14/10/2005 08:24 GMT+7

Những công ty "liên gia đình" ở Sawaco

V.HƯƠNG - N.HẰNG - P.HUY
V.HƯƠNG - N.HẰNG - P.HUY

TT - Một cán bộ Công ty Cấp nước TP.HCM đang có công ăn việc làm ổn định bỗng nghỉ ngang để cùng với người nhà của Sawaco lập công ty riêng. Công việc kinh doanh tiến triển tốt đẹp, hợp đồng chỉ định thầu cứ đến tới tấp nên họ tiếp tục lập thêm những công ty khác.

9mAX0LFP.jpgPhóng to
Địa chỉ 242/3K Điện Biên Phủ, P.15, Bình Thạnh là trụ sở của ba công ty: Công ty Đăng Hưng, Công ty Đô Thành và Công ty Thành Đô - Ảnh: Quang Khải

Những doanh nhân - công chức này đã có những mối quan hệ như thế nào với Công ty Cấp nước (nay là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) để liên tục được giao thi công và cung ứng vật tư thiết bị cho các công trình cấp nước?

“Tập đoàn nhà Đức”

Như chúng tôi đã đề cập trong bài trước, Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Phú Đức (địa chỉ đăng ký trước đây ở 300 Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, Thủ Đức, TP.HCM) là công ty người nhà và là một trong những đối tác có giao dịch nhiều nhất với Sawaco.

Năm 1999, khi giao dịch giữa Phú Đức và Sawaco càng lúc càng gia tăng thì ông Lương Hạnh (giám đốc Công ty Phú Đức) lại đứng ra thành lập thêm một công ty khác mang tên Công ty TNHH SX-TM Liên Phú Đức. Liên Phú Đức (trụ sở đặt tại xưởng E1, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) chính thức ra đời ngày 28-7-1999 với số vốn điều lệ 3 tỉ đồng.

Ông Lương Hạnh vẫn nắm cổ phần chi phối ở công ty này, với mức vốn góp 2 tỉ đồng (66,66%). Cổ đông lớn thứ hai là Nguyễn Ngọc Phúc (ngụ cùng một địa chỉ với ông Hạnh tại 283 Hồ Văn Huê, P.9, Q. Phú Nhuận) góp 600 triệu. Hai thành viên còn lại là ông Nguyễn Hữu Nhơn (ngụ tại 194/25 Đỗ Ngọc Thạnh, P.12, Q.5) góp 200 triệu và Võ Duy Thanh (ngụ tại 385/9E Điện Biên Phủ, P.4, Q.3) góp 200 triệu.

Ngày 13-3-2001, ông Nguyễn Hữu Nhơn chính thức rút ra khỏi Liên Phú Đức, nhường chỗ cho một thành viên mới là ông Nguyễn Ngọc Chương (ngụ tại 11C/F cư xá Đô Thành, Q.3). Tỉ lệ vốn góp cũng có sự thay đổi: ông Lương Hạnh (66,6%), ông Nguyễn Ngọc Phúc (25%), ông Nguyễn Ngọc Chương (1,67%) và ông Võ Duy Thanh (6,67%). Các thành viên trong Phú Đức và Liên Phú Đức lại tiếp tục đứng ra khai sinh thêm hai công ty nữa là Công ty TNHH Đạt Đức và Công ty cổ phần Đại Lộc.

Ngày 24-12-2002, Công ty TNHH Đạt Đức (13/7A Tân Kỳ Tân Quý, P.16, Q.Tân Bình) ra đời. Đạt Đức chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xây dựng công nghiệp, dân dụng, công trình giao thông, sản xuất vật tư ngành cấp thoát nước. Và Đạt Đức cũng đã trở thành một trong những đối tác lớn nhất của Sawaco về mảng thi công phát triển mạng lưới cấp nước và cải tạo ống mục.

Công ty Đạt Đức có số vốn điều lệ 1 tỉ đồng, trong đó thành viên góp vốn lớn nhất là ông Lê Nhật Quang góp 700 triệu đồng (70%). Ông Lê Nhật Quang (ngụ tại 13/7A Tân Kỳ Tân Quý, P.16, Q.Tân Bình - cũng là trụ sở công ty) nguyên là phó giám đốc Công ty Phú Đức.

Hai thành viên sáng lập còn lại là Trần Xuân Hồng (thường trú tại Quảng Nam) góp 28 triệu (28%) và Nguyễn Song Bá Phúc (ngụ tại 56/5, khu phố 4, P.Tân Thuận Đông, Q.7) đứng tên góp 2%. Trần Xuân Hồng và Nguyễn Song Bá Phúc cũng từng là hai cán bô thuộc Công ty Phú Đức. Ngày 14-1-2004, Đạt Đức tăng vốn lên 1,5 tỉ đồng.

Riêng Công ty cổ phần Đại Lộc (17 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận) được thành lập ngày 13-1-2003. Đại Lộc có vốn điều lệ 3 tỉ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Hoàng Thế Lực góp 1 tỉ đồng, chiếm 33,3%.

Ông Lực (ngụ tại 77 Ông Ích Khiêm, P.10, Q.11) giữ chức giám đốc Công ty Đại Lộc và hiện cũng là phó giám đốc phụ trách thi công và xây dựng cơ bản của Công ty Phú Đức. Thành viên sáng lập thứ hai là Lâm Ngọc Phong (ngụ tại 73 đường 7, Phước Bình, Q.9) góp 700 triệu đồng (23,3%). Ông Phong nguyên là phó phòng quản lý dự án của Công ty Phú Đức.

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Chương (sinh năm 1969) - thành viên góp vốn của Công ty Liên Phú Đức - cũng chạy sang “đứng tên” thành lập Công ty Đại Lộc và góp vào 500 triệu đồng (16,6%). Thành viên còn lại là Nguyễn Ngọc Phương (sinh năm 1978) góp 800 triệu đồng (26,6%).

Không dừng ở Phú Đức, Liên Phú Đức, Đạt Đức, Đại Lộc, Công ty TNHH SX Nhân Việt cũng nằm trong “tập toàn nhà Đức”. Ông Nguyễn Hữu Nhơn, sau khi rút ra khỏi Liên Phú Đức, đã kịp thời “khai sinh” ra Công ty TNHH SX và XD Nhân Việt (đặt trụ sở tại 010A, lô D cư xá Thanh Đa, P.27, quận Bình Thạnh - cũng là nhà của ông Nhơn).

Nhân Việt được thành lập ngày 4-12-2001 với số vốn điều lệ 500 triệu đồng, chuyên sản xuất đúc đồng - thau - gang - nhựa xây dựng dân dụng, công nghiệp, cầu đường và lắp đặt hệ thống cấp thoát nước. Ông Nhơn góp 450 triệu đồng (chiếm 90%) và Nguyễn Đường Quốc (sinh năm 1967, ngụ tại 180/1B Lạc Long Quân, P.10, Q.11) đứng tên 10%.

Năm công ty có “nguồn gốc” từ Công ty Phú Đức đã trở thành một “tập đoàn” hùng mạnh chi phối rất nhiều công trình xây dựng, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước của thành phố và cung ứng cả các trang thiết bị, vật tư thi công những công trình này.

“Ba trong một”

Lần theo địa chỉ đăng ký của Công ty TNHH Đăng Hưng (tại 242/3K Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh), một trong những công ty có qui mô vốn lớn nhất trong hệ thống công ty tư nhân có giao dịch mật thiết với Sawaco, chúng tôi bất ngờ khi trong địa chỉ của Công ty Đăng Hưng có đến ba công ty cùng trú ngụ: Công ty Đăng Hưng, Công ty TNHH cấp thoát nước Đô Thành và Công ty TNHH xây dựng cấp thoát nước Thành Đô. Cả ba công ty này đều có những giao dịch liên tục với Sawaco trong nhiều năm qua trong việc phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, cải tạo ống mục...

Ngày 14-7-1995, ông Đào Duy Hưng đứng ra thành lập Công ty TNHH cấp thoát nước Đô Thành (242/3K Điện Biên Phủ, P.15, Bình Thạnh) với số vốn điều lệ chỉ 200 triệu đồng, chuyên ngành xây dựng hệ thống cấp thoát nước. Trong đó, ông Đào Duy Hưng (ngụ tại 301 lô K, lầu 2 cư xá Bình Tiên, P.4, Q.6) góp 102 triệu (51%). Ông Hưng công tác tại Công ty Xây dựng cấp thoát nước số 2 trong giai đoạn 1978-1988, sau đó làm việc tại Xí nghiệp thi công xây lắp thuộc Công ty Đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn từ năm 1989-1994.

Thành viên sáng lập khác là Trần Quốc Tuấn (thường trú 78/2B quốc lộ 13, phường 26, Bình Thạnh). Ông Tuấn góp 98 triệu đồng (49%). Trần Quốc Tuấn làm việc tại Công ty Cấp nước thành phố từ năm 1975-1979, sau đó là cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp thi công xây lắp thuộc Công ty Đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn.

Ngày 26-2-1997, Công ty Đô Thành tăng vốn lên 1 tỉ đồng, trong đó ông Đào Duy Hưng góp 598 triệu đồng (59,8%) và ông Trần Quốc Tuấn góp 402 triệu, đồng thời bổ sung ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng, xây dựng thủy lợi, mua bán vật liệu xây dựng. Ngày 30-6-2000, công ty bổ sung ngành xây dựng đường giao thông. Đến ngày 13-5-2002, ông Đào Duy Hưng sang nhượng toàn bộ cổ phần cho ông Lê Quang Hòa (ở 325/7 Bạch Đằng, P.15, Q.Bình Thạnh).

Song song với việc thành lập và giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên tại Công ty Đô Thành, ông Hưng cũng góp vốn thành lập Công ty TNHH xây dựng cấp thoát nước Thành Đô. Công ty Thành Đô được thành lập ngày 14-8-2001 với số vốn điều lệ 4 tỉ đồng, chuyên thi công lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, mua bán vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị phụ tùng cấp thoát nước.

Ông Đào Duy Hưng góp 3 tỉ đồng (75%) đồng thời giữ chức chủ tịch HĐQT của công ty. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Bích Nga là cổ đông sáng lập lớn thứ hai, góp 800 triệu (20%). Bà Nga (ngụ cùng địa chỉ với ông Hưng tại 301 lô K, lầu 2 cư xá Bình Tiên, P.4, Q.6) cũng từng là cán bộ công nhân viên của Xí nghiệp thi công xây lắp thuộc Công ty Đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn. Phần vốn còn lại đứng tên hai thành viên Huỳnh Bính Sang (ngụ tại 371A Phạm Ngũ Lão, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1) góp 100 triệu (2,5%); và Nguyễn Chí Tâm (chỗ ở hiện tại 110/815E Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp) 100 triệu (2,5%).

Điều đáng chú ý là trong hồ sơ tại cơ quan chức năng, Thành Đô đăng ký địa chỉ 96A7 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh nhưng trụ sở hiện tại của công ty lại nằm ở cùng địa chỉ với Công ty TNHH cấp thoát nước Đô Thành và Công ty TNHH Đăng Hưng tại 242/3K Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh.

Ngày 9-4-2002, ông Đào Duy Hưng tiếp tục thành lập Công ty TNHH Đăng Hưng. Công ty có số vốn điều lệ 5 tỉ đồng, trong đó ông Đào Duy Hưng nắm số cổ phần áp đảo 98%, tương đương 4,9 tỉ đồng. Cổ đông thứ hai là Nguyễn Đức Quang (quê ở Đồng Tháp) góp 100 triệu (2%). Công ty Đăng Hưng đăng ký thi công lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, mua bán vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị phụ tùng cấp thoát nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ.

Tất cả những công ty trên đều có những giao dịch thường xuyên, liên tục trong nhiều năm liền với Sawaco. Liệu có phải những mối quan hệ ziczac trên đã trở thành “lợi thế” cho họ để có thể tham gia và chi phối hầu hết những dự án cấp nước trọng điểm của thành phố? Những ai trong số họ đã tham gia thi công 10 dự án cấp nước phía tây - hiện đang là tâm điểm cho những nghi ngờ về nguyên nhân gây bẩn cho nguồn nước sạch của thành phố?

---------

* Kỳ sau: Mười dự án cấp nước phía tây được thi công thế nào?

V.HƯƠNG - N.HẰNG - P.HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên