17/12/2018 17:03 GMT+7

Những điều cần biết về huyết áp thấp

Nguồn: thaythuocvietnam.vn (Hội Nội Khoa Việt Nam)
Nguồn: thaythuocvietnam.vn (Hội Nội Khoa Việt Nam)

Huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg đo được khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi.

Những điều cần biết về huyết áp thấp - Ảnh 1.

Nguồn: thaythuocvietnam.vn

Mọi người luôn nói về sự nguy hiểm của huyết áp cao. Nhưng có một sự thật là bất kỳ sự dao động nào của huyết áp cũng có thể gây nguy hiểm. Chưa được quan tâm nhiều trong khi số người mắc chứng huyết áp thấp lại rất đông và chủ yếu là người già và phụ nữ. Vậy huyết áp thấp là gì? Làm gì để phòng tránh và sơ cứu?

Huyết áp thấp là gì?

Thường được coi là huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu (số trên) nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (số dưới) nhỏ hơn 60 mmHg đo được khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

- Do sự thiếu hụt thể tích trong lòng mạch (mất nước, mất máu,...);

- Nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng;

- Sự điều chỉnh huyết áp không kịp khi thay đổi tư thế (người già, phụ nữ có thai,...)

- Bệnh nội tiết (thiểu năng tuyến giáp);

- Bệnh tim mạch (dùng thuốc tăng huyết áp sai, nhồi máu cơ tim, nhịp chậm,...)

Triệu chứng thường gặp của huyết áp thấp

- Ngất xỉu;

- Hoa mắt chóng mặt;

- Buồn nôn;

- Nhìn mờ;

- Mệt mỏi;

- Da lạnh nhợt nhạt;

- Thở nhanh, nông.

Xử trí tại chỗ khi gặp người bệnh tụt huyết áp

Tư thế: Để người bệnh nằm nơi thoáng mát, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân.

Sơ cứu: Cho người bệnh uống 2 cốc nước (khoảng 480 ml) hoặc trà gừng, café,... mục đích làm tăng khối lượng tuần hoàn.

Ngoài ra, theo khảo sát gần đây của Đại học Havard, sô-cô-la chứa nhiều flavon giúp bảo vệ thành mạch máu, vì vậy sô-cô-la được mệnh danh là vị thuốc cấp cứu bỏ túi cho những người bị tụt huyết áp thường xuyên.

Day huyệt thái dương: Dùng hai ngón tay day vào huyệt thái dương (nằm ở cuối mi mắt). Lưu ý: Đặt phần tay mềm của ngón vào đúng huyệt, cần day đi day lại với mức độ mạnh dần. Thực hiện động tác này từ 20 – 50 lần.

Day huyệt phong trì: Huyệt phong trì nằm ở đốt xương gối giữa phần lõm dưới nơi gân cổ nổi lên. Dùng ngón tay đặt lên huyệt phong trì, bốn ngón còn lại ôm lấy đầu rồi day và bấm mạnh vào huyệt phong trì 10 lần.

Vuốt trán: Dùng hai ngón tay vuốt từ giữa trán sang hai bên đến cuối huyệt thái dương. Lặp đi lặp lại động tác này 30 lần.

Khi người bệnh đã tỉnh, các triệu chứng giảm dần, nâng người bệnh ngồi dậy từ từ, cử động chân tay vài phút nhẹ nhàng trước khi đứng dậy.

Điều trị huyết áp thấp

Đa số các trường hợp không cần điều trị thuốc mà chỉ cần thay đổi lối sống và ăn uống. Với huyết áp thấp mạn tính, cơ thể đã quen với mức huyết áp như vậy.

Trong các trường hợp bệnh lý cần đến chuyên khoa điều trị theo nguyên nhân mới điều trị triệt để.

Với những người không xác định được nguyên nhân cần thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện cải thiện triệu chứng.

Phòng ngừa huyết áp thấp

Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày: Uống nhiều nước hơn, ít rượu. Ăn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe như rau quả, trái cây, ngũ cốc,… Tăng lượng muối trong thức ăn, nước uống.

Tránh thay đổi tư thế đột ngột: Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, hít thở sâu vài phút và sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng. Ngủ với đầu giường hơi cao cũng có thể giúp chống lại các tác động của trọng lực. Nếu bắt đầu có các triệu chứng trong khi đứng, kéo và ép ngang đùi, hoặc đặt một chân trên một mỏm đá hoặc ghế và tựa về phía trước khi có thể. Các tư thế này khuyến khích máu chảy từ chân đến tim.

Uống cà phê có chứa cafein hoặc trà với bữa ăn tạm thời có thể làm tăng huyết áp, trong một số trường hợp, tăng 3 – 14 milimét thuỷ ngân (mm Hg). Nhưng vì cafein có thể gây ra các vấn đề khác, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi tăng lượng cà phê./.

Nguồn: thaythuocvietnam.vn (Hội Nội Khoa Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên