30/05/2019 19:30 GMT+7

Những điều cần biết về bệnh viêm vú

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Viêm vú là tình trạng các mô vú của phụ nữ bị sưng phù bất thường hoặc viêm, thường xảy ra trong thời kỳ cho con bú.


Những điều cần biết về bệnh viêm vú - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: verywellfamily.com

Viêm vú là tình trạng các mô vú của phụ nữ bị sưng phù bất thường hoặc viêm. Bệnh thường do nhiễm trùng các ống tuyến vú, hầu hết xuất hiện ở những phụ nữ trong thời kỳ cho con bú.

Viêm vú có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc không. Bệnh có thể tiến triển gây ra áp-xe vú khi mủ tập trung trong các mô vú. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không được điều trị.

Phân loại

Khi viêm vú xảy ra không do nhiễm trùng thì thường là tắc tia sữa (tắc ống dẫn sữa). Tắc tia sữa là tình trạng sữa ứ đọng lại trong các mô vú ở những phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên, viêm vú do tắc tia sữa thường tiến triển thành viêm vú nhiễm trùng do tình trạng sữa ứ đọng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Viêm vú nhiễm trùng là loại phổ biến nhất. Thông thường, vi khuẩn thường xâm nhập qua vùng da hoặc núm vú bị tổn thương. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society - ACS), tụ cầu vàng là loại vi khuẩn thường gây ra vấn đề này.

Triệu chứng

Những triệu chứng thường gặp nhất của viêm vú là:

- Sưng vú;

- Đỏ, sưng, căng tức hoặc cảm giác nóng ở ngực;

- Ngứa;

- Căng tức vùng dưới cánh tay;

- Vết nứt nhỏ hoặc vết thương trên núm vú hoặc vùng da ở ngực;

- Sốt.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân gây viêm vú bao gồm:

Nhiễm khuẩn

Những vi khuẩn bình thường trú ngụ trên da không gây hại. Nhưng vi khuẩn này xâm nhập qua tổn thương da thì chúng sẽ gây nhiễm trùng. Nếu vi khuẩn đi vào mô vú do tổn thương vùng da xung quanh hoặc núm vú, chúng có thể dẫn đến viêm vú.

Tắc ống dẫn sữa

Ống dẫn sữa mang sữa từ các tuyến sữa đến núm vú. Khi các ống dẫn này bị tắc, sữa sẽ ứ đọng lại bên trong vú, gây viêm và cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Yếu tố nguy cơ

Bạn có thể tăng nguy cơ viêm vú nếu:

- Cho con bú trong một vài tuần đầu tiên sau sinh;

- Loét hoặc nứt núm vú;

- Chỉ sử dụng một tư thế cho bú;

- Mặc áo ngực quá chật;

- Đã từng bị viêm vú trước đó;

- Quá mệt mỏi.

Trong những trường hợp này, bạn có nguy cơ ứ đọng sữa ở một hoặc cả hai bên vú, hoặc có nguy cơ nhiễm trùng mô vú.

Chẩn đoán

Hầu hết các trường hợp viêm vú đều có thể chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Bác sĩ sẽ sẽ đặt các câu hỏi về triệu chứng của bạn và thăm khám lâm sàng.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về thời điểm bạn bắt đầu xuất hiện triệu chứng và mức độ đau, hoặc hỏi về các triệu chứng khác như bạn có uống bất kỳ thuốc nào khi cho con bú không.

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán được bạn bị viêm vú hay không. Nếu bạn bị viêm nặng hoặc nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị, họ có thể lấy mẫu bệnh phẩm từ sữa của bạn để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ kê được loại thuốc phù hợp nhất với bạn.

Ung thư vú thể viêm cũng có các triệu chứng tương tự viêm vú. Nếu bạn đang điều trị viêm vú và các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm kiểm tra ung thư.

Điều trị

Điều trị viêm vú có thể sử dụng kháng sinh cho đến dùng tiểu phẫu. Một số điều trị thường được sử dụng:

- Kháng sinh: Một số kháng sinh có thể chống lại các vi khuẩn gây viêm vú. Bạn không nên tự ý uống bất kỳ loại kháng sinh nào mà không có chỉ định của bác sĩ.

- Ibuprofen: Là một thuốc không kê đơn có thể sử dụng để giảm đau, hạ sốt và sưng do viêm vú.

- Paracetamol: Có thể được sử dụng để giảm đau và hạ sốt.

Điều trị bằng kháng sinh thường có thể giải quyết được hoàn toàn nhiễm trùng. Những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ vẫn có thể cho con bú khi điều trị. Nhiễm trùng là ở mô vú và không phải ở trong sữa. Cho con bú còn có thể hữu ích cho quá trình điều trị.

Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm tiểu phẫu để dẫn lưu áp-xe vú qua một đường rạch nhỏ ở vú.

Phòng bệnh

Một số giải pháp có thể giúp bạn phòng ngừa viêm vú:

- Vệ sinh để tránh bị ngứa hoặc nứt núm vú;

- Cho con bú thường xuyên;

- Sử dụng máy vắt sữa;

- Sử dụng các kỹ thuật cho bú để trẻ có thể bú tốt nhất;

- Cai sữa dần dần cho trẻ qua một vài tuần thay vì đột ngột ngưng cho bú./.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên