31/01/2021 13:31 GMT+7

Những chiếc túi mây tre đan thay đổi 'nhờ' COVID-19

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Mất 6 tháng dừng sản xuất vì sản phẩm không thể xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng gia đình bà Trần Thị Nhung (làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã tìm được hướng đi mới cho sản phẩm của mình.

Những chiếc túi mây tre đan thay đổi nhờ COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Nhung đã tìm ra hướng đi mới cho sản phẩm mây tre đan truyền thống của gia đình

Tại làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chủ yếu các hộ sản xuất sản phẩm thủ công xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu sản phẩm gặp không ít khó khăn, nhiều cơ sở phải dừng sản xuất.

Những ngày này, cơ sở sản xuất hộ gia đình nhà bà Trần Thị Nhung lại đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm để giao cho khách hàng trước dịp Tết Nguyên đán. Người đan, người đính kết các phần của giỏ xách, quét dầu, chiết quai…, mỗi người đảm nhiệm một công đoạn riêng.

"Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sản phẩm của làng, nhà tôi cũng không có việc để làm nữa. Lúc ấy tôi ngồi nhà buồn mới nghĩ: "Hay là mình in ảnh lên túi để đeo cho lạ". Nghĩ là làm, tôi đi in hình mình lên mặt gỗ, rồi kết lại với túi xách mình vẫn thường làm.

Tháng 6, trong một lần đi du lịch, nhiều người họ nhìn thấy chiếc túi tôi đeo, họ khen túi nhìn đẹp, lạ mắt và ngỏ ý muốn mua. Vậy là tôi nhận làm những chiếc túi mây tre đan kết hợp với hình ảnh của khách hàng", bà Nhung chia sẻ.

Những sản phẩm đầu tiên ra đời đã mang đến cho gia đình bà Nhung công việc hoàn toàn mới. Ban đầu chỉ là làm túi in ảnh theo ý khách hàng, sau đó bà Nhung thiết kế một số mẫu sẵn để bán cho khách có nhu cầu.

Chị Vương Phương Quỳnh (con gái bà Nhung) vừa đan túi vừa tranh thủ trả lời khách hàng. Chị cũng là "nhân viên bán hàng" chính của gia đình. Tất cả các sản phẩm chủ yếu được bán trên mạng.

"Trước đây, làng nghề mình sản xuất đại trà và xuất khẩu đi các nước, còn bây giờ mình muốn sản phẩm này được nhiều người Việt Nam biết đến hơn. Khó khăn nhất là ít người Việt Nam biết đến sản phẩm, và giới trẻ hiện nay thường chạy theo "mốt", chạy theo xu hướng và rất ít người thích họa tiết truyền thống. 

Mình phải cải biến đi cho giống với những sản phẩm mà giới trẻ thích, thêm các họa tiết dễ thương để các bạn yêu thích sản phẩm hơn", chị Quỳnh cho hay.

Những chiếc túi mây tre đan thay đổi nhờ COVID-19 - Ảnh 2.

Mỗi người trong gia đình đảm nhận một công đoạn để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh

Để cho ra một chiếc túi có mẫu mã đẹp, không chỉ nằm ở việc phối các họa tiết hay hình ảnh lên túi mà bắt đầu từ công đoạn chọn nguyên liệu. Chị Quỳnh cho biết, song của túi phải đều màu, guộc cũng phải đều màu, không được quá già hay quá non. Hai là các công đoạn làm quai, giang phải dẻo hay cái nhôi cũng phải đều màu, không đứt đoạn thì mới cho ra sản phẩm đẹp.

Mỗi chiếc túi có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy kích thước, mẫu mã. Mỗi sản phẩm lại mang một cá tính riêng, phong cách riêng mà do chính khách hàng lựa chọn. Từ việc hình ảnh trên túi cho đến độ dài của quai túi đều được làm để phù hợp nhất với khách hàng. Bên cạnh đó, còn có những sản phẩm được làm sẵn với những hình ảnh gần gũi.

"Những họa tiết mang hình ảnh Việt Nam như áo dài, các danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, cầu Thê Húc… để cho khách hàng ở các khu du lịch có thể tiếp cận với văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, mình còn làm những túi không có họa tiết, làm từ thiên nhiên mang đậm bản sắc dân tộc", bà Nhung nói.

Những chiếc túi mây tre đan thay đổi nhờ COVID-19 - Ảnh 3.

Những chiếc túi thủ công có mẫu mã mới được nhiều khách hàng tìm đến

Những chiếc túi mây tre đan thay đổi nhờ COVID-19 - Ảnh 4.

Những hình ảnh thân thuộc kết hợp với túi mây tre đan truyền thống đã mang đến hướng đi mới cho sản phẩm của làng nghề. Mỗi chiếc túi như thế này có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy kích thước, mẫu mã

Những chiếc túi mây tre đan thay đổi nhờ COVID-19 - Ảnh 5.

Chị Quỳnh mong muốn sản phẩm sẽ tìm được hướng đi mới, mang sản phẩm của người Việt đến với người Việt

Chàng trai Mông thử nghiệm nơi bản làng đáng sống Chàng trai Mông thử nghiệm nơi bản làng đáng sống

TTO - Trên rẻo cao Mù Cang Chải, cái nghèo cái đói bủa vây, nhiều chàng trai cô gái quyết chí xuống núi học lấy cái chữ rồi quay về dựng xây bản làng. Trong số đó có chàng trai người Mông khôi ngô, chí thú làm ăn.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên