Đằng sau những con số là biết bao ý nghĩa quan trọng, đó là thước đo “sức khỏe” của nền kinh tế, sự lành mạnh hay suy thoái của xã hội...
Từ những con số, các nhà lãnh đạo sẽ có sự điều chỉnh quyết sách sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển. Còn đối với công dân, các số liệu được đưa ra cũng không phải chỉ để biết rồi bỏ qua, đây là thông tin giúp người dân có cơ sở định hướng làm ăn, học tập, ứng xử và giám sát hoạt động của chính quyền.
Không thể “vơ đũa cả nắm” để khẳng định những con số của các cơ quan chức năng đưa ra là không sát với thực tiễn hoặc sai lệch. Nhưng quả thật là trong các năm gần đây, dư luận rất băn khoăn với không ít số liệu đã được công bố.
Điển hình là chuyện TP.HCM và Hà Nội không phát hiện được tham nhũng. Điều này có phản ánh đúng tình hình thực tế khi nhân dân cả nước đang coi tham nhũng là “quốc nạn”? Còn các tổ chức quốc tế thì xếp hạng nước ta nằm trong tốp thấp nhất về công khai, minh bạch tài sản.
Ngay cả những vị nguyên thủ quốc gia cũng thừa nhận tham nhũng có trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.
Trước thực tế như vậy mà thản nhiên nói không phát hiện được tham nhũng là không ổn, đồng nghĩa với việc cơ quan làm nhiệm vụ chống tham nhũng hoạt động không hiệu quả?
Tương tự, chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề gây bức xúc nhưng xem ra báo cáo của cơ quan chức năng lại rất lạc quan.
Ở lĩnh vực này các cơ quan chức năng đưa ra nhiều loại số liệu khác nhau về thực phẩm bẩn, nhưng nói chung chỉ loanh quanh ở con số như 10% thịt có chất tạo nạc, 10,3% rau có dư lượng hoạt chất bảo vệ thực phẩm, 1,01% mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất cấm sử dụng...
Nếu những con số này đúng thì chắc rằng người dân đâu có kêu bị “thực phẩm bẩn bủa vây”, đại biểu HĐND TP.HCM đâu có khẳng định: “Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại”.
Không riêng các số liệu nêu trên, còn nhiều số liệu khác bị ngờ vực như chỉ số người thất nghiệp, phong trào xây dựng gia đình văn hóa hoặc chỉ số trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ, chỉ số lời - lãi của ngành điện lực, xăng dầu...
Ngay cả GDP của các địa phương cũng có thời trở thành “bão tố” trên nghị trường Quốc hội khi các đại biểu cho rằng không phản ánh đúng giá trị thật.
Trong dịp cuối năm nay, dư luận lại đang dấy lên nghi ngại về chuyện đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn qua thì thấy quy trình rất phức tạp, nhưng liệu có tái hiện con số chỉ 1% “sáng vác ô đi, tối vác ô về” như trước đây từng được công bố?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chuyện các cơ quan chức năng đưa ra những số liệu không chính xác. Trong đó quan trọng nhất là bệnh thành tích, tô hồng, làm đẹp văn bản. Nếu cứ kéo dài mãi tình trạng này thì e rằng đất nước chỉ phát triển “trên giấy” mà thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận