13/12/2010 02:45 GMT+7

Những con sóng "không vô can"

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Có một Đào Châu Hải dữ dội và đầy suy tư, một Lý Trực Sơn mênh mang giữa mặt biển cô liêu... Sự kết hợp giữa những khối kim loại sắc, nặng với những tấm giấy dó nhẹ như không mang đến một bản ballad biển Đông (*) đặc biệt.

TaVDF4g9.jpgPhóng to

Cuộc đối thoại giữa sắp đặt sắt thép và tranh trên giấy dó - Ảnh: Hà Hương

Sắp đặt của Đào Châu Hải là những khối kim loại hình con sóng nằm lặng lẽ trên những tấm vải xô trắng. Về những tấm vải xô, ông bảo đó là cách tưởng niệm của riêng mình với những người đã để lại cuộc đời cho biển: “Chúng tôi đã đi qua rất nhiều đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, có những giây phút chúng tôi lặng người đi vì đau xót. Tôi muốn tưởng niệm những người đã nằm lại mãi mãi trên biển”. Ít có sắp đặt nào lại “cứa” mạnh vào giác quan và xúc cảm của người xem đến vậy.

Chọn kim loại với những hình khối nặng, sắc và nhọn để diễn tả những cảm xúc về biển, Đào Châu Hải lý giải: “Tôi nghĩ chỉ có kim loại mới thể hiện được hết những cảm xúc, ý tưởng của mình trong chủ đề này. Bởi vì tôi có cảm giác những con người sống giữa trập trùng sóng biển, hoàn cảnh sống khắc nghiệt đó hẳn không phải là những con người bình thường. Chỉ có những con người có sức mạnh và lòng kiên định mới có thể trụ vững và tồn tại được. Tôi có cảm giác ra đấy mới thật sự là sống, còn chúng ta ở đây quá nhiều giả dối, nhu cầu hình thức, quá nhiều toan tính... Nhiều khi chúng ta không đủ sức mạnh, không đủ lòng kiên định, bản lĩnh để đương đầu với những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày”.

Ẩn mình trong nghệ thuật, Đào Châu Hải muốn gửi đi rất nhiều thông điệp. Đó là thông điệp về tình người, về việc ai “vô can” hay “không vô can” giữa những đổi thay bể dâu của thời cuộc. Phải lắng lại mới có thể thẩm thấu hết những suy tư của một cá tính nghệ sĩ vốn ngang tàng như Đào Châu Hải.

Khi thấy Đào Châu Hải dự định làm triển lãm, họa sĩ Lý Trực Sơn đề nghị làm chung và ông đã hoàn thành các bức tranh chỉ trong vòng một tháng. Chọn chất liệu giấy dó để tham gia triển lãm, họa sĩ Lý Trực Sơn cho biết: “Giấy dó có tính “không”, nó có khả năng đi với tất cả mọi chất liệu. Đây còn là trò chơi nghệ thuật, biến cái cực nặng thành cái cực nhẹ và để cả hai giao hòa với nhau”. Biển của Lý Trực Sơn bớt gầm gào và vì thế cũng mỹ lệ hơn. Cái khó của Lý Trực Sơn khi vẽ là những màu nước được chế từ thực vật tự nhiên bỗng trở nên trong suốt và không nhìn thấy khi gặp giấy dó. Và khi đó người dẫn đường duy nhất chỉ còn là cảm xúc. “Phải tin vào chính bản thân mình và tin vào cái đích mà mình đang hướng đến”, ông nói vậy.

Mới nghe về một triển lãm kết hợp giữa kim loại và giấy dó, ít nhiều có người e sợ về độ vênh của nó. Nhưng sự mỏng manh của giấy dó và cái nặng trịch của sắt thép lại tạo nên một sự đối thoại - một cuộc đối thoại gợi nhiều suy tưởng.

dwoj9uHB.jpgPhóng to
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải - Ảnh: H.H.

* Ông có nói triển lãm là kết quả những suy tưởng từ chuyến đi Trường Sa cách đây hơn bốn tháng. Chuyến đi đó đã mang lại cho ông những cảm xúc và trải nghiệm gì?

- Nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Khi tôi có mặt trong đoàn công tác của các họa sĩ ra đến quần đảo Trường Sa, nó đã gây một ấn tượng rất mạnh. Ấn tượng không phải bởi thiên nhiên, cảnh quan... bởi vì biển ở đâu cũng giống nhau, đảo ở đâu cũng có sự tương đồng. Khi đến đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Sơn Ca... tiếp xúc với những người dân, đặc biệt là trẻ em, chúng tôi thật sự mới có cảm giác ở đó có sự sống, có con người và một cuộc sống bình dị. Nó đan kết với những vấn đề lãnh hải, lãnh thổ để đưa đến những cảm xúc vô cùng đặc biệt.

* Triển lãm có cái tên khá lạ Không vô can và ballad biển Đông. Vậy những con sóng của ông không vô can với điều gì?

- Không vô can có nghĩa là chúng ta đừng thờ ơ, vô cảm với tất cả những gì đất nước, dân tộc đã và đang trải qua. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, các nghệ sĩ Trung Quốc nói rằng khi đi thực hiện một dự án nghệ thuật trên con đường mòn Hồ Chí Minh, họ cảm thấy không vô can trong mọi vấn đề lịch sử của đất nước chúng ta. Tôi cho rằng đó là lời nói có ý nghĩa. Tôi muốn kết hợp ý tưởng đó với việc chúng ta nhìn nhận lịch sử thông qua những ngôn ngữ rất nhân văn.

H.HƯƠNG thực hiện

(*) Triển lãm Không vô can và ballad biển Đông khai mạc tại Vietart centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) tối 11-12 và kết thúc ngày 16-12.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên