05/02/2018 11:05 GMT+7

Những cô gái đam mê tốc độ

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TT - Cứ mỗi buổi chiều cuối tuần, các trường đua ở TP.HCM và Bình Dương lại rải rác những “bóng hồng” đặc biệt - các nữ VĐV đua xe môtô hiếm hoi ở VN.

Thu Trang (phải) và Thanh Thủy trên sân tập. Ảnh: T.P.
Thu Trang (phải) và Thanh Thủy trên sân tập. Ảnh: T.P.

Hôm 4-2, giải đua xe GP Feel the Speed 2018 đã diễn ra ở nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) với sự tham gia của 8 VĐV nữ, một con số hoàn toàn khiêm tốn khi đặt cạnh lượng VĐV nam dự giải lên đến gần 200 người.

“Mẹ tôi khóc nhiều lần khi thấy con đua xe”

Ở VN, đặc biệt là TP.HCM, đua xe vẫn là một môn thể thao còn rất mới với phái yếu. Trong số 8 VĐV dự giải, Lưu Thị Thu Trang là VĐV lớn tuổi cũng như dày dạn kinh nghiệm bậc nhất, chỉ mới 27 tuổi. Cô gái quê ở Đắk Lắk này chỉ mới đến với đua xe chưa đầy 4 năm, nhưng nay đã trở thành ứng cử viên vô địch hàng đầu ở mọi giải đấu mà cô tham dự.

“Tôi bắt đầu tập đua xe từ hồi mới vào Sài Gòn lập nghiệp cách đây 4 năm, nhưng khi đó chủ yếu là tập kỹ năng biểu diễn xe môtô. Đến tận năm 2015 tôi mới làm quen với đua xe tốc độ. Hoàn toàn là tự tập luyện chứ không trải qua khóa đào tạo bài bản nào cả, cùng lắm chỉ nhờ các VĐV lớn tuổi hơn chỉ dẫn cho. Lần nào dự giải tôi cũng đoạt giải nhất hoặc nhì nên gắn bó từ đó đến giờ” - Trang kể.

So với đàn chị, kinh nghiệm của Nguyễn Thị Thanh Thủy (24 tuổi) lại càng ít hơn, khi cô chỉ mới tập đua xe môtô trong vòng 1 năm trở lại đây. Công tác trong ngành xuất nhập khẩu, cô gái trẻ này cho biết bản thân chưa từng chơi thể thao thực thụ trước đây. Thủy đến với đua xe khá tình cờ, khi cô từng quen bạn trai là VĐV môn thể thao này. “Tôi thực sự chưa bao giờ chơi thể thao, trừ giờ thể dục trên trường. Nhưng tôi lại rất đam mê những chiếc xe. Đi theo bạn bè nên dần dần tôi cũng làm quen với những chiếc xe đua, rồi tham dự giải cho vui” - Thủy kể.

Thu Trang (trái) và Thanh Thủy tập luyện  trước thềm giải đấu. Ảnh: T.P
Thu Trang (trái) và Thanh Thủy tập luyện trước thềm giải đấu. Ảnh: T.P

Chỉ sau một thời gian ngắn, Thủy chứng tỏ được năng khiếu khi liên tục giành các thứ hạng cao trong các giải đua. Cô được một hãng xe chọn vào nhóm VĐV trẻ để đào tạo bởi các HLV đến từ Nhật Bản. Chỉ đến lúc này, Thủy mới thực sự tiếp xúc với cuộc đời của một VĐV đúng nghĩa. “Các HLV người Nhật huấn luyện cho tôi rất nhiều thứ, kể cả việc tập thể lực. Thú thật, lần đầu tiên trong đời tôi bị bắt chạy nhiều đến thế, rồi những bài tập nặng khác. Nhưng tôi không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, đây là một cơ hội lớn để tôi thử thách bản thân” - Thủy nói.

Không ngại khó, ngại khổ, Thủy vẫn đối mặt với một rào cản lớn khi theo nghiệp VĐV đua xe: sức ép từ gia đình. “Mẹ tôi khóc khi biết tôi muốn đi đua xe, khóc nhiều lần lắm. Tôi đã cam kết với mẹ là chỉ đua trong trường đua, bao gồm tập luyện và thi đấu giải chứ không bao giờ đua xe trên đường, mẹ tôi mới cho phép. Nhiều lúc chấn thương cũng phải giấu” - Thủy chia sẻ.

Cô thợ may đa tài

So với Thanh Thủy, Thu Trang có nhiều kinh nghiệm chơi thể thao hơn, dù công việc chính của cô hoàn toàn không liên quan gì. Lặn lội lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng, cô gái quê Đắk Lắk trải qua không ít nghề trước khi theo nghiệp thợ may. “Hồi còn ở Bình Dương, tôi từng đi dạy trượt patin cho trẻ em. Patin giống với đua xe ở chỗ đòi hỏi sự dẻo dai, nhanh nhẹn cũng như... chịu đau khi té. Đua xe chấn thương nhiều lắm, hầu như buổi tập nào cũng té một lần, tuy tôi chưa dính chấn thương nặng nào nhưng trầy xước là chuyện bình thường” - Trang kể.

Chuyên tâm nghề thợ may một thời gian dài sau đó, Trang lại bắt đầu đến với nghiệp đua xe khi cuộc sống đã dần dư dả. Thuở mới vào nghề, Trang cũng như nhiều cô gái khác, chỉ có thể chạy nhờ xe của hãng mỗi lần tập dượt trước thềm giải đấu. Kỷ niệm với cô thợ may trẻ tuổi là một lần dự giải cách đây hơn 2 năm, cô liên tiếp gặp 2 tai nạn kinh hoàng, khiến chiếc xe đua được cho mượn bị cong cả sườn, may mắn là Trang chỉ xây xát nhẹ.

Video clip một số khoảnh khắc ở giải đua. Thực hiện: T.P

Chăm chỉ làm ăn, dần dà Trang mở được một cửa tiệm riêng cho mình, rồi từ đó cô bắt đầu thỏa nguyện đam mê khi sắm hai chiếc xe đua, cùng với những trang thiết bị bảo hộ khác. Đua xe với cô gái này thực sự chỉ là một thú vui, khi tiền thưởng ở mỗi giải “chưa đủ để mua giày” - Trang chia sẻ.

Nhiều người cho rằng đua xe là một môn thể thao dành cho giới “dân chơi” hoặc con nhà khá giả, nhưng với Thu Trang hay Thanh Thủy, đó chỉ là một thú vui thể thao sau hàng chục giờ lao động miệt mài của họ mỗi tuần.

Thỏa đam mê tốc độ

Ngày 4-2, Giải đua xe GP Feel the Speed 2018 đã diễn ra ở nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) với sự tham dự của khoảng 200 VĐV ở 6 hệ thi đấu của 3 nội dung (giải mở rộng - giải xe hãng - giải CLB). Đây là lần đầu tiên tại TP.HCM diễn ra giải đua xe gắn máy trên mặt đường nhựa có chiều dài 430m với 10 khúc cua trái - phải đầy thử thách.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó ban tổ chức giải Ngô Quang Vinh (phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao VN) nói: “Giải mang đến cơ hội thỏa đam mê tốc độ dành cho nhiều đối tượng thanh niên ở hệ chuyên nghiệp lẫn phong trào, cả nam lẫn nữ. Sức hút quá lớn nên ban tổ chức phải “đóng sổ” chỉ sau một buổi cho đăng ký vì số lượng người muốn tham gia quá đông. Sau thành công của giải này, TP.HCM tiếp tục phát triển và mở rộng giải trong tương lai”.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên