16/09/2017 12:34 GMT+7

​Những cô gái Hà Nội mê bóng rổ

PHƯƠNG THẢO
PHƯƠNG THẢO

TTO - Với niềm đam mê bóng rổ, từng nhóm nữ sinh tụ họp lại và cùng nhau tự bỏ tiền thuê sân bãi để luyện tập, rồi phát triển thành các CLB bóng rổ nữ.

Niềm vui khi chiến thắng của các cô gái. ẢNH: SELENA NGUYỄN
Niềm vui khi chiến thắng của các cô gái. ẢNH: SELENA NGUYỄN

Chưa hết, họ còn tự mời HLV và tự góp kinh phí để tổ chức sân chơi bóng rổ cho chính mình.

“Lửa” đam mê luôn “cháy”

Cao 1m58 nhưng chỉ nặng 45kg, không ai nghĩ cô gái 18 tuổi với thân hình còi cọc Chử Minh Hạnh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại là một người rất mê bóng rổ.

Bà Tô Thị Bích Ngọc - mẹ của Hạnh cho biết, Hạnh có thể dành hàng giờ xem các video bóng rổ trên mạng và tự tập theo. Từ khi còn học tiểu học, Hạnh đã đăng ký tham gia CLB bóng rổ của trường. Mức học phí 150.000 - 200.000/tháng khá cao so với điều kiện gia đình nên tập được một thời gian, Hạnh phải xin nghỉ.

Nỗ lực ghi điểm của một VĐV. SELENA NGUYỄN
Nỗ lực ghi điểm của một VĐV. SELENA NGUYỄN

Ấn tượng với tình yêu bóng rổ của Hạnh, thầy chủ nhiệm CLB lúc đó đã tìm gặp và đồng ý cho Hạnh tập cùng đội miễn phí. Tính đến nay, dù đã tập bóng rổ được hơn 10 năm nhưng “lửa” đam mê trong cô gái nhỏ này vẫn luôn “cháy”. Hiện tại, Hạnh đang chơi cho CLB Fudo và vừa cùng các đồng đội đoạt hạng nhất tại Giải Trẻ các CLB bóng rổ nữ không chuyên Hà Nội năm 2017.

Trái ngược với Chử Minh Hạnh, Hạ Bá Thùy Dung (18 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm) có “tiền sử” rất ghét bóng rổ! Thế nhưng, sau một thời gian tập đúng kỹ thuật và có thêm các đồng đội trên sân, Thùy Dung đã đam mê bóng rổ đến mức ngày nào không ra sân là cảm thấy “bức bối” trong người. Dung chia sẻ: “Tập bóng rổ giúp cuộc sống của tôi có nhiều màu sắc hơn, tinh thần phấn chấn hơn. Trong suốt 3 năm tập bóng rổ, căn bệnh hen suyễn và tim mạch từ nhỏ của tôi chưa lần nào tái phát”.

Tự đứng ra tổ chức giải đấu

Tìm nguồn tài trợ cho bóng rổ đã khó, xin tài trợ cho các đội bóng rổ nữ không chuyên lại càng khó hơn. Hầu hết, các CLB hiện này đều tự duy trì bằng việc đóng quỹ đội.

Huyền Chi (23 tuổi, lãnh đội của CLB Whales - tên cũ là LES) cho biết các thành viên tham gia CLB đóng quỹ theo tháng từ 100.000 - 200.000 đồng/người. Mức quỹ khá linh hoạt để tạo điều kiện cho các thành viên. Ví dụ: người đi làm đóng 200.000 đồng, sinh viên đóng 150.000 đồng… Các thành viên kỳ cựu đã có công việc ổn định thỉnh thoảng sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho CLB.

Dù Whales đã hoạt động được 10 năm và tham gia nhiều giải không chuyên nhưng Huyền Chi cho biết như thế vẫn chưa đủ để thỏa mãn niềm đam mê của các cô gái.

Một pha tranh chấp bóng của các tuyển thủ nữ trên sân. Ảnh: SELENA NGUYỄN
Một pha tranh chấp bóng của các tuyển thủ nữ trên sân. Ảnh: SELENA NGUYỄN

Quá “khát” giải, Huyền Chi cùng một người bạn đã tự đứng ra tổ chức giải đấu mini có tên WHNB3x3 với chi phí đóng góp 50.000 đồng/người. Giải đấu mở cửa cho mọi đối tượng. Ban tổ chức sẽ dựa vào thông tin các thí sinh cung cấp để phân loại, bốc thăm và chia bảng thi đấu.

Bất ngờ ở chỗ, tuy chỉ là một giải nhỏ với nguồn kinh phí eo hẹp nhưng mọi công đoạn từ soạn điều lệ, thuê sân bãi, mời trọng tài, bốc thăm hạt giống… đều được tiến hành đầy đủ, chuyên nghiệp. Đến nay, giải đã sống hùng mạnh trong 3 năm. Năm 2017, giải có 70 VĐV đăng ký tham gia, tương đương khoảng 23 đội, một con số đáng nể so với các giải đấu chuyên nghiệp khác tại VN.

Nỗ lực phát triển bóng rổ nữ không chuyên

Giải thích cho việc nữ rất khó tự tổ chức giải riêng, Huyền Chi cho rằng vấn đề ở chỗ do thiếu trọng tài. Chi phí thuê trọng tài khá cao, ít nhất một trận phải trả 200.000 đồng/trọng tài, trong khi một trận đấu cần ít nhất 6 trọng tài và luôn phải thuê nhiều hơn số lượng 6 người để các trọng tài thay phiên nhau bắt trận.

Nhận thức được vấn đề, Huyền Chi đã cùng HLV của CLB Whales Nguyễn Sơn Tùng (hiện là trọng tài của Liên đoàn bóng rổ VN) thay đổi định hướng cho toàn đội bằng cách đào tạo thêm các lớp học về trọng tài. Huyền Chi chia sẻ: “Mơ ước của chúng tôi là có thể phổ cập luật bóng rổ, xây dựng một hệ thống cho bóng rổ nữ không chuyên. Đến nay, Whales đang đào tạo ba đội gồm: đội chính, đội trẻ và đội dự bị, đồng thời đang cử người đi học về trọng tài. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để giữ lửa đam mê cho phong trào bóng rổ nữ không chuyên VN”.

Đẩy mạnh phong trào bóng rổ nữ không chuyên

Ông Trần Hoàng Thịnh - Chủ tịch Hội bóng rổ không chuyên HN cho biết lần đầu tiên, Ban chấp hành Hội đã có đại diện nữ chính thức, nhằm theo sát phong trào bóng rổ nữ không chuyên và đề xuất các kế hoạch phát triển các giải đấu cho nữ. Đối với giải tự phát do các CLB tự đứng ra tổ chức, Hội bóng rổ không chuyên có ủng hộ một phần kinh phí và hỗ trợ về phương diện trọng tài.

Trong năm nay, Hội đã tổ chức thành công Giải trẻ các CLB bóng rổ nữ không chuyên từ ngày 5-21/8 với 7 đội tham gia, đồng thời đang có kế hoạch khởi động lại Giải vô địch các CLB nữ đã bị bỏ quên từ lâu.

PHƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bóng rổ các cô gái