08/11/2012 08:25 GMT+7

Những "cái chết" được báo trước

P.ĐIỀN. - L.TRANG - T.HUỲNH - Đ.CƯỜNG
P.ĐIỀN. - L.TRANG - T.HUỲNH - Đ.CƯỜNG

TT - Đã qua rồi cái thời trường tư cứ hùn vốn mở trường, tuyển sinh rồi thong thả thu lợi đơn giản và chóng vánh. Hệ thống trường từ phổ thông đến đại học đang chứng kiến sự đào thải mạnh mẽ.

c12SZuwM.jpgPhóng to
Một lớp học sinh viên năm 3 Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) chỉ lèo tèo vài sinh viên - Ảnh: Đ.Cường

Ngày 5-10, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai quyết định đình chỉ hoạt động một năm đối với Trường THCS và THPT tư thục Khai Trí (Q.5) vì trường không đảm bảo những điều kiện bình thường của một cơ sở giáo dục. Trường này được cấp phép hoạt động từ năm 2002 trên mặt bằng ở tầng 4 và tầng 5 một khu nhà. Trường không có sân, không có phòng bộ môn lý, hóa, sinh, không đủ cơ sở vật chất đảm bảo giảng dạy các môn thể thao, nhạc, họa, nghề phổ thông, các hoạt động ngoài giờ lên lớp...

Đóng cửa

Đây là trường tư thứ hai trên địa bàn TP.HCM bị đề nghị đình chỉ hoạt động trong vài tháng nay.

Trước đó, Trường THPT tư thục Phương Nam (Q.Thủ Đức) với thâm niên hơn 15 năm, là một trong những trường tư ra đời sớm nhất tại TP.HCM, đã phải ngưng hoạt động từ ba tháng qua vì những hạn chế, yếu kém từ đội ngũ giáo viên đến việc tổ chức giảng dạy không đạt yêu cầu.

Với ước muốn đầu tư cho giáo dục, chủ đầu tư Trường THPT tư thục Hiền Vương (trước đây là Trường THPT Hữu Hậu, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã “chạy vốn” xây trường trên diện tích hơn 1.500m2 đất của gia đình mình. Trường khá khang trang nhưng suốt sáu năm qua vẫn không thể hoạt động ổn định vì thiếu người học, và thiếu cả sự thống nhất quan điểm giữa hiệu trưởng và chủ đầu tư. Không thể cầm cự được nữa, đầu năm học này trường đã âm thầm ngưng hoạt động vì gặp nhiều khó khăn về tài chính. Hơn 70 HS được chuyển sang trường khác. Ngày 26-10, Sở GD-ĐT TP.HCM kiểm tra hoạt động của trường này. Theo sự thống nhất từ phía trường, sở đang tiến hành thủ tục ra quyết định ngưng hoạt động trường này.

Chưa thành “hoa” đã sắp “tiêu”

Ở bậc sau phổ thông, sự đào thải cũng căng thẳng không kém. Ngày 6-11, chúng tôi trở lại Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam). Dù đang trong giờ học nhưng trường vắng lặng đến lạ thường. Ngay từ cổng vào, nhiều phòng học vắng tanh. Cửa đóng im ỉm, không thấy bóng dáng sinh viên. Phía cuối trường có ba lớp học với lơ thơ chỉ vài chục sinh viên ngồi lọt thỏm trong căn phòng. Ngay ở phòng tuyển sinh không khí cũng rất tiêu điều. Phòng có 4-5 cán bộ làm công tác tư vấn tuyển sinh nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng thí sinh. Đây không phải là năm tuyển sinh èo uột đầu tiên của trường. Nhiều năm nay, năm nào trường cũng bù lỗ và thực hiện tinh giản bộ máy để cân đối thu chi. Đại diện nhà trường cho biết trường có hơn 80 cán bộ, giảng viên, nhân viên nhưng phải “cắt” đi 1/3 để duy trì hoạt động. Ngược lại lịch sử của trường, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi Trường ĐH Phan Châu Trinh ra đời với tham vọng “xây dựng thành một ĐH tư thục “hoa tiêu” hoạt động theo mô hình chất lượng cao...”.

Ở Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) đang gặp rất nhiều khó khăn, sau nhiều tháng chạy khắp nơi tìm nhà đầu tư mới để cứu trường, cuối cùng lãnh đạo trường mới tìm được “ông chủ” mới sau nhiều sóng gió từ chính trong nội bộ của trường. Ngày 30-10, Công ty Hùng Hậu chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược toàn diện và duy nhất của Trường ĐH Văn Hiến và sẽ tham gia hỗ trợ nhằm cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên, khắc phục khó khăn hiện tại. Đây đã là lần thứ hai trường này được “sang tay” cho nhà đầu tư. Trước đó, trường đã khó lại còn khó hơn khi bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh.

Tương tự, Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cũng bị dừng tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay khiến tình hình càng trở nên căng thẳng sau nhiều năm “bạo bệnh”. Hiện lãnh đạo nhà trường (hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị) vừa được UBND TP.HCM trả lại quyền điều hành trường sau sáu tháng đình chỉ chức vụ do mâu thuẫn gay gắt giữa đôi bên nhưng nay tình trạng mâu thuẫn dần trở lại. Việc khắc phục những “dư chấn” còn lại sau một thời gian dài không phải là chuyện một sớm một chiều.

Một trường tư khác đã bị đình chỉ tuyển sinh do vi phạm hàng loạt sai phạm là Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Sài Gòn. Sở GD-ĐT đã cảnh báo trong trường hợp trường vẫn tiếp tục không ổn định, sở sẽ trình UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, tức đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường.

“Sống mòn”

Cũng phải kể đến hàng loạt trường đang tuyển sinh rất lèo tèo hoặc phát triển kém hơn so với thời trước. Nhiều trường không tuyển đến 200 người học mỗi năm học. Và 200 HS được xem là con số “báo động đỏ” cho sự sống còn của một trường phổ thông tư. Quá ít lớp, lớp lèo tèo mươi HS rất khó duy trì hoạt động giáo dục và cũng không đảm bảo nguồn thu để cầm cự.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM vào tháng 4-2012, có hơn 30 trường tư có số HS dưới 200, có trường dưới 50 HS. Đầu năm học này, theo thông tin từ chính các trường tư, tình hình tuyển sinh khó khăn hơn nữa, số HS các trường đồng loạt giảm ở hầu hết các trường.

Bỏ ra gần 500 triệu đồng chi phí quảng cáo nhưng trường T (Q.Tân Phú, TP.HCM) chỉ thu về được vài chục HS mới, chưa kể đã vào học rồi nhiều phụ huynh vẫn đổi ý đòi rút hồ sơ. Hiệu trưởng một trường tư thục cho rằng những khó khăn trong tuyển sinh đang đẩy nhiều trường tư đến những khó khăn trong tổ chức giảng dạy. Quá ít HS, trường rất khó mời được giáo viên tốt vì lẽ trường không có tiền và cũng khó xếp thời khóa biểu. Thực tế do khó mời giáo viên nên nhiều trường cho giáo viên dạy “ghép môn”, dạy cả những môn không đúng chuyên môn của mình hoặc có giáo viên phải dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Tổ chức dạy không tốt sẽ mất HS. Mất HS, nguồn thu hạn hẹp, không đầu tư được làm chất lượng dạy kém hơn nữa. Một vòng luẩn quẩn khó khăn.

Tạm bợ

Thực trạng “sống mòn” của nhiều trường là hệ quả của sự yếu kém, tạm bợ của hệ thống trường tư. Theo thống kê từ Sở GD-ĐT TP.HCM về cơ sở vật chất trường tư vào cuối năm học trước, có đến 3/4 số trường không có đủ các phòng bộ môn (lý, hóa, sinh); 63 trường không có phòng dạy nhạc - họa, 43 trường không có khu thể dục thể thao, 24 trường không có hội trường, 10 trường không có sân, nhiều trường không có thư viện hoặc thư viện nhỏ dưới 30m2... Không chỉ những trường nhỏ, khó khăn, ngay cả những trường danh tiếng hoặc những trường có tên gọi gắn với hai chữ “quốc tế” với hàng nghìn HS cũng không có phòng thực hành, hội trường, sân thể thao...

(còn tiếp)

P.ĐIỀN. - L.TRANG - T.HUỲNH - Đ.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên