![]() |
Các bô lão trong sắc tộc Pashtun tham dự một lễ cưới ở Kabul |
“Hào phóng và cởi mở, mọi người đã dành cho tôi một sự đón tiếp kỳ lạ. Tuy nhiên quả thật tôi hiếm khi nổi giận đến vậy đối với một người khác, tôi hiếm khi cãi nhau và cảm thấy muốn đánh một ai đó bằng những ngày tôi sống ở gia đình Khan. Bao giờ cũng là những lý do đó khiến tôi không thể kiềm chế được: cách đàn ông đối xử với đàn bà”.
Ghi lại những gì mình đã nhìn thấy và nghe kể lại, câu chuyện của A.Seierstad (Ông hàng sách ở Kabul) đưa người đọc bước vào một thế giới khác, lạ lùng và bí ẩn...
Khi Sultan cho là đã đến lúc tìm một người vợ mới thì chẳng ai muốn giúp ông cả. Trước tiên, ông đến gặp mẹ.
- Hãy bằng lòng với người vợ con đã có!
Ông bèn nói với người chị cả.
- Tôi quý người vợ của cậu lắm.
Những người chị em khác của ông cũng trả lời ông hệt như vậy.
Bà cô ông thì bảo:
- Như vậy là mày làm nhục Sharifa đấy.
Sultan cần được giúp đỡ. Một người muốn lấy vợ không thể tự mình đi hỏi, phong tục Afghanistan đòi hỏi phải có một người phụ nữ trong gia đình người đàn ông đứng ra xin hỏi và xem xét kỹ cô dâu hơn để coi cô có xứng đáng không, có được dạy dỗ tốt và có khá giả không. Vậy mà bất kể thế nào chẳng có ai chung quanh Sultan muốn dính dáng vào việc này.
Sultan thử nhắm Sonya, 16 tuổi. Cô có đôi mắt màu hạnh nhân đục và mái tóc đen nhánh. Người ta bảo cô nở nang và chăm làm. Gia đình cô nghèo, bà cố ngoại cô và bà cố ngoại Sultan là hai chị em.
Trong khi Sultan suy tính làm sao tự mình lấy được người mình thích thì bà vợ của ông thản nhiên vui sướng, không hề hay biết một cô gái trẻ, sinh ra đúng vào năm bà cưới Sultan, từ nay đang chiếm hết tâm trí ông chồng. Đã 50 tuổi và trải qua bao nhiêu lầm bụi, Sharifa đã bắt đầu già, cũng như chính Sultan vậy. Bà đã sinh cho ông ba người con trai và một con gái. Đối với một người ở vị thế của ông, đã đến lúc tìm một người vợ khác.
Cuối cùng người em trai ông bảo:
- Thôi thì tự anh cứ đi mà hỏi lấy.
Sau khi suy nghĩ ít nhiều, Sultan biết rằng đó là giải pháp duy nhất, và một buổi sáng ông đến nhà cô gái. Bố mẹ cô đón tiếp người anh em họ này rất vồn vã. Sultan có tiếng là người hào phóng và các cuộc thăm viếng của ông bao giờ cũng được hoan nghênh. - Cháu có một người bạn muốn được cưới Sonya.
Đây không phải là lần đầu tiên có người đến hỏi Sonya, cô đẹp và chăm làm, nhưng họ thấy cô còn quá trẻ. Bố Sonya là người tàn phế. Một cuộc đánh nhau bằng dao đã cắt đứt nhiều dây thần kinh cột sống của ông và ông bị liệt. Khi Sonya lấy chồng, cô có thể mang về cho bố mẹ nhiều tiền và do vậy họ chờ đợi một chỗ hời hơn những người đã đến dạm hỏi trước đây.
- Anh ta giàu có - Sultan mở đầu - Anh ta làm cùng ngành với cháu, là người có học vấn và đã có ba cậu con trai. Nhưng vợ anh ta đã bắt đầu già.
- Răng anh ta thế nào? - Bố mẹ cô gái hỏi ngay, ý muốn nói đến tuổi anh bạn nọ.
- Cũng gần giống như răng cháu. Hai bác cứ đoán xem.
Già đấy, họ nghĩ thầm. Dẫu sao đó cũng không nhất thiết là một trở ngại: người đi hỏi cô gái càng lớn tuổi thì càng phải trả nhiều tiền. Cái giá của một cô gái tùy thuộc tuổi tác, nhan sắc, các khả năng và cương vị xã hội của cô. Khi Sultan đã trình lời khẩn cầu của mình, bố mẹ cô nói đúng câu trả lời đã đoán trước được: “Nó còn trẻ quá”. Trả lời cách khác thì cũng bằng đem bán cô con gái với giá quá rẻ cho anh chàng giàu có chưa quen biết.
Ngày hôm sau ông đến lặp lại lời khẩn cầu của mình. Vẫn những đối thoại ấy, câu trả lời ấy. Song lần này ông được gặp Sonya mà ông đã không nhìn thấy kể từ khi cô còn là một đứa bé. Cô hôn tay ông vì lòng kính trọng đối với người họ hàng lớn tuổi hơn, và ông hôn lên mái tóc cô. Sonya nhận ra bầu không khí trầm nặng và thu mình lại dưới cái nhìn dò xét của ông cậu Sultan.
- Tôi đã tìm được cho cô một người đàn ông giàu có, cô nghĩ sao? - Ông hỏi.
Sonya cúi nhìn xuống. Trả lời sẽ là vi phạm mọi thông tục. Một người con gái không được quyền có ý kiến về việc người ta hỏi mình làm vợ.
Ngày thứ ba Sultan trở lại, và lần này ông nói rõ đề nghị của người hỏi cưới. Một chiếc nhẫn, một chiếc vòng đeo cổ, hoa tai và vòng tay - tất cả đều bằng vàng đỏ. Mọi thứ quần áo cô thích. 300kg gạo, 150kg dầu ăn, một con bò cái, vài con cừu và 50 triệu đồng afgani, tức hơn 400 USD đôi chút.
Bố Sonya quá bằng lòng với cái giá được đưa ra và yêu cầu được gặp mặt con người bí mật đã đề nghị món cống vật nọ.
- Ngày mai - Sultan hứa - hai bác sẽ thấy một bức ảnh của anh ta.
Hôm sau, bà cô của ông, mà ông đã có lo lót chút ít, nhận lời nói rõ cho bố mẹ Sonya biết tên tuổi thật của người muốn cưới cô. Bà mang theo một tấm ảnh của chính Sultan và dứt khoát yêu cầu họ trả lời trong một tiếng đồng hồ. Nếu họ nhận lời, Sultan sẽ rất biết ơn, còn nếu không thì quan hệ giữa đôi bên vẫn tốt như lâu nay.
Bố mẹ Sonya đồng ý ngay trước khi một tiếng kết thúc. Họ đánh giá cao bản thân Sultan cũng như tài sản và địa vị của ông. Trong nhà kho, Sonya khóc.
Cô biết rằng cô không muốn con người ấy, nhưng cũng biết phải tuân theo ý bố mẹ. Làm vợ Sultan, cô sẽ leo lên cao hơn nhiều bậc trong tôn ti xã hội Afghanistan. Cái giá cao của cô dâu sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, món tiền có được sẽ giúp các anh em trai của cô mua được những người vợ tốt. Sonya câm lặng. Số phận cô đã được quyết định: không nói gì tức là đồng ý. Hôn ước được ký, ngày cưới được ấn định.
Sultan trở về nhà báo tin vui. Ông thấy vợ ông là Sharifa, mẹ ông và các chị em gái ông đang ngồi trên nền nhà quanh mâm cơm có món rau bina. Sharifa tưởng chuyện đùa cười phá lên và đùa trả lại ông, cũng như bà mẹ của Sultan không thể nào tin được rằng ông có thể đi hỏi vợ mà không có sự đồng ý của họ. Các chị em gái của ông thì lặng thinh.
Không ai muốn tin, cho đến khi ông đưa ra chiếc khăn tay và những món của ngọt mà một người đi hỏi vợ nhận được của bố mẹ cô dâu làm bằng chứng hôn ước.
Sharifa khóc suốt 20 ngày.
- Tôi đã làm gì xấu xa nào? Nhục nhã quá chừng! Tại sao anh không còn yêu tôi?
Sultan van bà hãy tỉnh trí lại. Không người nào trong gia đình ủng hộ ông, ngay cả các con trai của ông cũng vậy. Nhưng không ai dám nói bất kỳ điều gì. Ý muốn của Sultan bao giờ cũng phải được thực hiện. Không ai muốn dự lễ đính hôn. Tuy nhiên Sharifa đã phải can đảm nuốt lấy nỗi sỉ nhục của mình mà trang điểm cho buổi tiếp khách.
- Tôi muốn mọi người thấy rằng bà đồng ý với tôi và ủng hộ tôi. Tương lai chúng ta sẽ cùng sống chung với nhau và bà phải tỏ cho Sonya thấy rằng bà vui vẻ tiếp nhận cô ấy - ông ra lệnh.
Bao giờ Sharifa cũng tuân theo sở thích của chồng và bây giờ bà chiều ông điều tệ hại nhất: nhường ông cho một người phụ nữ khác. Thậm chí ông còn đòi Sharifa tự tay đeo nhẫn cho ông và Sonya.
Hai tháng sau, người ta tiến hành lễ cưới vào dịp năm mới theo đạo Hồi. Sharifa từ chối tham dự.
- Tôi không thể - bà giải thích với chồng.
Những người phụ nữ trong gia đình đứng về phía bà. Không ai mua áo mới, không ai son phấn như thường lệ vào dịp lễ cưới. Họ để đầu tóc bình thường, họ cười mà như nhăn nhó - để tỏ lòng kính trọng người đã bị loại, không còn chia sẻ chiếc giường ngủ cùng Sultan, chiếc giường từ nay được dành riêng cho cô dâu trẻ rụt rè nọ. Còn ngôi nhà của họ thì ngược lại, tất cả họ phải cùng nhau chia sẻ cho đến khi cái chết chia tách họ ra.
Trong câu chuyện của người phương Tây Asne Seierstad, những người phụ nữ Afghanistan cứ trở đi trở lại như một nỗi xót xa. Sống chung một nhà với các bà vợ và các cô em gái của ông chủ cửa hàng sách Sultan Khan, cái nhìn của nhà văn nữ vừa ngạc nhiên vừa phẫn nộ…
-----------------------
* Kỳ tới: Một cuộc thương lượng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận