Họa sĩ Lê Thúy bên sắp đặt Đàn bầu 39 - Ảnh: MAI THỤY
Triển lãm Sự im lặng chói tai ngay ở nhan đề đã là một nghịch lý và những sắp xếp đối nghịch như vậy được đặt để rải rác như để khích người xem cố nghe một chuỗi âm thanh không tồn tại.
Tác phẩm của họa sĩ Lê Thúy gợi lên phong cảnh yên bình ở những mảnh đất hoang, ngọn núi vô danh trải dọc đất nước. Kỹ thuật sơn mài nhiều lớp được áp dụng trên mặt đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tứ, đàn sến... Hai chất liệu cổ truyền hòa vào nhau trong cả dáng hình và màu sắc, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Thế nhưng, không khó để nhận ra cảm xúc chênh vênh của họa sĩ. Bằng những cây đàn không dây, Lê Thúy gợi tưởng về thứ thanh âm đẹp chỉ còn trong tâm khảm và vì thế, cái cảnh trí thiên nhiên thanh tịnh kia giờ đây cũng chỉ nằm ở ký ức. Xem những bức đàn - tranh của Lê Thúy, người ta mới vỡ lẽ rằng hóa ra Bá Nha gác đàn không phải vì thiếu một tri âm mà chính là để những điều đẹp nhất được sống mãi nơi tiềm thức.
Sắp đặt 39 cây đàn với họa tiết mái chùa, hoa lá khiến người xem nhớ lại nơi ra đời của sơn ta - trên những cột đình, chùa ở làng quê Bắc Bộ. Trong khi đó, tác phẩm Giọt nước mắt với hình dáng của chiếc đàn bầu lại trở thành nơi Lê Thúy trút tâm sự, dành lòng thành kính cho quá khứ vàng son của nhạc cụ dân tộc, thiên nhiên và chất liệu sơn mài. Ý niệm này, họa sĩ Lê Thúy còn gieo lên những bức tranh lụa phảng phất hoài niệm (lạ lùng là họa sĩ vừa sáng tác sơn mài vừa dùng lụa, hai chất liệu có tính nặng - nhẹ đối nhau chan chát).
Sự im lặng chói tai thực ra rất khó xem, phải nghe âm thanh từ những dây đàn đã đứt, phải đau nỗi đau thực tại trong cái đẹp của quá khứ. Nhiêu đấy cũng đủ thách thức người xem bước vào gian phòng của Lê Thúy để chiêm nghiệm sự vụn vỡ. Triển lãm gồm 21 cụm tác phẩm diễn ra đến ngày 8-1-2021 tại Vin Gallery (quận 2, TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận