Phóng to |
Chị Dung và anh Biên (giữa) cùng những người bạn thăm một bệnh nhân |
Chuyện thứ nhất: lập sản nghiệp từ hũ yaourt
Với tôi, yaourt của chị ngon nhất Nha Trang. Mà chắc đối với nhiều người dân Nha Trang cũng thế. Bởi chỉ trừ những ngày mưa dầm dề, chiều nào quán 82 Nguyễn Trãi của chị cũng đông chật khách tới ăn hoặc mua đem về. Ăn yaourt mà khách phải lóng ngóng chờ ghế quả là chuyện ít thấy.
“Yaourt 82” có cái vị béo, thơm, không quá ngọt, không quá chua..., đặc biệt nhất là đạt được độ dẻo quánh, ăn tới hết hũ vẫn không tan chảy. Có đủ loại: mềm cho người già, dẻo cho người trẻ, thích sự trung dung, và đông đá “cho mấy đứa choai choai” khoái nhai rôm rốp. Đó là phân tích của bà chủ quán yaourt, có pha đôi chút ý định muốn chọc ghẹo tôi khi thấy tôi thích ăn loại yaourt đông đá.
Có thể nói yaourt là món dễ làm nhất, ai làm chẳng được nhưng làm yaourt mà gây dựng được cả sản nghiệp, làm yaourt mà có tiền gửi ngược sang nuôi con ở Mỹ như chị là chuyện độc đáo. Lại có sinh viên tìm đến chị để thu thập thông tin làm đề tài tốt nghiệp về men yaourt. Nghe nói đề tài được chấm điểm tối đa kia đấy.
Chuyện thứ hai: món nợ hơn 30 năm
Đâu sau 1975, sau khi cưới chừng sáu tháng, một hôm lúc chị đang lui cui trong bếp, anh bước vào, bảo chị lên nhà trên “khất với nó một tiếng”. Chẳng là bên anh có nợ một người bạn 200.000 đồng (tương đương 20 cây vàng). Chị nổi giận, cơn giận phần nào có chất chứa những ẩn ức khác nữa ngoài chuyện nợ nần này, chị ngọt nhạt với ông khách: “Chuyện nợ nần xảy ra trước khi tôi về với ông Biên, tôi không biết gì. Tiền ai mượn nấy trả, ông cứ ông ấy mà đòi...”. Người đàn ông nhỏ nhẹ: “Dạ, em cũng biết vậy nên đâu dám gặp chị, chỉ to nhỏ với ảnh thôi”. Rồi thôi!
Thấm thoát đã gần ba chục năm. Giữa năm ngoái, anh Biên thấy người suy yếu dần do những biến chứng của bệnh tiểu đường. Anh bàn với chị tìm lại người bạn năm xưa tên Phan. Trong lòng anh bấy lâu nay canh cánh món nợ cũ, nhưng ngần ấy năm trôi qua, biết người bạn lưu lạc phương nào. Anh đã tìm kiếm trên mạng, biết được thông tin ban đầu rằng họ đạo của người bạn năm xưa hiện ở Gia Kiệm, Đồng Nai.
Lúc này anh Biên đã nằm liệt trên giường bệnh rồi. Chị hứa sẽ tìm ngay để anh yên lòng. Thật tình lúc đầu chị định nhờ đăng báo, nhưng có người bạn chí cốt của anh Biên, bàn để đích thân anh ấy đi tìm.
“Gặp nhà thờ nào cũng lủi vô hỏi, không có, lại đi nữa. Người dân ở đó rất nhiệt tình, đưa tới nhà năm, sáu người tên Phan, nhưng đều không phải là bạn anh Biên. Lúc trời gần tối, nghe tin ở xóm bên có một người tên Phan nhưng đã dọn về Lâm Đồng, còn người em ở đó, tôi vội tìm tới” - người bạn tốt bụng kể. Người em gọi điện thoại lên Lâm Đồng cho hai người nói chuyện với nhau. Lần này đúng là ông Phan, người cần tìm.
Ông Phan khi ấy mới biết tin ông Biên bệnh nặng và có điều muốn nói cùng ông. Nhưng thật ra vào lúc ấy đã có tin ông Biên qua đời.
Gặp lại ông Phan ở đám tang, chị nhận xét ông này “hiền như cha xứ”. Hơn nữa, ông cũng đã rất tin gia đình chị, đưa số tiền lớn mà không giữ một giấy tờ gì. Nên chị quyết định sẽ gửi tiền cho ông. Lúc này người bạn chí cốt của anh Biên cũng tiết lộ với chị là cả chục năm nay, anh Biên gom góp tiền gửi anh cất giùm để trả món nợ này, được khoảng mười cây vàng. Chị bảo tôi với giọng thường lệ mỗi khi nói về anh Biên - tuồng như trách móc nhưng hàm chứa tình thương: “Cô xem đó, ổng cất giấu tiền riêng!”.
Chuyện thứ ba: tiết kiệm và rộng rãi, chấp và khoan dung
Tôi quen chị cũng phải đã 15 năm. Chị tự nhận tánh gàn. Ít giao tiếp. Suốt ngày ở nhà với những mẻ yaourt. Cả đời đâu chỉ vài lần đi ăn tiệm. Thương ai cái gì cũng rút ruột ra cho, đã không ưa ai đụng mặt không thèm nhìn. Chị đi chùa, học giáo lý, đi làm phước, cúng dường, cho tiền từ thiện. Tự nhận mình là người tốt nhưng không bỏ được chữ “chấp”.
Chị không thiện cảm với một người em chồng. Nhưng vì biết anh Biên thương em, thương cháu nên khi anh bệnh, có ý muốn gặp cháu, chị đã nhờ anh Hớn đi tìm. Chị có hứa sẽ cho cháu tiền để mua xe gắn máy. Ngày anh mất, chị nhắn cháu về. Trước quan tài anh, chị khấn lớn: “Ông sống khôn thác thiêng, chứng cho lòng thành của tôi. Tôi đã tìm được ông Phan chủ nợ, trả tiền mà ông nợ trước khi cưới tôi. Tôi cũng tìm được con H. cháu ông. Tôi với mẹ nó có chuyện, nhưng nó trẻ thơ đầu xanh vô tội... Đây là tôi cho cháu tiền như đã hứa, nhưng cho là cho đứt, về sau không còn dính líu gì nữa”.
Mấy tháng sau, người em chồng kiện chị ra tòa, đòi quyền lợi trong căn nhà. Chị chứng minh được nguồn gốc nhà là của riêng vợ chồng chị nên thắng kiện. Chị không chấp, cho tiền đóng án phí.
Đi ăn tiệm đãi khách còn một cuốn chả giò chị cũng gói đem về. Nhưng mỗi năm vài lần đi đóng góp cho các nơi như bệnh viện tâm thần, bệnh viện lao, phong, nhà nuôi người già, trẻ mồ côi... chục triệu không tiếc. Một năm đổ lại đây chị khoe là đã “đi làm việc”, có lương đàng hoàng, mỗi tuần năm ngày, ngày ba tiếng cho cơ sở chữa bệnh từ thiện. Khoản lương tháng ba trăm ngàn này chị đem cúng dường hoặc cho từ thiện.
Chị đang làm hồ sơ xuất cảnh. Chị cũng chẳng muốn đi, chỉ vì các con lôi kéo quá. Tôi chọc: “Bên đó không có chùa Việt cho chị đi đâu”. Chị cười: “Có, tôi đi rồi, sinh hoạt hội hiếc cả rồi”. Chị bảo đã có tâm nguyện giúp người thì qua Mỹ hay ở đây cũng vậy, miễn kiếm được tiền gửi về là được. Vậy còn nghề làm yaourt? Chị bảo đã cho in, phát hàng trăm bản chỉ cách làm.
Tôi hỏi vặn: “Công thức ai chẳng biết, nhưng cái người ta cần là bí quyết kìa”. Chị cũng đùa lại: “Có người hỏi tôi sao cũng làm như tôi chỉ nhưng không được như vậy. Tôi cười, nói tại vì khi làm tôi có đọc câu thần chú “xin cho con bán đắt hàng để còn giúp người nghèo, người bất hạnh”, cho nên yaourt tôi mới được ngon”.
Chị tên là Lê Thị Dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận