09/08/2006 04:01 GMT+7

Những cây cầu... buồn

NGỌC DIỆN - TẤN THÁI
NGỌC DIỆN - TẤN THÁI

TT - Ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có khá nhiều cây cầu xây xong trông rất bề thế nhưng người dân không ai đi, mà “cứ hễ nhìn nó thì thấy bực cả mình...”.

ver4Xqo9.jpgPhóng to
Cầu "tập thể dục" (cầu Tô Muối) bắc qua sông 30-4 ở thị xã Bạc Liêu rộng đến 9,5m nhưng ôtô không qua được vì một bên là đường cụt - Ảnh: NGỌC DIÊN
TT - Ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có khá nhiều cây cầu xây xong trông rất bề thế nhưng người dân không ai đi, mà “cứ hễ nhìn nó thì thấy bực cả mình...”.

Có không ít cầu bêtông cốt thép tải trọng cả chục tấn nhưng chẳng có ôtô nào qua lại. Có nơi trên một đoạn sông chỉ cách nhau chưa đầy 30m lại “chình ình” hai cây cầu, nên “một bên để đi còn một bên kia thì để... ngắm!”, như nhiều người nói.

Từ cầu “ba người”…

Mấy tháng trước người dân ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) rất vui mừng khi thấy quê mình được xây dựng chiếc cầu bêtông cốt thép kiên cố. Cầu cũ do dân góp tiền xây dựng bị dỡ bỏ nhưng ai cũng thấy khấp khởi trong bụng vì “vài tháng nữa là có cây cầu mới rồi mà”...

Ấy vậy nhưng sau khi dựng xong vài trụ bêtông thì công nhân xây cầu... biến đi đâu mất, mãi đến nay cũng chẳng thấy tăm hơi. Ông Hai Tâm, một người dân trong xã, lắc đầu ngao ngán: “Thầy thợ bỏ đi hết rồi. Giờ đây muốn đi đứng, chở mấy thứ nông sản ra chợ phải đi vòng xuống tới cầu Hai Thắng, nhưng cầu ấy cũng rệu rã lắm rồi, sắp sập đến nơi”.

Ông Nguyễn Việt Bình - phó Phòng Hạ tầng kinh tế huyện U Minh (Cà Mau): Trước đây có những cây cầu chỉ phục vụ người dân đi bộ và xe hai bánh. Sau này làm đường và cầu mới nhưng không trùng với đường cũ, vì vậy mới có nơi hai cây cầu nằm cách nhau không xa.

- Ông Nguyễn Văn Có - phó Ban Điều hành giao thông huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng): Cầu trên tuyến kênh Tiếp Nhựt của huyện Mỹ Xuyên là do Ban Quản lý dự án thủy lợi 419 làm chủ đầu tư. Khi nạo vét kênh, nếu xáng thổi làm hư cầu nào thì phải xây lại cầu mới. Nhưng từ ngày xây cầu đến nay, chúng tôi chưa bao giờ được Ban Quản lý dự án thủy lợi 419 trao đổi về chuyện xây cầu nên không biết đến bao giờ cầu mới được xây xong.

Vì không có cầu nên việc buôn bán của người dân bên bờ kênh đối diện với tỉnh lộ 8 đã bị ế ẩm. Nhiều nhà trọ xây xong nhưng không ai đến ở. Chị Dương Thị Trường Trinh cho biết: “Trước, công nhân bên Công ty thủy sản Út Xi qua đây thuê nhà trọ rầm rầm. Từ khi dỡ cầu cũ thì công nhân bỏ đi gần hết”.

Ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng (giáp ranh huyện Long Phú) cũng có một cây cầu... “dần xây”: gần ba năm nay nhưng chỉ mới có... hai nhịp. Anh Châu Gương thở dài, nói: “Nhà thầu bỏ gần ba năm rồi. Để có chỗ qua lại, dân đã đốn tre gác qua kênh đi tạm”...

Tại thị trấn U Minh, huyện U Minh (Cà Mau) khi nghe chúng tôi hỏi cầu Kênh Hậu ở đâu thì nhiều người không biết. Nhưng khi hỏi cầu…“ba người” thì ai cũng tỏ ra rất rành. Ông Trần Văn Hưng (nhà ở gần cầu “ba người”) cho biết: “Từ khi nó được xây đến giờ thường chỉ có... ba người đi lại mà thôi, do đó dân địa phương đặt “chết” tên luôn”.

Cũng theo ông Hưng và nhiều người dân sống ở đây, chuyện xây cầu “ba người” ở vị trí đầu kênh Hậu (tiếp giáp kênh 12) “thật là tức cười...” vì chỉ có vài hộ dân sinh sống nơi này. Trong khi đó ở bên kênh Mới bà con sống rất đông nhưng đang phải qua lại bằng cây cầu ván bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ở tuyến đường từ xã Thạnh Trị về Vĩnh Lợi (Thạnh Trị, Sóc Trăng) cũng vậy. Có một chiếc cầu thanh niên được dựng lên gần ba năm nay với kinh phí cả trăm triệu đồng nhưng chỉ để cho... “chim đậu”, vì phía bên kia đầu cầu là đường cụt, chỉ có mỗi một ngôi nhà!

wxjFHqOw.jpgPhóng to
Cầu ở xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) xây được vài chiếc trụ thì thầy thợ đã... "biến" mất - Ảnh: NGỌC DIÊN
Đến cầu “tập thể dục”

Nói đến những chiếc cầu ở Cà Mau làm dân không vui mà còn bực mình sẽ thiếu sót nếu không nhắc về bốn cây cầu bêtông cốt thép trên tuyến đường Đầm Dơi - Thanh Tùng. Đó là những cây cầu có gắn biển báo cho phép xe có tải trọng 8 tấn lưu thông, nhưng... từ khi khánh thành đến nay không có chiếc xe nào chạy qua. Anh Tống Hữu Thiền ở gần cầu Bảy Thi (thuộc xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) bức xúc: “Tiêu tốn ba, bốn trăm triệu chớ ít đâu, vậy mà cứ xây để... chơi”.

Tương tự, cầu Tô Muối bắc qua sông 30-4 (phường 2, thị xã Bạc Liêu) được xây với tổng vốn trên 6,5 tỉ đồng đã được thông xe gần hai năm nhưng đến nay ôtô vẫn không thể qua cầu. Nguyên nhân là dưới dốc cầu hiện nay là một ngõ cụt đầy sình bùn chỉ vừa đủ cho xe máy qua lại. Chú Năm Hùng, nhà ở gần cầu, nói: “Cầu trở thành nơi lý tưởng cho người đến tập thể dục nên dân Bạc Liêu không còn gọi là cầu Tô Muối nữa mà cứ gọi là cầu... “tập thể dục”! Có điều lên cầu tập thì sướng thật nhưng thấy cảnh xe cộ không qua cầu được thì xót lòng lắm”.

Người dân xã Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) vẫn còn sợ cây cầu do PMU18 đầu tư xây dựng cách đây hơn hai năm. Đó là cầu Xẻo Gừa được xây với kinh phí trên 6 tỉ đồng chỉ để bắc qua con kênh rộng chừng... 10m. Cầu vừa xây xong đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều chỗ lún, nứt. Không chỉ vậy, do quá cao, đường dẫn vào cầu cao gần 4m, làm che khuất toàn bộ hai dãy phố của chợ Mỹ Hương...

NGỌC DIỆN - TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên