09/05/2007 06:07 GMT+7

Những câu chuyện từ dải băng Gheorghi

ĐỨC TÂM (Theo RIA, www.9may.ru)
ĐỨC TÂM (Theo RIA, www.9may.ru)

TT - Những ngày tháng năm trên nước Nga, người ta có thể bắt gặp những dải băng đen - vàng trên ngực áo, trên cánh tay khách bộ hành, có khi thấy chúng phấp phới trên nóc ôtô tư nhân, taxi...

birZaoxa.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Nga Sergey Ivanov với dải băng Gheorghi tại cuộc gặp các cựu binh Chiến tranh vệ quốc ở Bryansk - Ảnh: RIA

Đó là những dải băng Gheorghi - tượng trưng cho sự trân trọng ký ức về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cho sự tưởng nhớ và biết ơn những con người đã hi sinh để cứu loài người khỏi thảm họa phát xít.

Dải băng Gheorghi (thánh Gheorghi - người mang lại chiến thắng) với màu đen tượng trưng cho khói súng, màu vàng sẫm tượng trưng cho lửa. Mang dải băng này trong Ngày chiến thắng, những người Nga nhắc nhau cha ông họ đã giành được chiến thắng 9-5-1945 bằng cái giá hi sinh lớn lao đến thế nào; họ tự hào về lịch sử, đất nước và gia đình của chính mình và hứa gìn giữ những giá trị của chiến thắng này...

Phong trào thắt dải băng Gheorghi do Hãng thông tấn RIA Novosti và Hội Sinh viên Nga đề xướng bắt đầu từ dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít năm 2005. Đến nay nó đang trở thành một phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân. Kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5-2007, 14 triệu dải băng Gheorghi sẽ được phân phát theo đăng ký tới nhiều nơi ở nước Nga và gần 30 nước trên thế giới.

Trong số những người tình nguyện vận động cho phong trào, nhiều người chỉ biết về sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh qua ký ức tuổi thơ, qua những câu chuyện của cha mẹ, ông bà và người thân, qua những tấm ảnh ố vàng và những bức thư mờ nét chữ trong ngăn kéo gia đình. Để lưu giữ những trang sử “sống” có thể bị lãng quên vĩnh viễn này, website www.9may.ru được lập ra để mỗi người quan tâm gửi tới đây “cuộc chiến tranh của mình”.

HqMHygyD.jpgPhóng to

Người lính Novosibirsk (Nga) với dải băng Gheorghi trên ve áo Ảnh: RIA

* “Chuyện xảy ra ở làng Nivki gần thị trấn Bykov, một trưa hè 1941. Một đoàn tù binh Nga bị áp giải. Họ đi chân trần trên phố, quân phục rách bươm hoặc bị xé ra để băng bó vết thương, những vệt máu đã sẫm lại và khô cứng vì mồ hôi và bụi đường. Người trước dìu người sau, dựa vào nhau lê bước, không ai ngã, không ai nằm lại trên đường để đợi một viên đạn của kẻ thù. Họ đi qua một làng quê hoang tàn vắng ngắt, chỉ duy nhất một em gái nhỏ lấp ló bên vườn rau. “Con gái ơi, cho chú cái gì ăn với” - một tiếng nói cất lên. Cô bé vội vã nhổ những cây củ cải, cà rốt, khoai tây, nhổ tất cả những gì đang trồng trong vườn rau ném qua hàng rào. Những củ rau tươi được những cánh tay thương tích đón bắt hết từ trên không. Cảm ơn con gái. Đoàn người vẫn đi. Cô bé len lỏi giữa các luống rau như trong đám mây mù. Nhanh lên. Nhanh nữa lên... Khi tỉnh lại, em không còn thấy đoàn người đâu nữa. Nhỏm dậy từ những luống rau, cô bé nhìn mãi về hướng những người tù rời đi...

Mẹ tôi, Lidia Antonova, đã hứng chịu cơn đau tim đầu tiên trong đời khi mới 12 tuổi đầu như thế. Chiến tranh làm bà bị thương, kinh hoàng, nhưng không sợ hãi. Bà nói sự dũng cảm của những người lính bị bắt làm tù binh, những người lính trung thành với đồng đội không gây ra nỗi sợ hãi mà chỉ mang lại cảm giác đau đớn và khâm phục”.

Vitali Antonov, 33 tuổi

* “Bác ruột tôi, Vladimir Ostapenko, sinh năm 1924, mất năm 1943 ở tỉnh Rostov. Ông được chôn trong ngôi mộ chung ở nghĩa trang trong làng Ruskoie. Năm nào mẹ và hai dì của tôi, cả chúng tôi nữa, cũng đến thăm mộ bác. Trong nhà vẫn giữ bức thư cuối cùng của bác tôi từ mặt trận gửi về. Ông viết: “Con không viết thư nữa đâu. Con nói như thế để mẹ khỏi mong thư lo con còn sống hay không. Con vẫn sống và sẽ sống”. Thư đề ngày 5-8-1943.

Bác tôi hi sinh đúng hai tuần sau đó, nhưng mãi sau chiến tranh cả nhà mới nhận được tin báo tử. Còn ông nội tôi không hề biết con trai mình hi sinh. Ông ngã xuống trước trận chiến tấn công Berlin, tháng 4-1945, nay không còn mộ”.

Olga Ostapenko, 25 tuổi

* “Bác tôi ra mặt trận sau ngày cưới ít lâu, bác gái tôi mang thai. Một năm sau có giấy báo về là bác tôi mất tích ở mặt trận Stalingrad, rồi hết chiến tranh vẫn không về. Bác gái tôi chờ đợi, một mình nuôi con, từ chối nhiều lời cầu hôn. Mãi 12 năm sau bác nhận lời lấy một thầy giáo cũng là thương binh trong chiến tranh. Vậy mà số phận như trêu ngươi, đúng ngày cử hành đám cưới, bác trai “mất tích” xưa kia trở về làng. Hóa ra ông bị bắt làm tù binh, bị nhầm là phản bội và phải đi trại cải tạo. Ngày hôm ấy, cả làng đều khóc trong đám cưới…

Cả ông nội và ông ngoại tôi đều hi sinh trong chiến tranh. Họ không phải là những anh hùng xuất chúng, nhưng đối với tôi họ mãi mãi là những con người anh dũng nhất, vĩ đại nhất. Tôi cố gắng làm sao để con cháu tôi biết về cuộc chiến tranh khốc liệt và vinh quang này. Vì thế tôi và cả nhà sẽ đính dải băng Gheorghi trên áo trong Ngày chiến thắng”.

Nadezda Balinova

ĐỨC TÂM (Theo RIA, www.9may.ru)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên