Thương tâm 4 trẻ em chết đuối trong hố nước
Chưa kể đối với trẻ dưới 5 tuổi, nhiều em chưa kịp sặc nước đã bị tử vong do quá hoảng hốt.
Thống kê chưa đủ cảnh báo
Những tai nạn thương tâm do đuối nước diễn ra ngay tại thủ đô có thể khiến nhiều người bàng hoàng khó tin. Song thực tế Hà Nội là một trong ba địa phương có số tử vong do đuối nước cao nhất toàn quốc. Còn thống kê cả nước, mỗi ngày có khoảng 10 trẻ bị chết vì nguyên nhân này.
Kết quả giám sát tai nạn thương tích của Bộ Y tế cho thấy đuối nước đang là nguyên nhân gây tử vong thứ hai (sau tai nạn giao thông) trong nhóm nguyên nhân gây tử vong do tai nạn thương tích, nhất là ở trẻ em. Mỗi năm cả nước có hơn 3.500 trẻ bị tử vong vì loại tai nạn thương tâm này.
Đứng đầu danh sách này hiện nay là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội. Trẻ em từ 0-4 tuổi có tỉ suất tử vong do đuối nước cao nhất, trung bình 22 trẻ/100.000 trẻ/năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ 1,4 lần.
Theo TS Trần Thị Ngọc Lan - cục phó Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), con số tử vong lớn nhưng vẫn chưa đủ sức cảnh báo đúng mức nguy cơ của đuối nước. “Việc thống kê được thực hiện toàn diện trên 10.000 xã, phường của 63/63 tỉnh, thành, nhưng mới dừng ở số tử vong, chưa có được con số hôn mê, số được cứu sống nên không thể tính được số mắc thực tế” - TS Lan nói.
Đuối nước ngay... trong nhà
Nhiều trẻ dưới 5 tuổi chưa kịp sặc nước đã bị tử vong do quá hoảng hốt (ở nhóm tuổi này, trẻ tử vong do đuối nước bằng tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ em - chiếm 18,1% trong các nguyên nhân tử vong ở trẻ).
Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do trẻ bất ngờ bị ngập trong nước, tâm trí hoảng loạn khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể càng bị chìm sâu, phản xạ co cơ nắp thanh quản, đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được, thiếu oxy não và bất tỉnh. Trường hợp này được gọi là chết đuối khô. Tình trạng này cũng diễn ra ở người lớn không biết bơi khi không may bị ngập trong nước.
Nguy hiểm là nhiều trẻ bị đuối nước ngay trong chính ngôi nhà của mình. Không xa chuyện một bé 9 tháng tuổi ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc bị đuối nước ngay trong chậu tắm hằng ngày em vẫn tắm. Nguyên do là khi đang tắm cho bé, có điện thoại ngoài phòng khách reo, ông nội nghĩ bé đã ngồi vững nên chạy vào nghe. Hai phút sau khi ông quay lại thì bé đã úp mặt xuống nước và không thở nữa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tú, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi trung ương, cho hay bệnh viện từng cấp cứu cho bệnh nhi bị đuối nước ngay trong chậu tiểu cảnh đặt trong nhà. Bé N.T.T. (12 tháng tuổi, Hà Nội) tha thẩn chơi cùng người giúp việc, thấy chậu tiểu cảnh trong nhà quá đẹp nên lân la lại gần. Khi ngã vào chậu bé T. bị ngạt, không được sơ cứu kịp thời nên chuyển viện cấp cứu quá muộn.
Nhiều khi người lớn quá sợ hãi khiến việc sơ cứu chậm trễ, bỏ qua thời gian vàng có thể cứu sống bệnh nhân. Không được sơ cứu kịp thời, não chỉ thiếu oxy 5 phút là nạn nhân có thể rơi vào đời sống thực vật.
Trong nhiều trường hợp, việc hà hơi, thổi ngạt kéo dài 30-60 phút mới cứu sống được bệnh nhân. “Tuy nhiên, để sơ cứu cho bệnh nhân, trước hết phải đẩy cho nước ra ngoài, kích thích khả năng sống rồi mới hà hơi thổi ngạt” - TS Lan chỉ dẫn.
Theo TS Lan, tại Mỹ “quan trọng với họ là trẻ được biết bơi. VN cũng nên có kế hoạch phổ cập việc học bơi cho trẻ. Nhất định trẻ tốt nghiệp THCS phải biết bơi thuần thục, phải đưa học bơi vào chương trình giáo dục bắt buộc” - bà Lan đề xuất.
Cặp - phao không phát huy tác dụng Thực tế đã có giải pháp đưa ra cho trẻ vùng sông nước tránh bị đuối nước khi buộc phải đi lại bằng thuyền, đò qua sông đến trường. Một chiếc cặp kèm áo phao được đưa vào sử dụng thử nghiệm ở nhiều địa phương. “Song thực tế chiếc cặp “tích hợp” này không phát huy được tác dụng. Học sinh ngày nay đi học phải mang theo quá nhiều sách vở nặng nề nên lên đến thuyền các em đã vội bỏ cặp xuống cho nhẹ vai. Do đó, nếu không may gặp sự cố thì người một nơi, phao một nẻo, không thể cứu được” - TS Trần Thị Ngọc Lan nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận