Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Thị Xuân Hiền |
Tâm trạng tôi nặng nề. Mỗi bữa ăn, tôi không còn dám nhìn thẳng vào đôi mắt ngời sáng của ba, cũng chẳng dám liếc sang mẹ. Không nói ra nhưng tôi biết ba thất vọng về tôi nhiều lắm. Nhà tôi có hai anh em. Anh trai là người học hành chểnh mảng, tốt nghiệp cấp ba xong thì vào khu công nghiệp làm luôn. Thế nên, mọi hi vọng học hành ba dồn hết vào tôi. Vậy mà…
Cuối tháng chín, chờ lũ bạn đi học hết, tôi xin ba cho theo anh trai làm công nhân ở khu công nghiệp chuyên về may mặc. Ba sững sờ. Mẹ xót, ngăn cản. Nhưng tôi đã quyết định.
Công việc của một công nhân ở phân xưởng may lúc đầu khiến tôi hơi oải. Một phần vì tôi chưa quen lịch làm việc chia theo ca ở đây: một tuần chuyên làm sáng, một tuần chuyên làm chiều. Phần nữa, công việc tuy không nặng nhọc nhưng phải làm không ngưng tay phút nào. Sau cú sốc trượt đại học tôi đã gầy, nay càng gầy thêm. Cũng may, khi vào đây tôi ở trọ với anh trai nên đỡ nhớ nhà. Ở xưởng các anh chị làm cùng lại nhiệt tình giúp đỡ. Ai cũng khuyên tôi ôn thi lại, vì chẳng thể nào khấm khá hơn được khi cứ làm mãi ở khu công nghiệp này.
Tuần đầu tiên, ba đều đặn điện thoại cho tôi mỗi tối hoặc cuối giờ chiều sau khi đã tan ca. Mỗi lần thấy số ba gọi, tim tôi dường như nghẹn lại, cảm xúc không nói nên lời. Tôi thấy có lỗi với ba. Ba hỏi chuyện việc làm, nơi ăn, ở. Tôi cũng chẳng giấu gì ba. Thức ăn ở đây tôi chưa quen và ăn được rất ít món. Bên kia đầu dây ba lại lo lắng, sốt sắng: “Thế thì làm sao có đủ sức khỏe”. Có ai sướng như tôi không? Tuổi mười tám trai trẻ nhưng vẫn được ba lo lắng từng li từng tí.
Có hôm tôi với anh trai làm lệch ca, điện thoại cho tôi không được ba lại điện thoại cho anh trai. Về đến phòng anh lại nhắc: “Ba vừa mới hỏi thăm mày đấy!”. Cứ như thế, tôi dường như quen với việc nghe điện thoại của ba hằng ngày. Có hôm bận, ba chưa gọi tôi lại bấm số gọi về. Những cuộc điện thoại sau, khi đã hỏi công việc, sức khỏe, ăn ở, ba lại thao thao bất tuyệt chuyện anh Trung con bác Hòa hàng xóm mới tốt nghiệp cử nhân, chuyện chị Hoa nhà bà Sáng được học bổng. Nghe xong lời ba kể, tôi không còn thấy tội lỗi, mặc cảm nữa mà trong lòng háo hức lạ kỳ. Tựa như có một sức mạnh vô hình len lỏi. Tôi cũng muốn được trở thành sinh viên như các anh chị ấy. Tôi lấy cuốn sách giáo khoa hóa đọc lại lý thuyết một cách hăng say. Vì trước khi vào đây tôi có mang theo một ít sách ôn thi khối A.
Mỗi khi rảnh tôi không còn nghĩ về quá khứ buồn chán, thất vọng nữa. Tôi lấy sách ra đọc và làm bài tập. Tôi khoe với ba, niềm hăng say học tập trong tôi đã trở lại. Qua lời nói tôi cảm nhận được sự vui mừng của ba.
Về quê ăn Tết cũng là lúc tôi xin nghỉ việc ở khu công nghiệp. Gần bốn tháng làm việc chăm chỉ, tiêu pha dè sẻn, tôi đã tích cọp được gần 6 triệu đồng. Tôi đưa cho ba mẹ nhưng không ai lấy. Ba tôi bảo, cứ giữ lấy đó mà phục vụ cho học tập. Nghe lời ba, tôi mua thêm ít tài liệu và đăng ký lớp luyện thi. Thấy tôi chăm học, ba phấn khởi ra mặt. Ba còn ngăn trước mẹ không được bắt tôi làm việc nhà. Tối tối, ba pha sữa, chuẩn bị nước nóng, chăn mền nếu tôi cần đến.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ và sự quan tâm chăm sóc vô bờ bến của gia đình, nhất là tình yêu của ba, tôi đã vào được trường kinh tế như mong muốn. Ngày nhận giấy báo nhập học, phía khóe mắt chân chim của ba, tôi thấy những giọt nước mắt lăn ra…
Áo Trắng số 19 ra ngày 15/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận