21/12/2019 11:32 GMT+7

Những 'đại lộ' siêu tốc dưới đáy đại dương -Kỳ 4: Cuộc chiến không tiếng súng

NGÔ HẠNH
NGÔ HẠNH

TTO - Bước vào kỷ nguyên mới, những sợi cáp biển phát triển công nghệ cáp quang nhanh chóng, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát cáp biển cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm đặc biệt...

Những đại lộ siêu tốc dưới đáy đại dương -Kỳ 4: Cuộc chiến không tiếng súng - Ảnh 1.

Các thợ lặn kiểm tra một đường cáp biển ở Hawaii, Mỹ - Ảnh: US Navy

Giới nghiên cứu cho biết việc kiểm soát các "đại lộ" thông tin xuyên lục địa này là thách thức chính trị to lớn.

Sự thống trị của các nước mạnh

Đối với nhiều quốc gia, cáp biển là một phần hạ tầng quan trọng và các dự án cáp luôn là tâm điểm của những tranh chấp địa chính trị. Hệ thống cáp quang còn có những tác động đến kinh tế, xã hội, thậm chí là quân sự trên toàn thế giới. Đó là lý do vì sao một số nước thời gian qua tìm cách ngăn Tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia các dự án lắp ráp cáp biển.

Trong nghiên cứu đăng năm 2016 về các nguy cơ từ hệ thống cáp biển, nhà nghiên cứu người Pháp Camille Morel cho biết việc kiểm soát các "đại lộ" thông tin xuyên lục địa này là thách thức chính trị to lớn. 

"Mối đe dọa đối với mạng lưới cáp ngày càng tăng. Nếu trước đây chỉ đối mặt với một số nguy cơ nhất định, hệ thống cáp biển hiện đang bị đe dọa bởi những tình huống mới... Từ việc bị quân đội cắt cáp trong thời chiến cho đến cướp biển, do thám, tin tặc, phá hoại, khủng bố, nguy cơ mạng lưới bị tấn công ngày càng trở nên phức tạp và đặt ra các câu hỏi về việc bảo vệ hệ thống cáp biển", bà Morel nói.

Theo bà Morel, với một dung lượng thông tin truyền tải khổng lồ đi qua nhiều vùng lãnh hải thuộc nhiều quốc gia khác nhau, việc kiểm soát các đường cáp biển sẽ vô cùng thách thức và các chính phủ luôn có sự can thiệp cũng như vai trò trong các tiến trình ra quyết định.

"Hệ thống cơ sở hạ tầng này được điều hành bởi các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, các quốc gia luôn luôn can thiệp, ví dụ như cấp giấy phép cho đặt cáp trong vùng lãnh hải của mình. Như vậy, chính trị là nền tảng quan trọng của loại dự án này. 

Tiếp đến còn có những thách thức về quyền lực mang tính địa chính trị, như việc thu thập, sở hữu, quản lý thông tin. Chúng ta đã thấy vấn đề này trong lĩnh vực tình báo. Các tiết lộ của Edward Snowden cho thấy sự thống trị rõ nét của Hoa Kỳ trong việc thu thập và khai thác thông tin", bà Morel giải thích và nhắc đến vụ rò rỉ tài liệu từ cựu kỹ thuật viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cho thấy cả NSA và Cơ quan Tình báo Anh (GCHQ) đều bí mật nghe lén dữ liệu truyền đi qua mạng lưới cáp biển quốc tế.

Nhìn lại từ lịch sử đến hiện tại, hệ thống cáp biển là một không gian tin học, một thách thức chính trị mà trong đó các nước phương Tây giàu có và phát triển gần như nắm vai trò thống trị. 

Trong các hoạt động gián điệp điện tử, Mỹ có một lợi thế lớn là vai trò quan trọng của các nhà khoa học, kỹ sư và tập đoàn của nước này trong việc phát minh và xây dựng phần lớn cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu. Các đường truyền dữ liệu chính thường đi qua biên giới và lãnh thổ Mỹ khiến cho việc nghe lén trở nên dễ dàng.

Tuy nhiên, sau vụ các tài liệu bị đánh cắp được Edward Snowden đưa ra ánh sáng, nhiều quốc gia đã phẫn nộ khi biết mức độ mà các cơ quan gián điệp Mỹ đang chặn dữ liệu nước ngoài và một số nước đang xem xét lại cơ sở hạ tầng của Internet. 

Chẳng hạn, Brazil đã triển khai một dự án xây dựng tuyến cáp thông tin liên lạc tới Bồ Đào Nha, không chỉ hoàn toàn không đi qua Mỹ mà còn đặc biệt không cho các công ty Mỹ tham gia.

Những đại lộ siêu tốc dưới đáy đại dương -Kỳ 4: Cuộc chiến không tiếng súng - Ảnh 2.

Thiết bị lắp đặt cáp trên biển - Ảnh: Business Insider

Một mối lo mới

Nhưng sự thống trị không đồng nghĩa với việc đảm bảo được an ninh của mạng lưới cáp bởi nguy cơ bị can thiệp vẫn rất lớn nếu không kiểm soát được các đường cáp. Những lo ngại này bắt đầu gia tăng kể từ cuối năm ngoái, khi các nước chú ý đến nỗ lực âm thầm của Huawei để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới các thành phần thiết yếu hệ thống hạ tầng viễn thông quan trọng bậc nhất hiện nay.

Huawei gây chú ý cuối năm ngoái sau khi hoàn thành 6.000km xuyên Đại Tây Dương cáp nối giữa châu Phi và Nam Mỹ. Trước đó, ba ông lớn SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks của châu Âu chiếm đến 90% thị trường cáp biển. 

Tính đến tháng 5-2019, Huawei tham gia hơn 30 dự án cáp biển và nắm trong tay 60 dự án củng cố các trạm mặt đất để tăng cường khả năng truyền tín hiệu. Thời điểm đó, thế giới dường như chỉ tập trung vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Huawei được nhắc đến nhiều nhất sau khi bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa phát triển mạng 5G tại Mỹ.

Các nhà làm luật Mỹ, Nhật và Úc bắt đầu phối hợp tìm cách ngăn chặn mối đe dọa mang tên Huawei với kế hoạch bao gồm cấm công ty Trung Quốc lắp đặt các đường cáp, hối thúc các chính phủ ngăn Huawei tham gia các dự án cáp biển quan trọng. 

Thật ra, trước đó vào năm 2017, Úc đã từng cấm Huawei lắp đặt đường cáp 4.000km nối Sydney với quần đảo Solomon do lo ngại mạng lưới của mình bị xâm nhập.

Tuy nhiên, việc cấm cửa Huawei không dễ dàng dù Huawei hồi tháng 6-2019 tuyên bố bán lại 51% cổ phần công ty cáp viễn thông Huawei Marine Systems. 

Thứ nhất, trong gần một thập kỷ qua, Huawei đã đủ mạnh và tham gia lắp nhiều đường cáp như Pakistan - Kenya và Djibouti - Pháp. Thứ hai, lợi thế lớn của Huawei là các công nghệ đủ sức cạnh tranh với phương Tây trong lĩnh vực viễn thông mặt đất có thể áp dụng vào cáp biển. Thứ ba, các chính sách hỗ trợ từ Trung Quốc đã giúp các công ty như Huawei có lợi thế về mặt giá cả so với các đối thủ ở Mỹ, Nhật, châu Âu.

Chưa kể, với nhu cầu hạ tầng thông tin ngày càng lớn như hiện nay, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rất khó để các "ông lớn" đáp ứng được tất cả. "Không có cách nào để ngăn Huawei hay ngăn các chủ sở hữu tư nhân khỏi hợp tác với các công ty Trung Quốc để hiện đại hóa cáp biển nếu chỉ dựa vào sự nghi ngờ", James Stavridis, cựu đô đốc hải quân Mỹ về hưu, nhận định.

Theo giới chuyên gia, điều khả thi nhất mà các chính phủ có thể làm là ra chính sách hạn chế Huawei tham gia các dự án cáp và đảm bảo an ninh của các trạm mặt đất vốn cũng quan trọng không kém. Trong khi việc xâm nhập đường cáp dưới biển không phải là điều dễ dàng thì điều đó lại dễ hơn đối với các trạm mặt đất.

Cuộc cạnh tranh cáp viễn thông biển không phải là điều mới mẻ và các nước đều hiểu rõ việc kiểm soát được các đường cáp sẽ có lợi thế to lớn. Hiện nay, khi Mỹ và Trung Quốc tranh bá, đáy biển có thể trở thành một chiến trường không tiếng súng nhưng vô cùng quan trọng...

Muốn phá hoại Internet chỉ cần một chiếc kềm?

Việc cắt cáp biển không dễ nhưng không phải bất khả thi. Điều này đã từng xảy ra năm 2013 tại Ai Cập khi một nhóm ba người đàn ông cố tình phá hoại đường dây cáp nối 14 quốc gia từ Pháp sang Singapore. Chính quyền Ai Cập sau đó đăng hình ảnh bắt giữ nhóm người cùng với thiết bị lặn. Vụ việc khiến tốc độ Internet giảm 60% tại Ai Cập và nhiều nước khác trong nhiều ngày.

Đến nay, hệ thống cáp biển dường như bất khả thay thế. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng người ta ngừng tìm kiếm và phát triển những cách thức kết nối mạng khác...

Kỳ cuối: Cáp biển không thể thay thế?

Những đại lộ Những đại lộ 'siêu tốc' dưới đáy đại dương - Kỳ 1: Sợi cáp quang thay tàu đưa thư

TTO - Sợi cáp quang có thể truyền thông tin với tốc độ 99,7% tốc độ ánh sáng. Internet sẽ thế nào nếu không có cáp biển?

NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên