![]() |
Cây cầu trên đường vành đai 3 (song song với cầu Dậu) nối từ đường Kim Giang đi khu đô thị Linh Đàm đang xây dở dang đột nhiên bỏ đó - Ảnh: Lâm Hoài |
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và lãng phí... cho thành phố. Thế nhưng những dự án duy tu, xây mới cầu vẫn còn nằm trên giấy.
Qua cầu… thót tim
Do xuống cấp nghiêm trọng, đầu năm 2007 cầu Tó - nối liền tuyến đường 70 từ Văn Điển vào TP Hà Đông (Hà Tây) - đã bị sập hoàn toàn. Hơn một năm nay cầu tạm thay thế được dựng lên sơ sài, nền cầu đắp bằng đất, vữa và vài tấm thép lá lót tạm, lan can cầu làm bằng... tre. Nhiều hộ dân ở đây cho biết đã có hàng chục vụ tai nạn xảy ra tại cầu tạm này: người lao xuống sông, người đâm vào mố, có trường hợp oái ăm bị lọt cả người lẫn xe xuống giữa nhịp cầu... Cách đó 200m cầu Bươu cũng đang trong tình trạng rệu rã, sàn và dầm cầu võng xuống gần sát mặt sông Tô Lịch, trong khi mỗi ngày cầu phải oằn mình gánh 3.000-4.000 lượt ôtô qua lại.
Ngoài cầu Tó, cầu Bươu, trên đường 70 còn có năm cây cầu khác cũng xuống cấp trầm trọng, có thể "rụng" bất cứ lúc nào, đó là cầu Triền, cầu Ngà, cầu Đăm, cầu Vàng... Những cây cầu này đều chung tình trạng: mố lún sụp, mặt sàn nứt rạn, các thanh dầm gãy hoặc cong, dầm đà bong tróc, hoen gỉ... Điều này khiến việc lưu thông của phương tiện từ các tỉnh phía tây qua quốc lộ 6 vào Hà Nội để đi các tỉnh phía nam, phía bắc gặp rất nhiều khó khăn; tuyến đường vành đai 2 - Hà Nội cũng bị quá tải trầm trọng, thường xuyên bị ùn tắc.
Cùng chung số phận, cây cầu "già” - cầu Đuống nằm ở cửa ngõ Hà Nội từ Long Biên sang tỉnh Bắc Ninh cũng đã bước vào giai đoạn hết đát: mố cầu nham nhở, mặt cầu thủng lỗ chỗ, lan can gãy rụng gần hết, các thanh dầm đã hoen gỉ khiến khả năng chịu lực rất kém. Nhiều tài xế qua đây cho hay mỗi khi xe có tải trọng lớn chạy qua là cầu rung lên bần bật như chực khuỵu xuống. Cánh tài xế phải chia nhau dò dẫm "bò” qua cầu lần lượt từng chiếc vì sợ cầu sập, tình trạng kẹt xe trên cầu cũng diễn ra thường xuyên.
Hàng chục cây cầu khác của Hà Nội cũng xuống cấp, ùn tắc, phải hạn chế tải trọng như: Tú Tạo (đường 35), Kiêu Kỵ, Vĩnh Quỳnh, Xuân Đỉnh, Đôi (đường Yên Hòa), Thủy Lợi (đường Phủ Diễn), Thủy Lợi (Liêm Mạc, Từ Liêm), Trắng (đường Giải Phóng), Khỉ (đường Nguyễn An Ninh), Khương Đình (bắc qua sông Tô Lịch, nối đường Kim Giang - Khương Hạ), Lạc Trung (ngã tư Thanh Nhàn - Lạc Trung - Kim Ngưu), Phương Trạch (đường Vực Dê)...
Bị "tắc" giữa chừng
Sở GTCC Hà Nội cho biết trong tổng số 73 cây cầu trên địa bàn thành phố có 30 cầu xuống cấp phải cắm biển hạn chế tải trọng, 11 cây cầu cần được đầu tư xây mới, trong đó năm cầu được đề nghị xây dựng mới, sáu cầu đã có quyết định chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thực hiện được... |
Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị (BQLDA DT GTĐT) - thuộc Sở GTCC cho biết việc phân cấp quản lý cầu hiện còn chồng chéo. Cụ thể: phía bắc sông Hồng (19 cầu) do Công ty CP Xây dựng công trình giao thông (CTGT) 1 quản lý; phía tây và phía nam (28 cầu) do Công ty CP CTGT 2 quản lý; cầu nội thành (42 cầu) lại được giao Công ty TNHH nhà nước một thành viên CTGT Hà Nội quản lý, một số cầu khác lại thuộc quản lý của Bộ GTVT, Cục Quản lý đường bộ... Điều này dẫn đến việc quản lý, giám sát, theo dõi chất lượng cầu, việc triển khai các dự án duy tu, bảo dưỡng, xây mới cầu mất nhiều thời gian và gặp trở ngại.
Thực tế cho thấy nhiều cây cầu đã được phê duyệt và đấu thầu, tuy nhiên lại bị "tắc" giữa chừng. Đơn cử như cầu Tó từ năm 2002 Sở GTCC chỉ đạo BQLDA DT GTĐT bàn giao dự án cho BQLDA đường bộ 2 (Bộ GTVT) thi công, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện; còn cầu Bươu BQLDA DT GTĐT mở thầu từ năm 2007 đến giờ vẫn không có nhà thầu nào tham dự. Giải thích nguyên nhân, BQLDA DT GTĐT cho rằng: thủ tục đầu tư, xây dựng cầu quá rườm rà (trình thành phố giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, lập dự án - thiết kế kỹ thuật, dự toán - trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đấu thầu và triển khai thi công); một số đơn vị thi công năng lực yếu nhận dự án không triển khai hoặc triển khai giữa chừng rồi "bỏ của chạy lấy người" khiến dự án bị đình trệ; do đơn giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, các đơn vị thi công sợ lỗ nên không dám mua thầu.
Ông Nguyễn Hữu Sùng - giám đốc BQLDA DT GTĐT - cho biết đang đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa đơn giá để mở lại hồ sơ thầu các công trình, cố gắng trong quí
2 - 2008 sẽ hoàn thành một số dự án xây dựng, cải tạo cầu. "Tuy nhiên để vượt qua hàng rào thủ tục từ lúc chỉnh sửa đến trình dự án, chờ phê duyệt còn phải mất một thời gian khá dài" - ông Sùng cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận