Tuy nhiên, có những thông tin hay kinh nghiệm về việc chăm sóc trẻ bệnh không phù hợp, đôi khi có thể gây hại cho trẻ, nên các bậc cha mẹ cần thận trọng và có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Khi chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

Chăm sóc đặc hiệu theo từng bệnh trẻ đang mắc: phụ hynh cần chú ý lắng nghe những tư vấn của bác sĩ nhi khoa về việc chăm sóc đặc hiệu những loại bệnh lý mà trẻ đang mắc, có thể đơn cử một vài căn bệnh mà trẻ thường mắc phải như:

- Chăm sóc trẻ bị sốt (do phát ban, do cúm, do nhiễm siêu vi...): cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng do bác sĩ chỉ định. Nên để trẻ mặc quần áo thoáng mát và cho trẻ uống nhiều nước, cần thiết có thể cho trẻ lau mát bằng nước ấm giúp trẻ hạ sốt nhanh. Tuyệt đối tránh việc ủ trẻ quá kỹ làm trẻ bị sốt cao có thể dẫn đến co giật, kiêng tắm – kiêng nước có thể làm trẻ khó chịu, quấy khóc nhiều hoặc thậm chí có thể gây nhiễm trùng da, trẻ sốt vẫn có thể tắm bình thường bằng nước ấm.

- Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy: điều quan trọng nhất là bù đủ nước, cha mẹ nên cho trẻ uống nước thường xuyên để phòng tình trạng mất nước vì tiêu chảy, tốt nhất nên cho trẻ uống nước Oresol (còn gọi là nước biển khô) để bù lại lượng muối khoáng và nước bị mất đi sau mỗi lần trẻ bị tiêu chảy, liều lượng từ 50ml – 100ml dịch uống tùy theo tuổi của trẻ. Nếu trẻ không uống được loại nước này, có thể cho trẻ uống loại nước mà trẻ thích như nước dừa tươi, nước ép trái cây tươi, nước canh, nước cháo, nước sôi nguội, hoặc nước ép cà rốt. Tuyệt đối không cho trẻ uống những loại nước chứa nhiều đường ngọt hoặc nhiều gas như Pepsi, Coca – Cola, xá xị... vì sẽ làm cho tiêu chảy của trẻ trầm trọng hơn. Không tự ý sử dụng thuốc “cầm ỉa” hoặc cho trẻ uống thuốc “kháng sinh” khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Chăm sóc trẻ bị viêm phổi: viêm phổi thông thường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể điều trị tại nhà. Việc quan trọng nhất là cho trẻ uống thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và tái khám đúng theo lịch hẹn. Ngoài ra cần giảm ho, giảm đau họng cho trẻ bằng những loại thuốc ho an toàn có nguồn gốc từ thảo mộc/thảo dược như rau tần dày lá, tắc chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong… và làm thông thoáng đường hô hấp cho trẻ bằng “nước muối loãng” giúp trẻ ăn uống và bú mẹ thuận lợi, dễ dàng hơn.

- Chăm sóc trẻ bị mắc sởi tại nhà: cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất với liều lượng 10mg – 15mg/kg cân nặng, mỗi 4 giờ - 6 giờ nếu thấy trẻ bị sốt từ 38,5oC, tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ. Cho trẻ tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng. Tuyệt đối không ủ trẻ quá kỹ hoặc dùng các loại nước lá không rõ nguồn gốc tắm hoặc đắp trên da của trẻ vì có thể gây nhiễm trùng da hoặc nặng hơn có thể làm trẻ bị ngộ độc.

- Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà: ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi cần thiết, nên cho trẻ uống thật nhiều nước nhất là dung dịch Oresol hoặc loại nước uống bổ dưỡng mà trẻ thích vì việc bù đủ nước sẽ giúp trẻ mau lành bệnh và giảm một cách đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Không cạo gió hay cắt lễ khi trẻ bệnh vì sẽ gây thêm đau đớn cho trẻ và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết trầm trọng hoặc nhiễm trùng máu.

7yVIpudC.jpg

Đồng thời, thực hiện tốt 3 nguyên tắc chăm sóc trẻ bệnh tại nhà (với mọi bệnh lý), nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị trẻ bệnh tại nhà, tạo sức đề kháng tốt giúp trẻ mau hồi phục và đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Những nguyên tắc này bao gồm:

- Cho trẻ uống thêm “nhiều nước” hơn bình thường: khi trẻ bệnh cơ thể rất dễ bị mất nước như trẻ bị tiêu chảy, trẻ bị sốt xuất huyết, bệnh sốt phát ban, bệnh cúm... nhiều trẻ được bổ sung đủ nước sẽ mau lành bệnh và qua được cơn nguy hiểm.

- Cho trẻ ăn như bình thường, nếu ăn được nhiều hơn thì càng tốt: khi trẻ bệnh trẻ sẽ cần nhiều năng lượng cho cơ thể để mau chóng lành bệnh. Thức ăn chế biến cho trẻ nên lỏng, mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết như cháo dinh dưỡng, súp nóng, sữa uống các loại dành cho trẻ. Do trẻ khó khăn trong ăn uống, phụ huynh nên phân nhỏ bữa ăn của trẻ để trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn.

- Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện: nếu thấy tình trạng sức khỏe của trẻ không cải thiện hoặc trầm trọng hơn sau 2 – 3 ngày chăm sóc tích cực tại nhà, như thấy trẻ đột nhiên bỏ ăn, bỏ bú, nôn ói nhiều (thường nôn hết mọi thứ ngay sau khi ăn hoặc bú), trẻ sốt cao liên tục 39oC không hạ sau khi uống thuốc hạ sốt – lau mát tích cực, trẻ thở mệt, hoặc nặng hơn trẻ bị co giật, lừ đừ, hôn mê. Khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để trẻ được cứu sống kịp thời.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên